Nâng tầm giá trị cà phê

16

baokontum.com.vn

10/06/2024 06:03

Trải qua bao khó khăn vất vả, thậm chí cả thất bại, nhưng với tình yêu cà phê, vì sức khỏe của người tiêu dùng và đặc biệt để nâng tầm cho giá trị cà phê, anh đã tự nghiên cứu chế biến thành công sản phẩm cà phê sâm mang thương hiệu riêng cho vùng đất Đăk Hà -Kon Tum.

Gian nan hành trình xây dựng thương hiệu

Uống cà phê đối với tôi đã thành thói quen mỗi buổi sáng. Một sáng thức dậy, không có ly cà phê thấy người như thiếu một cái gì đó. Tuy nhiên, tôi thường sử dụng cà phê phin hoặc cà phê nguyên chất. Thế nhưng, mới đây, trong chuyến đi công tác về huyện Đăk Hà, tôi được người bạn mời uống cà phê sâm hòa tan đã làm cho tôi thực sự ấn tượng bởi hương vị khác hẳn. Nhấp húp đầu tiên, tôi cảm nhận sự khác biệt với những hãng cà phê khác trên thị trường. Mùi vị, hương thơm cũng khác lạ, phảng phất mùi của đẳng sâm Ngọc Linh. Tìm hiểu mới biết đây là sản phẩm mới của Công ty Cổ phần Cà phê Đăk Hà.

Để tìm hiểu nguồn gốc của sản phẩm “cà phê sâm” tôi tìm đến đơn vị sản xuất tại huyện Đăk Hà để được hiểu hơn về sản phẩm độc đáo này. Trò chuyện với anh Nguyễn Hòa Chính- Chủ tịch HĐQT Công ty, tôi biết được để có sản phẩm “cà phê sâm” mang hương vị đặc trưng riêng của Đăk Hà-Kon Tum hôm nay là một quá trình gian nan và vất vả. Và anh đã trải qua 2 lần thất bại trong nỗ lực xây dựng cà phê cho mảnh đất Đăk Hà- Kon Tum.

Với anh Chính, anh gắn bó với mảnh đất Đăk Hà và gắn bó với cây cà phê đã mấy chục năm nay. Anh gần như đã hiểu được “tính nết” của cây cà phê và tình yêu với cà phê cũng đã ngấm vào máu thịt của anh.

Sản xuất cà phê ở Đăk Hà. Ảnh: H.N

 

Ngược dòng thời gian, anh Chính nhớ lại: Giai đoạn từ năm 1998-2000, khi anh đang công tác tại Công ty Cà phê Đăk Uy (trước đó là Nông trường Đăk Uy 1), anh bắt đầu làm cà phê mộc nguyên chất. Anh đã trực tiếp đi chọn lựa cà phê hạt nhân đi rang xay về uống thử và bán thử. Sau đó, Công ty đã rang xay và mở các cửa hàng kinh doanh cà phê mộc nguyên chất nhưng sản phẩm vẫn chỉ bán cầm chừng. Không nản lòng, anh cùng đơn vị tiếp tục chế biến sản phẩm cà phê rang xay mộc, tuy nhiên, sản phẩm vẫn bán rất ít, bởi thói người tiêu dùng chưa quen với sản phẩm cà phê sạch, nguyên chất. Và trong thời gian đó, đơn vị lỗ hơn 300 triệu đồng.

Đến 2007, huyện Đăk Hà có chủ trương xây dựng thương hiệu cà phê Đăk Hà, đồng thời, cùng thời điểm này, tỉnh có chủ trương xây dựng thương hiệu cà phê vùng miền và huyện Đăk Hà đề nghị đơn vị anh làm nhưng vì đã một lần thất bại nên anh không dám làm.

Người dân Đăk Hà thu hoạch cà phê. Ảnh: H.N

 

Bẵng qua một thời gian nghỉ không làm cà phê, đến năm 2009, anh bắt đầu triển khai làm sản phẩm rang xay mộc nguyên chất (cà phê nhân xay ra bán) và sản xuất cà phê hoa tan “3 trong 1”, bởi, để có thương hiệu thì trước tiên phải có sản phẩm. Thương hiệu cà phê Đăk Hà hình thành từ giai đoạn này. Mặc dù thành lập 30 quán và 141 đại lý trong cả nước nhưng sản phẩm vẫn không bán được bao nhiêu. Mặt hàng này làm đến năm 2012 đã lỗ hơn một tỷ đồng, cùng với số tiền 360  triệu đồng báo nợ cá nhân anh.

Anh Chính cho biết, để có thương hiệu cà phê Đăk Hà là cả một quá trình gian nan, vất vả của bản thân anh cũng như chính quyền địa phương.

Lấy lợi thế để tạo sự khác biệt

Sau khi chuyển giao công nghệ cà phê rang xay, cà phê “3 trong 1” cho Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacaphe), anh tiếp tục trở về làm thương hiệu cà phê Đăk Hà và chế biến sản phẩm rang xay mộc nhưng rất khó bán. Làm cách nào để thay đổi thói quen về văn hóa uống cà phê?. Đó là những câu hỏi khiến anh mày mò nghiên cứu đi tìm sự khác biệt cho cà phê của Đăk Hà-Kon Tum.

Với niềm đam mê với cà phê, anh Chính tiếp tục tự mày mò đi tìm các loại dược liệu đưa như quế, hồi đông trùng hạ thảo, nấm linh chi đưa vào chế biến nhưng không được, bởi những nguyên liệu đó làm mất mùi hương vị của cà phê. Sau khi thử một số loại dược liệu trên không đạt, anh nghĩ đến đẳng sâm Ngọc Linh. Thế nhưng ngặt nỗi, ở tỉnh ta chỉ có củ sâm tươi, khô, không có bột sâm. Thế là, anh mua đẳng sâm Ngọc Linh (sâm dây) về sấy, rang, nghiền ra bột trộn với cà phê thử nghiệm. Khi thử nghiệm bột sâm với cà phê không chỉ giữ nguyên được hương vị của cà phê mà còn vẫn giữ được độ ngọt và giảm độ béo.

 Khi tìm được nguyên liệu bột sâm dây, anh không ăn không ngủ mấy ngày để tìm nghiên cứu công thức chế biến sản xuất cà phê sâm hòa tan “3 trong 1”, “4 trong 1”. Khi đã có công thức, anh lại tìm đi tìm liên kết đơn vị để sản xuất và đến ngày 31/12/2020, sản phẩm “cà phê sâm” chính thức được ra đời với thương hiệu cà phê Đăk Hà của Công ty Cổ phần Cà phê Đăk Hà. Theo anh Chính, công thức anh chế biến ra sản phẩm “cà phê sâm” gồm kem thực vật cao cấp nhập khẩu; tinh cà phê đặc sản, đường ăn kiên nhập khẩu và bột đẳng sâm Ngọc Linh để sản xuất ra 3 loại  đặc biệt, cao cấp và đặc sản.

160952anh%20Ch%C3%ADnh%20v%C3%A0%20s%E1%BA%A3n%20ph%E1%BA%A9m%20c%C3%A0%20ph%C3%AA%20%C4%91ak%20h%C3%A0%20(1)

Anh Chính và sản phẩm cà phê Đăk Hà. Ảnh: H.N

 

Đến năm 2021, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt cấp bảo lãnh độc quyền. Cũng từ dây, sản phẩm “cà phê sâm” được bán mạnh trên thị trường trong và ngoài nước với mỗi tháng bình quân bán được 5 tạ, gấp nhiều lần so với các sản phẩm của đơn vị trước kia. 

Theo anh Chính, cũng từ thương hiệu “cà phê sâm” đặc biệt này mà công ty của anh nhận được đơn đặt hàng của Công ty Việt Mỹ, Công ty Việt Anh với mỗi tháng từ 3 tấn. Tuy nhiên, anh không thể ký kết được bởi chưa đủ nguyên liệu sâm và chưa đầu tư được công nghệ chế biến sâm.

Để sản phẩm “cà phê sâm” vươn xa, anh đang tìm nhà đầu tư lớn có tâm huyết, năng lực hợp tác liên kết với đơn vị để đầu tư công nghệ, xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm; đồng thời liên kết người đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh phát triển vùng nguyên liệu sâm đủ để phục vụ chế biến sản phẩm cà phê sâm.

“Tôi muốn thay đổi thói quen, văn hóa tiêu dùng cà phê của người Viêt vì sức khỏe cộng đồng. Mục tiêu của tôi là hướng thiện nên trong quá trình hình thành sản phẩm cà phê nguyên chất, cà phê sạch, cà phê sâm, nên tôi lựa chọn sự khác biệt của vùng nguyên liệu có từ lợi thế, thế mạnh của tỉnh. Bởi tỉnh ta là vùng đất có loại dược liệu, trong đó, có đẳng sâm Ngọc Linh rất giá trị và phù hợp khi chế biến cùng cà phê nguyên chất và nó tạo được sự khác biệt với các loại cà phê khác”- anh Chính cho biết.

Cũng theo anh Chính, muốn tạo khác biệt thì phải xây dựng chỉ dẫn địa lý của vùng trồng, vùng nguyên liệu ổn định từ lợi thế của vùng và muốn có thương hiệu mạnh thì cần phải kiên trì, bền bỉ và được người tiêu dùng chấp nhận.

Hy vọng, với sự tâm huyết của người làm ra sản phẩm cà phê, thương hiệu cà phê Đăk Hà, cà phê Việt sẽ ngày càng vươn xa không chỉ trong nước và còn ra thế giới, qua đó, góp phần giúp người nông dân được hưởng lợi, nâng cao thu nhập cũng như đời sống từ trồng cà phê, đồng thời, qua đó nâng tầm giá trị cho cà phê Việt.

Hà Nam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/nang-tam-gia-tri-ca-phe-41311.html