Nhọc nhằn qua cầu treo, ngầm tràn

7

baokontum.com.vn

Với địa hình đồi núi dốc, có nhiều sông suối, cầu treo, cầu tạm, ngầm tạm hư hỏng, xuống cấp chưa được đầu tư, sửa chữa đã và đang gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân. Thực trạng đó, không những gây khó khăn, nhọc nhằn mà còn nguy hiểm cho người dân khi đi qua cầu treo, ngầm tràn, nhất là vào mùa mưa.

Bấp bênh cầu treo

Do đặc thù địa hình, nhiều sông suối nên trên địa bàn tỉnh ta, tại các điểm qua sông, suối, để phục vụ việc đi lại sản xuất, người dân góp tiền làm tạm cây cầu treo bắc qua sông, suối; đồng thời, cùng nhau góp sức, lấy đá, làm thành những chiếc ngầm để vượt suối. Những chiếc cầu treo chủ yếu được  làm từ tre, gỗ ván kết nối bằng sợi dây thép để đi lại. Việc đi lại qua những chiếc cầu treo này khó khăn và nguy hiểm, mất an toàn, đặc biệt là vào mùa mưa. Tuy nhiên, do nguồn vốn eo hẹp, nên dù nhiều cây cầu treo ngầm tràn chưa được đầu tư, sửa chữa nhưng người dân vẫn phải đi qua những chiếc cầu treo lắc lư, bấp bênh, đánh cược với số phận.

Theo thống kê của Sở GTVT, qua rà soát, toàn tỉnh hiện có 227 cầu nông thôn như cầu treo, cầu dân sinh bắc qua sông suối nhỏ. Các cây cầu đều là lối đi phục vụ dân sinh lao động sản xuất, vận chuyển nông sản của người dân. Trong đó, 95 cây cầu chưa đảm bảo kết cấu bê tông cốt thép và đáng nói vẫn còn 29 cầu treo trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng.

162039B%E1%BA%BFp%20b%C3%AAnh%20c%E1%BA%A7u%20treo

Bấp bênh cầu treo. Ảnh: PN

 

Hai địa phương có nhiều cầu treo hư hỏng nhất là Đăk Glei và Đăk Tô. Trong đó, huyện Đăk Glei có 76 cầu treo thì có đến 16 cầu trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng; huyện Đăk Tô có 17 cầu treo thì có 5 cây cầu không đảm bảo an toàn.

Thực tế tại huyện Đăk Tô, chúng tôi nhận thấy những chiếc cầu treo hư hỏng xuống cấp thật chênh vênh, bấp bênh. Trong đó, cây cầu treo tạm bắc ngang suối Đăk Rơ Nga, thôn Đăk Tăng (xã Ngọc Tụ) là lối duy nhất để người dân vượt suối Đăk Rơ Nga đến khu sản xuất rộng hơn 70ha suốt nhiều năm qua. Chiếc cầu được dựng tạm bằng tre nứa và cây gỗ nhỏ dài hơn 30m. Thân cầu thấp, mặt cầu chỉ cao hơn mặt nước khoảng 1m, có đoạn còn võng xuống sát mặt nước. Nguyên do là cọc gỗ lún không chịu được sức tải của người và hàng hóa.

Việc cầu xuống cấp, hư hỏng đã gây ảnh hưởng đến đời sống cũng như việc phát triển kinh tế của thôn Đăk Tăng.

Chia sẻ với chúng tôi, ông A Giáo (67 tuổi, trú tại thôn Đăk Tăng, xã Ngọc Tụ) cho biết: Cây cầu này chỉ đi được xe máy, vận chuyển nông sản vào mùa khô và hàng năm bà con đều phải làm lại. Mỗi khi trời mưa, nước suối dâng lên, chảy mạnh thì hầu như không ai dám đi.

Cầu treo bắc qua suối ở thôn Đăk Tăng, xã Ngọc Tụ được người dân làm tạm để đi lại. Ảnh: P.N

 

“Năm nay lũ chưa cuốn cầu nên mọi người vẫn tận dụng cầu cũ. Để khắc phục tạm thời, người dân dùng dây thép, dây vải, đinh để gắn những thân tre lại với nhau. Người dân mong mỏi chính quyền hỗ trợ làm cầu mới để thuận lợi phát triển kinh tế, việc đi lại, giao thương với bên ngoài cũng dễ dàng hơn”- ông A Giáo nói.

Tương tự, cây cầu treo nối thôn 5 (xã Kon Đào) với khu sản xuất bên kia suối Đăk Rnghe cũng đã xuống cấp, hư hỏng từ vài năm trước. Tuy nhiên, cầu chưa được sửa nên khi đi canh tác, sản xuất, người dân thôn 5 phải lội suối. Nhiều thời điểm mưa lũ dâng cao, người dân buộc phải ở nhà, dừng công việc đồng áng.

Ông A Nhanh, người dân xã Kon Đào chỉ vào cây cầu xuống cấp than thở: “Cầu hỏng rồi chỉ vượt suối mùa khô vận chuyển mì, phân bón qua lại thôi. Chở nhiều không được nên phải chở nhiều lần, rất tốn chi phí và công vận chuyển. Cầu hỏng nên mỗi khi mưa lớn đành ngồi nhìn và chờ nước rút. Mùa mưa kéo dài tận nửa năm nên bà con lo lắng lắm”.

Hiểm nguy qua cầu, ngầm tràn

Không chỉ có cầu treo, trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều ngầm tràn, cầu tràn qua các sông, suối nhỏ rất khó khăn trong đi lại, đặc biệt là vào mùa mưa. Theo thống kê của Sở GTVT, toàn tỉnh hiện có 64 cầu tràn, ngầm tràn và cống tràn. Trong số đó, có hàng chục ngầm tràn được làm bằng rọ đá phục vụ việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân nhưng việc đi lại rất khó khăn và nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa. Đặc biệt, trong mùa mưa, có nhiều thời điểm nước lớn không thể đi lại địa bàn huyện Tu Mơ Rông và Kon Plông là 2 địa phương có ngầm tràn bằng rọ đá nhiều nhất.

Theo ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, trên địa bàn hiện có khoảng 5 cây cầu tràn, ngầm tràn nằm trên Tỉnh lộ 678, 672 và đường Ngọc Hoàng- Măng Bút -Tu Mơ Rông – Ngọc Linh. Trong đó, nguy hiểm nhất là 2 ngầm trên đường Ngọc Hoàng- Măng Bút -Tu Mơ Rông – Ngọc Linh đoạn qua xã Ngok Yêu và ngầm tràn trên Tỉnh lộ 678 nối xã Đăk Sao, Đăk Na với Đăk Rơ Ông, Đăk Tờ Kan. Những  ngầm này, vào mùa mưa, nhiều thời điểm nước lớn không thể đi lại được. Những thời điểm đó, huyện thường xuyên chỉ đạo lực lượng tại chỗ giăng dây, tổ chức canh gác, không cho người dân qua lại, chờ nước rút, nhằm bảo đảm an toàn.

“Chính quyền huyện, xã và người dân mong rằng tỉnh quan tâm bố trí vốn đầu tư xây dựng cầu qua những ngầm này, nhất là đối với ngầm trên Tỉnh lộ 678 và đường Ngọc Hoàng- Măng Bút -Tu Mơ Rông – Ngọc Linh, để bảo đảm an toàn và thuận tiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế”- ông Mạnh đề nghị.

162139m%C3%B9a%20kh%C3%B4,%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20%C4%91i%20l%E1%BA%A1i%20c%C5%A9ng%20r%E1%BA%A5t%20v%E1%BA%A5t%20v%E1%BA%A3%20qua%20c%C3%A1c%20ng%E1%BA%A7m%20tr%C3%AAn%20tuy%E1%BA%BFn%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng%20ng%E1%BB%8Dc%20Ho%C3%A0ng,%20M%C4%83ng%20B%C3%BAt %20Tu%20M%C6%A1%20R%C3%B4ng %20Ng%E1%BB%8Dc%20Linh(2)

Mùa khô, người dân đi lại cũng rất vất vả qua các ngầm trên tuyến đường Ngọc Hoàng, Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh. Ảnh: P.N

 

Tôi cũng có dịp đi trải nghiệm thực tế trên tuyến giao thông Ngọc Hoàng- Măng Bút -Tu Mơ Rông – Ngọc Linh từ Tu Mơ Rông qua huyện Kon Plông. Suốt hành trình ấy, tôi thực sự bị cuốn hút bởi những ngôi làng, những thửa ruộng bậc thang nằm len lỏi giữa những cánh rừng già mát lạnh mà con đường đi qua cho tôi một cảm giác thật bình yên, thơ mộng. Con đường dài 58km, được đổ bê tông toàn tuyến đi khá thuận lợi thế nhưng hiện vẫn còn 5 chiếc ngầm chưa được đầu tư xây dựng cầu. Theo người dân địa phương, tại vị trí 5 ngầm này, mùa khô đi lại đã vất vả còn mùa mưa thì vô cùng khó khăn, gần như ách tắc hoàn toàn. Đáng nói, trong mùa mưa năm vừa qua, có 2 vụ người dân và giáo viên đi dạy qua ngầm đã bị nước lũ cuốn trôi nhưng may mắn được người dân phát hiện cứu giúp kịp thời.

Chị Y Na (làng Pa Tu 2, xã Ngok Yêu, huyện Tu Mơ Rông) cho hay, năm 2022 tại ngầm Đăk Bông, giáp giữa 2 xã, có 2 người ở xã Măng Bút đi qua trong lúc mưa bão bị lũ cuốn trôi nhưng may người dân cứu kịp thời.

Còn tại ngầm Kô Chất (xã Măng Bút, huyện Kon Plông), mùa mưa  năm 2022, một giáo viên đi ô tô qua ngầm đã bị nước lũ cuốn trôi. Rất may, thầy giáo này đã kịp thời thoát khỏi xe. Chiếc xe được người dân địa phương dùng dây níu lại sau 2 ngày mới đưa chiếc xe lên được.

Nói về khó khăn đi qua những ngầm tràn, anh A Ha (thôn Đăk Lanh, xã Măng Bút) cho biết: Vì không có cầu qua ngầm vào mùa mưa, xe chở hàng hóa, nguyên vật liệu không lưu thông được nên bà con xây dựng nhà cửa thường xuyên chọn vào mùa khô. Chúng tôi mong rằng, Nhà nước sớm đầu tư cầu qua các ngầm để đi lại thuận lợi hơn trong cả 2 mùa.

Bà Trần Lan Phương- Bí thư Đảng ủy xã Măng Bút (huyện Kon Plông) cho biết, tuyến đường Ngọc Hoàng – Tu Mơ Rông được đầu tư năm 2014, kết nối giao thông giữa 2 huyện Tu Mơ Rông và Kon Plông. Trên tuyến có 3 ngầm này lần lượt nằm ở thôn Kô Chất, Đăk Lanh, Đăk Chun xã Măng Bút. Trong 10 năm qua người dân trên địa bàn xã di chuyển chủ yếu bằng cầu treo dân sinh đi qua các đoạn sông, suối từ thôn Kô Chất về Đăk Chun, Đăk Lanh và qua Tu Mơ Rông. Về mùa khô lượng nước ở mức thấp, xe ô tô 2 cầu có thể di chuyển qua ngầm được, tuy nhiên về mùa mưa, nước lũ dâng cao, hầu như các phương tiện lưu thông chỉ đi bằng xe máy qua cầu treo, còn các loại xe như bán tải, xe cấp cứu, xe chở hàng đều không đi qua các ngầm tràn được. Trước thực trạng đó, chính quyền và người dân mong mỏi sớm có phương án bố trí kinh phí triển khai đầu tư, xây dựng các cây cầu qua các ngầm tràn.

Cũng theo bà Phương, việc chưa được đầu tư  3 cây cầu khiến người dân gặp nhiều khó khăn về mùa mưa trong việc di chuyển bằng xe ô tô, nhất là những trường hợp dân ốm đau phải cấp cứu, những trường hợp bị tử vong ngoại viện được đưa về địa phương xe lớn không đi qua ngầm được phải cõng người đã c h ế t qua cầu treo. Mặt khác khi nước dâng cao không vận chuyển được hàng hóa lên các thôn gây thiếu thốn lương thực, thực phẩm để cung cấp cho nhu cầu của người dân.

Theo ông Vũ Văn Thuần-Phó Giám đốc Sở GTVT, hiện nay kinh phí xây dựng cầu để đảm bảo an toàn tại các vị trí cầu tạm trên địa bàn eo hẹp nên chưa thể bố trí xây dựng được. Phương án tạm thời là bố trí người trực gác, hướng dẫn người điều khiển phương tiện, khi thấy dấu hiệu không đảm bảo an toàn cương quyết không để phương tiện qua lại.

“Hiện nay số lượng cầu tạm, ngầm tràn, cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh còn nhiều. Vì vậy, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát và ưu tiên xây dựng kiên cố tại các vị trí trọng điểm, xung yếu khi có nguồn vốn”- ông Thuần cho biết.

Phúc Nguyên


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/nhoc-nhan-qua-cau-treo-ngam-tran-43421.html