Ngành GD&ĐT huyện Sa Thầy đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

14

baokontum.com.vn

27/01/2024 13:13

Trong thời gian qua, ngành GD&ĐT huyện Sa Thầy đã nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học, từ đó ngày càng nâng cao chất lượng công tác giáo dục.

Đến nay, hầu hết cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, 100% cơ sở giáo dục có internet để phục vụ cho việc dạy và học. Năm 2022, ngành được hỗ trợ 1.000 máy tính bảng cho các em học sinh khó khăn theo chương trình Sóng và máy tính cho em.

Theo chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện, các cơ sở giáo dục trực thuộc đã áp dụng các phần mềm mang lại hiệu quả cao trong quản lý, dạy và học như: phần mềm cơ sở dữ liệu ngành, phần mềm quản lý SMAS, Office 365, các phần mềm hỗ trợ việc dạy học cho đội ngũ giáo viên.

171347Vi%E1%BB%87c%20%E1%BB%A9ng%20d%E1%BB%A5ng%20c%C3%B4ng%20ngh%E1%BB%87%20th%C3%B4ng%20tin%20%C4%91%C3%A3%20g%C3%B3p%20ph%E1%BA%A7n%20n%C3%A2ng%20cao%20ch%E1%BA%A5t%20l%C6%B0%E1%BB%A3ng%20trong%20m%E1%BB%97i%20gi%E1%BB%9D%20h%E1%BB%8Dc.%20TT%20(2)

Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần nâng cao chất lượng trong mỗi giờ học. Ảnh: TT

 

Qua thời gian triển khai thực hiện, đến nay, 100% trường học trên địa bàn huyện sử dụng các phần mềm quản lý đội ngũ cán bộ, quản lý cơ sở vật chất, quản lý thông tin y tế trường học, quản lý thông tin về sức khỏe học sinh, quản lý kế toán; đảm bảo kết nối thông suốt với cơ sở dữ liệu giáo dục địa phương và cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục; quản lý, cập nhật, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, kết nối liên thông dữ liệu trong ngành Giáo dục và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các ứng dụng quản lý học sinh (quản lý hồ sơ, kết quả học tập, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử), ứng dụng kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với cơ sở giáo dục trên nền tảng số, khuyến khích áp dụng các giải pháp miễn phí như tin nhắn OTT (Over The Top), Email, ứng dụng trên thiết bị di động. Các trường học ở thị trấn Sa Thầy thực hiện thanh toán học phí, thu các khoản bằng hình thức online (các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa không thu học phí và các khoản dịch vụ nên không thực hiện).

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đã phối hợp với ngành Công an triển khai xác thực và định danh hồ sơ điện tử công dân trên Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục (100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã đăng ký VneID mức độ 2). Song song với đó, các cán bộ quản lý, giáo viên tham dự sự kiện Ngày hội Chuyển đổi số giáo dục khu vực Tây Nguyên để học hỏi các mô hình chuyển đổi số trong giáo dục.

171448H%E1%BB%8Dc%20sinh%20h%C4%83ng%20h%C3%A1i%20khi%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20%E1%BB%A9ng%20d%E1%BB%A5ng%20c%C3%B4ng%20ngh%E1%BB%87%20v%C3%A0o%20ti%E1%BA%BFt%20h%E1%BB%8Dc

Học sinh hăng hái khi được ứng dụng công nghệ vào tiết học. Ảnh: TT

 

Cô Phạm Hồng Loan- Phó hiệu trưởng Trường TH-THCS Lê Quý Đôn (thị trấn Sa Thầy) cho biết: Trường đã triển khai nhiều phần mềm hỗ trợ việc dạy học cho đội ngũ giáo viên, điển hình như nền tảng Azota tạo đề thi, bài tập online; triển khai các phần mềm chuyên dụng cho các môn học Geometer’s Sketchpad, GeoGebra cho môn Toán; phần mềm thí nghiệm ảo Crocodile Physics cho môn Vật lý; phần mềm Seterra cho môn Địa lý; phần mềm IWB cho môn Tiếng Anh.

Em Nguyễn Huỳnh Bảo Trân, lớp 4A Trường TH – THCS Lê Quý Đôn chia sẻ: Khi được học trên máy chiếu, máy tính, bài giảng của các thầy cô dễ hiểu hơn. Lớp học rất sôi nổi, các bạn được tự đặt câu hỏi cho nhau và ai biết người đó sẽ trả lời. Không những vậy, em thấy môn tiếng Anh là thú vị nhất khi các thầy cô cho học bằng cách xem phim, nghe nhạc liên quan đến chủ đề của bài học làm em cảm thấy mình tiến bộ nhiều hơn.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sa Thầy cho biết: Để bắt kịp với xu thế hiện nay, Phòng đã, đang cố gắng thực hiện và phát huy chuyển đổi số một cách hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn gặp nhiều khó khăn do một số thầy cô, cán bộ quản lý đã lớn tuổi nên có nhiều hạn chế về tiếp cận công nghệ thông tin.

Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT huyện Sa Thầy sẽ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tìm nguồn tài trợ tích cực trang bị cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại phục vụ cho ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập. Với sự nỗ lực, tinh thần cầu thị, quyết tâm, Phòng sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số, tạo sự phát triển bền vững- cô Nguyễn Thị Kim Dung khẳng định.            

Thanh Tú


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/nganh-gd-dt-huyen-sa-thay-day-manh-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-37100.html