Chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước

65

baokontum.com.vn

04/05/2024 16:53

Ngày 3/5, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn ký ban hành Công điện số 01/CĐ-CTUBND về việc chủ động ứng phó trước tình trạng hạn hán, thiếu nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

150002N%E1%BA%AFng%20n%C3%B3ng%20k%C3%A9o%20d%C3%A0i%20d%E1%BA%ABn%20%C4%91%E1%BA%BFn%20t%C3%ACnh%20tr%E1%BA%A1ng%20kh%C3%B4%20h%E1%BA%A1n%20%E1%BB%9F%20nhi%C3%AAu%20n%C6%A1i

Nắng nóng kéo dài dẫn đến tình trạng khô hạn ở nhiều nơi. Ảnh: HLthoi su chinh tri thoi su chinh tri

 

Công điện nêu rõ, trong thời gian qua, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, trên địa bàn tỉnh tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng và hanh khô, hạn hán, thiếu nước đã và đang xảy ra; lượng nước trong các hồ thủy lợi, thủy điện còn lại rất thấp, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước trên diện rộng.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong thời gian tới, thời tiết nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm, vùng áp thấp nóng phía Tây tiếp tục hoạt động mạnh nên khu vực các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H’Drai, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nắng nóng ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Để phòng, chống hạn hán, thiếu nước hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai các giải pháp cấp bách theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.

Trong đó, tập trung rà soát, khoanh vùng cụ thể các diện tích đã và có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước; hướng dẫn, hỗ trợ người dân giải pháp ứng phó phù hợp, đặc biệt là ở khu vực ngoài vùng công trình phụ trách tưới; lưu ý thực hiện giải pháp tích trữ nước phân tán, trường hợp nguy cơ bị thiếu nước nghiêm trọng, chỉ thực hiện tưới để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng, kết hợp với việc sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương để giữ ẩm, hạn chế thất thoát nước do bốc hơi.

Xây dựng kế hoạch bảo đảm cấp nước sinh hoạt trong dài hạn; tổ chức theo dõi trữ lượng và chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt, có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt; thực hiện công tác khắc phục hạn, hán, thiếu nước, theo phương châm 4 tại chỗ.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, phòng ban chức năng thường xuyên kiểm tra các công trình nước tự chảy, giếng nước sinh hoạt trên địa bàn để có giải pháp chống hạn cho từng khu vực công trình. Vận động nhân dân trong vùng hưởng lợi từ các công trình nước tự chảy nạo vét đầu mối, súc rửa bể lắng lọc, sửa chữa tuyến đường ống và các bể chứa để chống rò rỉ, nước chảy tràn gây thất thoát nước; dùng nước tiết kiệm, chuẩn bị các vật dụng đựng nước để dự trữ nước sinh hoạt khi hạn hán xảy ra.

Các trạm thủy nông thường xuyên kiểm tra nguồn nước, quan trắc mực nước hồ, quản lý hệ thống tưới để chủ động điều chỉnh kế hoạch điều tiết tưới phù hợp với tình hình thực tế. Tổ chức tưới luân phiên, tưới tiết kiệm, tổ chức tưới tập trung vào ban ngày đóng nước vào ban đêm; phối hợp với chính quyền địa phương và hộ dùng nước để điều tiết nước hiệu quả. Hạn chế mức thấp nhất việc thiếu nước tưới vào cuối vụ của các công trình do đơn vị quản lý.

Trong trường hợp hạn hán gây ra thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở một số khu vực, chính quyền địa phương cần có giải pháp cấp nước sinh hoạt hỗ trợ cho nhân dân bằng biện pháp chở nước sinh hoạt từ các nơi khác đến; xây dựng cụ thể kế hoạch chống hạn và phương án cấp nước cho sản xuất, dân sinh trên địa bàn do đơn vị quản lý.

Đối với các địa phương đã xảy ra hạn hoặc khi hạn xảy ra, kịp thời huy động nhân lực, phương tiện, máy móc, vật tư (máy bơm nước, đường ống, xăng, dầu…) tổ chức bơm tưới bổ sung ngay các vị trí bị hạn; tùy thuộc từng khu vực, tận dụng tối đa nguồn nước của các khe suối, ao, hồ, để đặt máy bơm để tưới bổ sung cho những khu vực có thể chống hạn hoặc dùng các biện pháp đắp đập tạm ngăn suối, dùng máy bơm để bơm nước tưới.

Chủ động bố trí, sử dụng kinh phí từ ngân sách của đơn vị, địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; phòng, chống hạn hán, thiếu nước hiệu quả.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực về Phòng chống thiên tai) tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện kế hoạch, phương án phòng chống hạn đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Hướng dẫn cơ cấu giống, cây trồng, thời vụ, các biện pháp, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với nguồn nước; các giải pháp cụ thể ứng phó với điều kiện thời tiết cực đoan, nắng nóng, hạn hán, đặc biệt đối với những cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao.

150126T%C4%83ng%20c%C6%B0%E1%BB%9Dng%20v%E1%BA%ADn%20%C4%91%E1%BB%99ng%20nh%C3%A2n%20d%C3%A2n%20s%E1%BB%AD%20d%E1%BB%A5ng%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc%20ti%E1%BA%BFt%20ki%E1%BB%87m,%20tr%C3%A1nh%20l%C3%A3ng%20ph%C3%AD

Tăng cường vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí. Ảnh: HL thoi su chinh tri

 

Theo dõi, chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác phòng chống cháy rừng, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các phương án của các đơn vị quản lý rừng và phương án phối hợp trong công tác chữa cháy rừng với các đơn vị, địa phương nơi có rừng; thường xuyên tuần tra, trực phòng cháy chữa cháy rừng trong thời gian cao điểm; chuẩn bị đầy đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý nghiêm các tổ chức, chủ rừng và cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác PCCC rừng.

Sở Công Thương theo dõi, chỉ đạo các đơn vị, tổ chức quản lý các đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành hồ chứa các công trình thủy điện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm việc vận hành xả nước của các hồ chứa phù hợp với yêu cầu sử dụng nước ở hạ du.

Có kế hoạch điều tiết, vận hành các hồ thủy điện, bảo đảm nguồn nước phòng, chống hạn hán cho hạ du, đặc biệt là bảo đảm cấp nước an toàn trong mùa kiệt; sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm và hài hòa giữa bảo đảm an ninh năng lượng và cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân.

Theo dõi, đề nghị Công ty Điện lực Kon Tum chủ động xây dựng và triển khai thực hiện phương án đảm bảo cung cấp điện cho các trạm bơm tưới chống hạn hoạt động hiệu quả, đặc biệt trong các thời kỳ khô hạn cần tăng cường hoạt động cung cấp nước theo kế hoạch sản xuất của nhân dân.

Các sở, ban ngành là thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước để đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có kế hoạch đảm bảo cấp nước sinh hoạt phục vụ cho Nhân dân trên địa bàn quản lý, đặc biệt khi hạn hán xảy ra ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt.

Các cơ quan báo chí của tỉnh tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông về tình hình và các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, để các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động thực hiện, tăng cường sử dụng điện, nước tiết kiệm, hiệu quả.

Hồng Lam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/thoi-su-chinh-tri/chu-dong-ung-pho-voi-han-han-thieu-nuoc-40636.html