Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS

35

baokontum.com.vn

23/03/2024 14:17

Nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS được xác định là điều kiện tiên quyết để nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh vùng DTTS nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.

Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 6/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI xác định mục tiêu chung cho cả giai đoạn 2021-2030 là: “Tạo bước phát triển mạnh mẽ về chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS; rút ngắn khoảng cách và chênh lệch về điều kiện, chất lượng giáo dục giữa vùng DTTS với các vùng khác”.

Đồng thời tiếp tục rà soát, sắp xếp, củng cố mạng lưới trường lớp vùng DTTS theo hướng tinh gọn, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả; tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục, tạo ra bước phát triển mới về chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh.

1840085

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang tặng quà cho các em học sinh DTTS đạt thành tích cao trong học tập. Ảnh: DN

 

Để thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU đạt hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Đề án nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết phù hợp với tình hình thực tế.

Sau hơn 2 năm triển khai, Nghị quyết 02-NQ/TU đã đem lại sự thay đổi mạnh mẽ về chất và lượng trong giáo dục học sinh DTTS.

Trong đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học và các điều kiện phục vụ học tập, ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh DTTS được quan tâm đầu tư hàng năm, với 792 phòng học, 121 công trình vệ sinh và nước sạch, 190 nhà ở học sinh và giáo viên được xây mới, nâng cấp, cải tạo.

Ngân sách nhà nước cũng được ưu tiên để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường PTDTNT, PTDTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú với tổng kinh phí  382,436 tỷ đồng. Các địa phương cũng bố trí ngân sách hàng trăm tỷ đồng  đầu tư cho giáo dục.

Trang thiết bị dạy và học cũng được đặc biệt quan tâm đầu tư. Từ năm 2021 đến nay, bổ sung 2.944 máy vi tính, 718 ti vi, 820 bộ thiết bị dạy học, 12.450 bộ bàn ghế, 14.000 máy tính bảng, 25 bộ thiết bị thư viện và các thiết bị khác cho các trường học.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếp tục được bổ sung về số lượng và nâng cao về chất lượng. Hiện 100% giáo viên bậc THPT đạt chuẩn và trên chuẩn; 87,86% giáo viên THCS đạt chuẩn và trên chuẩn; 77,28% giáo viên bậc tiểu học đạt chuẩn và trên chuẩn; 85,12% giáo viên bậc mầm non đạt chuẩn và trên chuẩn.

Đặc biệt, toàn tỉnh có trên 20% giáo viên là người DTTS; 67% giáo viên được bồi dưỡng và biết tiếng DTTS tại chỗ.

Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 359 trường học với trên 166.000 học sinh, trong đó trên 50% là học sinh DTTS. Giải pháp căn cơ nâng cao chất lượng học sinh DTTS được ngành Giáo dục xác định đó là đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức các hoạt động đặc thù phù hợp với đối tượng học sinh DTTS.

Trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, các cơ sở giáo dục triển khai hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh DTTS cấp tiểu học. Từ năm 2021- 2023 thực hiện 16.807 tiết dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS trước khi vào lớp 1 và 1.202.862 tiết dạy phụ đạo, bồi dưỡng cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông gắn với dạy tiếng Anh và Tin học cho học sinh tiểu học.

Là người trực tiếp quản lý, giảng dạy tại một trường có đa số học sinh là con em đồng bào DTTS, thầy Đinh Văn Truyền – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Ngô Quyền (huyện Ngọc Hồi) nhìn nhận, việc triển khai Nghị quyết 02-NQ/TU đã đem tạo nên bước phát triển mạnh mẽ cho giáo dục học sinh DTTS.

184403H%E1%BB%8Dc%20sinh%20DTTS%20%E1%BB%9F%20huy%E1%BB%87n%20%C4%90%C4%83k%20Glei%20t%E1%BB%B1%20tin%20trong%20h%E1%BB%8Dc%20t%E1%BA%ADp%20v%C3%A0%20giao%20ti%E1%BA%BFp

Học sinh DTTS ở huyện Đăk Glei tự tin trong học tập và giao tiếp. Ảnh: D.N

 

Năm học 2023-2024, nhà trường có 14 lớp, với 441 học sinh (chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng). Cấp ủy, chính quyền địa phương và chi bộ nhà trường thường xuyên lãnh đạo triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS. Trong đó huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số.

Học sinh nhà trường được hưởng chế độ bán trú, nhưng nhiều em học xa nhà, hoàn cảnh khó khăn, để tiếp sức cho các em, nhà trường đã tổ chức nhiều mô hình như dạy phụ đạo, bồi dưỡng học sinh từ lớp 6 tới lớp 9 vào các buổi còn lại sau khi học chính khóa.

Bên cạnh đó, chi bộ nhà trường phân công đảng viên phụ trách thôn làng để kịp thời trao đổi về tình hình học tập của học sinh; lập nhóm zalo giữa nhà trường, chính quyền địa phương và ban nhân dân thôn để thông tin những học sinh vắng học, lý do vắng và học sinh vắng không lý do cho địa phương, từ đó có hướng xử lý kịp thời.

Nhờ thế mà tỷ lệ học sinh chuyên cần của trường luôn đạt trên 98%; học sinh có học lực từ trung bình trở lên gần 94,3% – thầy Đinh Văn Truyền cho hay.

Nhìn rộng ra toàn tỉnh, số liệu thống kê năm 2023 cho thấy, 100% trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo; 94,9%. học sinh DTTS cấp tiểu học hoàn thành chương trình học; 95,5% học sinh DTTS cấp THPT có học lực từ trung bình trở lên; 97,2% học sinh DTTS tốt nghiệp THPT (vượt 1,36% so với mục tiêu) và 50,8% học đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc đào tạo nghề.

Có thể thấy, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, chất lượng giáo dục học sinh DTTS có nhiều chuyển biến tích cực. Các em có cơ hội được phát triển toàn diện, tự tin, sẽ trở thành lực lượng lao động có trình độ, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà.        

Dương Nương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/nang-cao-chat-luong-giao-duc-hoc-sinh-dtts-39914.html