baokontum.com.vn
Ở những xã vùng sâu, vùng xa ở huyện Tu Mơ Rông và Đăk Tô, đội ngũ những người giáo viên không chỉ vượt khó, tận tâm, tận tụy với nghề mà họ còn đã và đang gắng sức nâng tầm cho những sản phẩm đặc trưng của địa phương vươn xa.
Tận tụy vì thế hệ tương lai
Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum (cũ), nay là Trường Cao đẳng Kon Tum năm 2006, cô giáo Cù Thị Nhung được nhận về công tác tại Trường TH Ngọc Lây, sau đó chuyển về công tác tại Trường TH -THCS Đăk Rơ Ông. Gần 20 năm công tác tại mảnh đất Tu Mơ Rông, cô đã lặn lội khắp các thôn làng mà cô công tác, gần gũi với bà con, tuyên truyền vận động đồng bào DTTS quan tâm đưa con em đến trường.
Theo cô Nhung kể, bản thân cô và đội ngũ giáo viên trong trường hàng ngày đến từng hộ dân, thậm chí lên tận rẫy để tuyên truyền vận động bà con đưa con em đến trường đầy đủ. Không chỉ vậy, cô Nhung luôn tích cực học hỏi, không ngừng tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy để tạo hứng thú, thu hút học sinh tham gia để nâng cao chất lượng giáo dục.
Cô Nhung tham gia dạy xóa mù tại địa phương. Ảnh: P.N
Cô Nhung chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đăk Tô, nhưng khi trưởng thành, tôi lại gắn bó với mảnh đất Tu Mơ Rông. Suốt gần 20 năm gắn bó với mảnh đất này nên tôi thấu hiểu được sự vất vả của con em đồng bào DTTS. Vì thế, trong công việc tôi luôn hết mình, nêu cao trách nhiệm để mong muốn góp sức nhỏ bé của mình mang con chữ giúp các em nuôi ước mơ, có tương lai tươi sáng hơn.
Với sự cố gắng của mình, nhiều thế hệ học trò của cô Nhung đã trưởng thành và đang từng bước khẳng định, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.
Cũng giống như cô Nhung, cô U Thị Bích Liên (47 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học Đăk Rơ Nga (huyện Đăk Tô) cũng là một người giáo viên tiêu biểu của trường.
Được sự giới thiệu của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Tô, chúng tôi tìm đến điểm trường Đăk Manh 2, xã Đăk Rơ Nga- nơi cô giáo Liên đang công tác. Tới đây, tôi thực sự ấn tượng bởi sự tận tụy của cô Liên. Trong căn phòng nhỏ, với 25 em học sinh lớp 2, cô Liên đến từng em cầm tay giúp học sinh nắn nót từng nét chữ, giúp học sinh DTTS hiểu hơn về của Tiếng Việt- điều mà học sinh DTTS còn hạn chế.
25 học sinh lớp cô Liên mặc đồng phục truyền thống do cô vận động ủng hộ. Ảnh: P.N
Một điều khiến chúng tôi ấn tượng nữa khi bước vào lớp do cô Liên phụ trách, 25 học sinh đều mặc bộ áo truyền thống của người Xơ Đăng. Toàn bộ số quần áo này do cô vận động các mạnh thường quân ủng hộ.
Cô Liên chia sẻ: Ngoài việc dạy chữ cho các em, để các em hiểu hơn về truyền thống của dân tộc, tôi đã vận động các mạnh thường quân ủng hộ cho mỗi em trong lớp một bộ quần áo thổ cẩm truyền thống. Qua đó, muốn giáo dục cho các em nêu cao ý thức gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đánh giá về cô Liên, cô giáo Võ Thị Vân- Phó hiệu trưởng Phụ trách Trường Tiểu học Đăk Rơ Nga cho biết: Cô Liên đã có hơn 20 năm trong nghề, là người luôn tận tình, chu đáo, tận tụy vì học sinh. Cô không chỉ là giáo viên dạy giỏi mà còn là giáo viên rất sôi nổi, nhiệt tình trong các phong trào. Đặc biệt cô Liên có nhiều sáng kiến trong giảng dạy và vận động học sinh. Bởi cô là người địa phương nên cô hiểu bà con nên có nhiều cách vận động để người dân hiểu, đưa con em đến trường.
Đam mê nâng tầm sản phẩm cho địa phương
Điều đáng mừng cô giáo Nhung và cô Liên không chỉ tận tụy, tận tâm, hết lòng vì học trò mà còn có niềm đam mê làm những sản phẩm OCOP từ nguyên liệu đặc trưng ở mảnh đất mà họ đang sống.
Với cô giáo Cù Thị Hồng Nhung, nhận thấy mảnh đất Tu Mơ Rông có nhiều tiềm năng về dược liệu nên cô đã cùng một số thành viên thành lập HTX Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành (xã Đăk Rơ Ông).
Cô giáo Cù Thị Hồng Nhung chia sẻ: Tôi và thành viên hợp tác xã đầu tư máy móc, thiết bị, xây dựng nhà máy chế biến sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu. Qua đó, tôi mong muốn giúp người dân ổn định đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu ở địa phương. Đặc biệt, chúng tôi tập trung chế biến sâu, làm ra các sản phẩm mang đặc trưng riêng góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm của địa phương mình.
Chính bởi duyên nợ với dược liệu và cùng với sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, cô Nhung cùng thành viên hợp tác xã càng được tiếp thêm động lực để đưa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Sau thời gian tích cực nghiên cứu, chế biến và sản xuất ra sản phẩm đảm bảo cả về chất lượng và mẫu mã, năm 2020, sản phẩm đầu tay “Trà nấm Hồng chi” được cô mang đi tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP và sản phẩm này đã đạt 3 sao. Điều đó, đã tiếp thêm động lực cho cô và thành viên hợp tác xã vững niềm tin và quyết tâm theo đuổi để đầu tư, mở rộng thêm các sản phẩm khác.
Từ sản phẩm đầu tiên, Hợp tác xã Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành của cô Nhung tiếp tục có 4 sản phẩm là trà khổ qua, mứt sâm dây Ngọc Linh, rượu nho rừng và rượu sơn tra tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh. Đến nay, hợp tác xã của cô Nhung đã có 9 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao 4 sao và là một trong những chủ thể có nhiều sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao nhất trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông.
Điều đặc biệt, hiện nay dưới sự quản lý, điều hành của cô Nhung, HTX đang liên kết với 30 hộ dân trên địa bàn để trồng, chăm sóc và thu mua cây lan kim tuyến, sâm dây, ngũ vị tử, sơn tra, sâm Ngọc Linh… để tiếp tục nghiên cứu cho ra những sản phẩm mới mang đặc trưng của địa phương, góp phần đưa sản phẩm của địa phương vươn xa.
Bà Mai Thị Luận- Phó Chủ tịch xã Đăk Rơ Ông cho biết: Việc cô Nhung và HTX Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành tích cực đầu tư chế biến sâu ra các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của địa phương không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, có đầu ra ổn định, nâng cao giá trị của dược liệu mà còn giúp thương hiệu sản phẩm của xã được nhiều người biết đến. Chúng tôi kỳ vọng, với sự đồng hành của hợp tác xã, các sản phẩm OCOP của địa phương sẽ vươn xa ra các tỉnh thành trong cả nước, góp phần giúp người dân thoát nghèo bền vững và vươn lên khá giả từ những sản vật của địa phương. Đặc biệt, hiện nay, hợp tác xã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động và cho 30 lao động thời vụ với thu nhập của mỗi lao động từ 160.000-300.000 đồng/ngày.
Cô Liên làm sản phẩm thịt heo hun khói. Ảnh: PN
Giống như cô giáo Nhung, cô Liên là người Xơ Đăng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đăk Rơ Nga nên cô thấu hiểu mong ước của bà con. Chính vì vậy, cô đã tận dụng từ việc bà con chăn nuôi heo sọc dưa và quyết định thu mua và làm ra sản phẩm “thịt heo hun khói”.
Cô Liên chia sẻ: Để phát triển kinh tế gia đình và có cơ hội giúp đỡ chị em DTTS tại khu dân cư, ngoài việc giảng dạy chuyên môn, tôi mạnh dạn thương mại hóa món ăn truyền thống của người Xơ Đăng (thịt hun khói) để nâng cao giá trị và tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, đồng thời giúp từ 5-10 chị em có việc làm thời vụ, tăng thu nhập. Năm 2022, tôi mạnh dạn tham gia Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp” do Hội LHPN tỉnh Kon Tum tổ chức với ý tưởng “Nâng cao giá trị và thương mại hóa món thịt hun khói truyền thống của người Xơ Đăng” và ý tưởng đạt giải nhất tại Cuộc thi năm 2022. Đồng thời, được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện để phát triển sản phẩm, đến nay, sản phẩm “thịt heo hun khói” đã được Hội đồng OCOP tỉnh trao chứng nhận hạng 3 sao.
Điều đáng mừng là sản phẩm “thịt heo hun khói” không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn được khách hàng của các tỉnh thành trong cả nước đặt mua.
Cô giáo Liên và cô giáo Nhung không chỉ là những giáo viên tiêu biểu, tận tụy hết lòng với nghề mà họ còn luôn làm tròn trách nhiệm hai vai, là những người phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” để chúng ta trân trọng học tập.
Phúc Nguyên
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/nhung-giao-vien-gioi-viec-nuoc-dam-viec-nha-43980.html