Những thư viện sách nối dài tri thức cho trẻ em vùng khó

4

www.bienphong.com.vn

Biên phòng – Những năm qua, nhằm xóa dần khoảng cách giữa thành thị và miền núi, vùng sâu, vùng xa, mang tri thức, văn hóa đọc đến vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động để triển khai các thư viện sách đến với đồng bào nghèo và trẻ em vùng biên giới. Như những chuyến xe nối dài tri thức, mang theo ước mơ của trẻ em nơi vùng cao biên giới, những thư viện sách đã trở thành món quà quý giá và vô cùng ý nghĩa đối với đồng bào nơi đây.

17431214pm71941203pm4
Các em nhỏ ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình hào hứng với bộ mô hình lắp ghép kỹ thuật lớp 5 do Chương trình “Thư viện tránh lũ” trao tặng. Ảnh: Đặng Thủy

Những thư viện trong mơ

Mới đây, Chương trình “Thư viện tránh lũ” của Đoàn Thanh niên cơ sở Trung tâm Công nghệ thông tin và Báo điện tử Tổ quốc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức đã được triển khai tại bản Trung Sơn, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Đây là địa bàn đặc biệt khó khăn, đời sống của nhân dân còn vất vả, thiếu thốn, cơ sở vật chất nghèo nàn, thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt do sạt lở, thiên tai. Thấu hiểu những khó khăn trong việc tiếp cận thông tin của đồng bào Bru-Vân Kiều nơi vùng núi cao biên giới này, Chương trình “Thư viện tránh lũ” đã dừng chân tại Quảng Bình, mang đến niềm vui cho người dân và trẻ em nghèo vùng khó. Hơn 3.000 cuốn sách giấy với nhiều đầu sách bổ ích cho thiếu nhi, 500 đầu sách nói tại thư viện trực tuyến cùng 30 suất học bổng đã được trao cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cùng với nhiều phần quà và đồ dùng học tập cho năm học mới thông qua chương trình. Ban Tổ chức cũng tặng các phần quà cho các hộ gia đình khó khăn, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng.

Anh Nguyễn Giang Nam, Phó Bí thư Đoàn Trung tâm Công nghệ thông tin cho biết: Từ năm 2023, với nhiệm vụ mang văn hóa đọc đến với đồng bào vùng cao, biên giới, biển đảo, chúng tôi đã triển khai xây dựng Chương trình “Thư viện trên đá” – thư viện dành cho các em học sinh huyện vùng cao Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Năm nay, Chương trình tình nguyện “Cùng mang sách về miền núi cao, hải đảo” – mùa 2 với chủ đề “Thư viện tránh lũ” được chúng tôi triển khai tại Quảng Bình và nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo các cấp, các nhà hảo tâm. Với mong muốn mang thật nhiều tri thức tới cho đồng bào, đặc biệt là các em nhỏ, năm nay, chúng tôi chọn bản Trung Sơn của đa số đồng bào Bru-Vân Kiều sinh sống. Ngay từ khi chúng tôi tới, các bạn nhỏ ở đây vô cùng háo hức khi biết chuẩn bị có một thư viện với rất nhiều sách, truyện và đồ chơi. “Với mong muốn phát triển mạnh văn hóa đọc tới nhiều địa phương trên cả nước, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng thật nhiều thư viện trên mọi miền Tổ quốc” – anh Nguyễn Nam Giang chia sẻ.

Trước đó, tháng 5/2023, hưởng ứng Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Thanh niên cơ sở Trung tâm Công nghệ thông tin và Báo điện tử Tổ quốc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức Chương trình tình nguyện “Cùng mang sách về miền núi cao, hải đảo”, mùa đầu tiên với chủ đề “Thư viện trên đá” tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sà Phìn, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Trong mùa đầu tiên, với mong muốn mang đến cơ hội tiếp cận tri thức, xây dựng thói quen đọc sách cho các em học sinh vùng cao, Đoàn đã xây dựng phòng đọc sách tặng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sà Phìn; trao tặng 1.500 đầu sách bao gồm sách tham khảo, sách kỹ năng, sách tiếng Anh, truyện lịch sử, truyện tranh, truyện cổ tích, thơ… cùng thư viện sách nói trực tuyến với 2.000 đầu sách cho phòng đọc.

Nâng cao văn hóa đọc nơi vùng cao biên giới

Những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về đẩy mạnh khả năng tiếp cận thông tin, tri thức cho đồng bào nghèo khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể hoặc cá nhân đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm xây dựng tủ sách, thư viện cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hoạt động này đã hỗ trợ tài nguyên thông tin thư viện cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa đọc chất lượng, hiệu quả cho người dân; hình thành thói quen, nhu cầu phát triển, kỹ năng và phong trào đọc sách trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó, thu hẹp khoảng cách về văn hóa, kinh tế, xã hội giữa miền núi với đồng bằng, tạo điều kiện hội nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần, lao động sản xuất của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

92431213pm67641207pma2
Các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sà Phìn chăm chú đọc những cuốn sách từ Chương trình “Thư viện trên đá” đem lại. Ảnh: Đặng Thủy

Đối với trẻ em vùng khó, nhu cầu đọc sách cũng rất lớn. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế và đời sống văn hóa tại các khu vực đó chưa phát triển, sách là một vật phẩm khan hiếm. Vì vậy, thời gian qua, nhiều đơn vị, các tập thể, cá nhân đã lan tỏa tinh thần khuyến đọc bằng cách xây dựng các tủ sách, thư viện ở những vùng khó khăn. Không chỉ các tổ chức, các cá nhân cũng có thể tham gia vào công việc từ thiện sách thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội, mà có những bạn trẻ tự tay đóng gói số sách cũ của mình và chuyển lên vùng cao. Có những dự án đã tiếp sức, trở thành những cánh tay nối dài, giúp tinh thần khuyến đọc ngày càng được lan tỏa và đem lại những giá trị tích cực cho cộng đồng, và “Tủ sách nuôi em” là một dự án như thế!

Dự án “Tủ sách nuôi em” do anh Hoàng Hoa Trung (sinh năm 1990) thành lập từ ngày 24/3/2023, đến nay, đã quyên góp được 770 tủ sách lớn nhỏ, 404 tủ đồ chơi tới các điểm trường còn khó khăn ở nhiều tỉnh, thành như Điện Biên, Cao Bằng, Gia Lai, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái… Lê Minh Ngọc, Chủ nhiệm dự án “Tủ sách nuôi em”, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Khác những dự án quyên góp khác, với dự án “Tủ sách nuôi em”, sách sẽ được gửi trực tiếp lên các điểm trường nên luôn khuyến khích mọi người gom tối thiểu từ 50 món trở lên để đủ ít nhất một điểm trường nhỏ. Số lượng quà tặng lớn là một điều khó khăn với mọi người nên dự án luôn nhắn gửi mọi người tham gia dự án cùng vận động và góp sách từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp để giúp dự án có tính lan tỏa”.

“Mục tiêu của chúng tôi là giúp tất cả mọi người đều có thể làm thiện nguyện một cách dễ dàng. Chúng tôi kêu gọi những tủ sách nhỏ, chỉ từ 50-70 cuốn sách. Những tủ sách này sẽ được gửi tới các điểm trường lẻ, chỉ có từ 10-30 học sinh. Từ đó, mọi người sẽ cảm thấy việc kêu gọi một tủ sách khá dễ dàng và mọi người sẽ tiếp tục kêu gọi bạn bè mình cùng chung tay góp sức để làm nên những “Tủ sách nuôi em” ở nhiều địa phương trên toàn quốc” – Lê Minh Ngọc chia sẻ.

Phát triển văn hóa đọc vùng khó khăn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với nguồn tri thức phong phú, giúp đồng bào, học sinh vùng khó có thêm nguồn tài liệu, kiến thức để phục vụ học tập, công tác, giải trí, trau dồi kiến thức khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, nâng cao dân trí, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về văn hóa giữa thành thị với nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xây dựng bản làng biên giới ngày càng giàu mạnh.

Đặng Thủy


Nguồn bài viết:
https://www.bienphong.com.vn/nhung-thu-vien-sach-noi-dai-tri-thuc-cho-tre-em-vung-kho-post479628.html