Người giữ thanh âm nơi đại ngàn

81

baokontum.com.vn

09/05/2024 06:18

Dù đã 64 tuổi nhưng ông A Neng ở thôn Đăk Viên (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) vẫn miệt mài chế tác nhạc cụ truyền thống. Nhiều năm qua, với niềm đam mê, ông A Neng chế tác ra nhiều đàn t’rưng, klông pút; đồng thời miệt mài truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng.

Sau gần một ngày miệt mài băng rừng để lên thăm vườn sâm, ông A Neng trở về nhà và tiếp tục hoàn thiện cây đàn t’rưng đang làm dở dang.

Thân mật mời chúng tôi ngồi bên hiên nhà với những đồ nghề, vật dụng làm nhạc cụ được ông cất gọn gàng. Sau khi mời nước và không để tôi chờ đợi, ông A Neng chậm rãi kể lại câu chuyện mình gắn bó với nhạc cụ.

Là người sinh ra và lớn lên ở làng, từ nhỏ ông A Neng quen với tiếng cồng chiêng và cuộc sống nơi núi rừng. Mỗi khi vào rừng, ông đều rất thích nghe tiếng chim hót, tiếng nước chảy róc rách và những âm thanh khác của tự nhiên.

165825Hi%E1%BB%87n%20%C3%B4ng%20A%20Neng%20v%E1%BA%ABn%20l%C6%B0u%20gi%E1%BB%AF%201%20b%E1%BB%99%20c%E1%BB%93ng%20chi%C3%AAng%20v%C3%A0%20truy%E1%BB%81n%20d%E1%BA%A1y%20cho%20th%E1%BA%BF%20h%E1%BB%87%20tr%E1%BA%BB

Ông A Neng hiện giờ vẫn lưu giữ 1 bộ cồng chiêng để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ảnh: V.T

 

Ngày còn bé, A Neng rất mê đánh chiêng. Mỗi khi làng có hội, A Neng cùng những đứa nhỏ trong làng thường đến nhà rông để xem các nghệ nhân đánh cồng chiêng. Trong trang phục truyền thống, những nghệ nhân luôn gây cuốn hút A Neng bởi những bước đi vững chắc, đôi tay uyển chuyển gõ chiêng tạo ra những âm thanh vang vọng giữa đại ngàn.

Càng xem càng thích thú, A Neng muốn học đánh chiêng nhưng đáng tiếc bố và ông nội của A Neng đều không biết chơi chiêng. Trong đám bạn khi ấy, vài đứa có bố và ông biết đánh chiêng, là “chân cứng” trong đội chiêng của làng nên A Neng thường đến nhà các bạn ấy chơi.

A Neng nhớ lại: Mỗi lần đến chơi, thấy mọi người đang luyện tập đánh cồng chiêng, tôi say sưa nhìn theo không biết chán. Rồi những hôm gần đến ngày hội, cả đội cồng chiêng của làng thường rủ nhau ra nhà rông luyện tập, khi ấy tôi và đám bạn đều đi theo để xem các nghệ nhân biểu diễn. Những lúc các nghệ nhân nghỉ ngơi, chúng tôi lân la đến nâng niu từng chiếc chiêng, muốn đeo nó lên người như những nghệ nhân thực thụ.

Thấy những đứa nhỏ yêu cồng chiêng, người lớn, người già trong làng rất quý, bởi họ biết chính những mầm non sẽ tiếp nối giữ gìn văn hóa truyền thống. Các nghệ nhân tận tình chỉ dẫn đánh cồng chiêng, A Neng và đám bạn đều hứng thú học theo.

Nhờ vậy, 15 tuổi, A Neng đã thành thạo chơi chiêng, được tham gia vào đội cồng chiêng của làng. Với kỹ năng chơi chiêng điêu luyện, A Neng được nhiều cô gái trong làng để mắt đến. Khi lập gia đình, A Neng tách hộ ra ở riêng và tự chủ về kinh tế, lúc này niềm yêu chiêng càng thêm mãnh liệt.

165932%C3%94ng%20A%20Neng%20l%C3%A0%20th%C3%A0nh%20th%E1%BA%A1o%20ch%C6%A1i%20c%C3%A1c%20lo%E1%BA%A1i%20%C4%91%C3%A0n

Ông A Neng thành thạo chơi các loại đàn. Ảnh: V.T

 

Ông A Neng nhớ lại: Năm 1983, khi ấy tôi 22 tuổi và trở thành trụ cột gia đình. Khao khát có một bộ chiêng để trưng bày trong nhà, khi tự chủ về kinh tế, tôi quyết định đổi một con bò lấy bộ cồng chiêng của một người ở làng Chung Tam, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Ngày rước bộ cồng chiêng về, tôi nâng niu mãi rồi treo lên vách nhà. Nhìn những chiếc chiêng được xếp ngay ngắn trong ngôi nhà mình mà lòng thấy vui, phấn khởi vô cùng vì ước mơ bấy lâu đã thực hiện được.

Có bộ cồng chiêng, ông A Neng vận động những đứa nhỏ trong làng tham gia học đánh chiêng. Vào những lúc nông nhàn hay những đêm trăng sáng, những đứa trẻ tụ tập ở nhà ông vừa nô đùa, vừa học chơi chiêng. Qua đôi tay tận tình chỉ dẫn của A Neng mà nhiều đứa trẻ trong làng đã thành thạo chơi chiêng, tham gia vào đội chiêng của trường, của xã.

Cùng với việc giữ gìn tiếng chiêng, ông A Neng còn được nhiều người dân thôn Đăk Viên gọi là “nghệ nhân” làm nhạc cụ.

Ông không nhớ chính xác mình biết làm nhạc cụ từ khi nào, chỉ biết rằng sau khi có bộ cồng chiêng, ông tiếp tục học cách làm nhạc cụ. Năm 1995 khi công tác ở Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, ông cùng đoàn tham gia phục vụ tuyên truyền lưu động thông tin cho bà con ở các xã. Trong những chuyến công tác ấy, ông  gặp các nghệ nhân làm và chơi nhạc cụ truyền thống như đàn t’rưng, klông pút rất chuyên nghiệp khiến ông không thể rời mắt.

165907%C3%94ng%20A%20Neng%20t%E1%BB%89%20m%E1%BB%89%20v%C3%B3t%20t%E1%BB%ABng%20%E1%BB%91ng%20%C4%91%C3%A0n

Ông A Neng tỉ mỉ vót từng ống đàn. Ảnh: V.T

 

Từ niềm đam mê và không bỏ lỡ cơ hội, A Neng gặp những nghệ nhân để tìm hiểu về các cách chơi và chế tác đàn t’rưng, klông pút. Vốn nhanh nhẹn và sáng dạ, chỉ sau một thời gian ngắn, A Neng có thể chơi và chế tác được đàn t’rưng, klông pút. Tuy nhiên, những chiếc đàn t’rưng đầu tiên làm ra mặc dù có mẫu mã đẹp, giống với chiếc đàn mà những nghệ nhân đã làm, nhưng âm thanh phát ra lại khiến A Neng thất vọng.

Ông A Neng tâm sự: Tôi chú trọng học cách làm ra chiếc đàn mà quên mất âm thanh mới là linh hồn của nó. Chiếc đàn có đẹp đến mấy mà thanh âm phát ra không chuẩn, không hay thì cũng như “cái xác” chỉ để trưng bày. Sau đó, tôi tiếp tục tìm đến các nghệ nhân để học hỏi cách vót ống, chọn nứa, sao cho tiếng đàn phát ra thật chuẩn.

Ống đàn t’rưng như dây đàn của ting ning, guitar, là bộ phận quan trọng để phát ra âm thanh. Những ống có âm độ cao là những lóng ngắn, đặt gần với người đánh và thường được chọn từ những cây nứa già tuổi. Những ống đàn âm độ thấp là những lóng nứa dài, được đặt xa người đánh hơn.

Mỗi ống đàn gồm hai phần là ống hơi và thanh cộng hưởng. Giữa 2 phần này có mối quan hệ mật thiết để tạo nên cao độ chuẩn và âm thanh vang. Cấu tạo của đàn gồm các ống nứa được liên kết với nhau bằng những sợi dây nhỏ, bền, chắc. Muốn điều chỉnh âm thanh của từng ống, nghệ nhân làm đàn phải tỉ mỉ gọt giũa phần miệng ống từng chút một, sau đó tự thẩm âm và cảm nhận.

Sau khi nắm rõ kiến thức, kỹ năng về cách tạo ra âm thanh, ông A Neng cẩn thận, tỉ mỉ hơn trong việc chọn nứa, trau truốt trong khâu vuốt miệng ống. Và cứ thế, những chiếc đàn t’rưng, klông pút do tay ông A Neng chế tác đã tạo ra những thanh âm say đắm người nghe. Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến đặt ông làm đàn. Nhờ vậy, ông có thêm thu nhập từ chế tác đàn khi tuổi về già.

Bà Y Hoa – Bí thư Đảng ủy xã Tê Xăng cho biết: Già A Neng là người đam mê nghệ thuật, nhạc cụ truyền thống của dân tộc Xơ Đăng. Nhiều năm qua, ông  truyền dạy cồng chiêng cho nhiều thế hệ trẻ, làm nhiều nhạc cụ để bán ra thị trường, qua đó góp phần duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng trên địa bàn. Trong thời gian tới, xã sẽ phát triển du lịch cộng đồng, kết nối với già A Neng trong việc truyền dạy cồng chiêng, chế tạo và biểu diễn nhạc cụ cho khách du lịch, giúp nét đẹp văn hóa dân tộc tiếp tục được giữ gìn và phát huy.

Văn Tùng


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/nguoi-giu-thanh-am-noi-dai-ngan-40658.html