Mưu sinh từ nghề sửa quần áo “lưu động”

71

baokontum.com.vn

09/05/2024 06:16

Trên những tuyến đường tại thành phố Kon Tum, không khó để tìm một “cửa hàng” sửa quần áo “lưu động”. Phần lớn các “cửa hàng” này tập trung ở những vị trí có đông người qua lại. Chỉ với một chiếc xe đẩy, máy may, máy vắt sổ và phấn, chỉ, cúc, thợ sửa quần áo mưu sinh, bám trụ với nghề qua năm tháng.

Vốn là thợ may gia đình tại huyện Đăk Tô, vì lý do kinh tế, công việc may vá không phát triển được nên chị Hồ Thị Mỹ Hạnh (47 tuổi) quyết định lên thành phố Kon Tum lập nghiệp bằng nghề sửa quần áo “lưu động”. Để làm nghề, chị đã đầu tư thiết kế “cửa hàng” gần 10 triệu đồng, gồm xe đẩy, máy may, máy vắt sổ, chỉ, kéo, kim. “Cửa hàng” của chị đặt tại góc đường Ngô Quyền (phường Quyết Thắng). Tất cả các khoản chi tiêu sinh hoạt của gia đình từ ăn uống, điện, nước và học hành của con đều dựa vào nghề sửa đồ “lưu động” này.

Chị Hạnh đã gắn bó với nghề sửa quần áo hơn 15 năm ở khu vực đường Ngô Quyền, khách hàng sửa quen, rồi giới thiệu cho nhau nên nhiều người đến sửa, chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân và người dân quanh khu vực đường Ngô Quyền. Thỉnh thoảng, chị cũng nhận thêm hàng từ các tiệm may khác đem đến nhờ sửa.

160057Ch%E1%BB%89%20v%E1%BB%9Bi%20m%E1%BB%99t%20chi%E1%BA%BFc%20xe%20%C4%91%E1%BA%A9y,%20m%C3%A1y%20may,%20m%C3%A1y%20v%E1%BA%AFt%20s%E1%BB%95,%20ch%E1%BB%89,%20c%C3%BAc,%20th%E1%BB%A3%20s%E1%BB%ADa%20qu%E1%BA%A7n%20%C3%A1o%20m%C6%B0u%20sinh,%20b%C3%A1m%20tr%E1%BB%A5%20v%E1%BB%9Bi%20ngh%E1%BB%81%20qua%20n%C4%83m%20th%C3%A1ng.%20(%E1%BA%A2nh%20Mai%20V%C3%A0ng) min

Chỉ với một chiếc xe đẩy, máy may, máy vắt sổ, chỉ, cúc, thợ sửa quần áo mưu sinh, bám trụ với nghề qua năm tháng. Ảnh: M.V

 

Theo chị Hạnh, ngày bình thường chị thu nhập được trên dưới 300.000 đồng; còn vào mùa lạnh hoặc tết, có thể từ 500.000 – 600.000 đồng. Để có được số tiền ấy, chị phải quần quật làm từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối mới về. Nếu đồ nhận dồn dập không thể làm trong ngày thì chị phải tăng ca đến tận hơn 9 giờ tối để sáng hôm sau giao kịp cho khách.

“Ngồi từ sáng tới tối, có ngày sửa được 25 – 30 cái quần, áo các loại, ngày vắng khách cũng được 10 – 15 cái. Cũng nhờ nghề sửa quần áo mà gia đình có thu nhập trang trải cuộc sống”- chị Hạnh chia sẻ.

Khu vực của chị Hạnh có thêm 5 người làm nghề sửa quần áo, mỗi người tự tìm cho mình một góc thuận tiện để làm, nhưng không quá gần nhau. Theo chị Phạm Thị Hương (40 tuổi, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) – thợ sửa quần áo khu vực đường Ngô Quyền, làm nghề sửa quần áo có khi còn khó hơn cả thợ may đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, kiên trì, chịu khó, cần mẫn và chiều ý khách. Khách tới sửa đồ ai cũng với tâm lý muốn nhanh, đẹp và rẻ, nên người thợ phải nắm bắt được tâm lý chung đó để làm cho tốt.

160215Ng%C3%A0y%20b%C3%ACnh%20th%C6%B0%E1%BB%9Dng%20th%E1%BB%A3%20s%E1%BB%ADa%20qu%E1%BA%A7n%20%C3%A1o%20ki%E1%BA%BFm%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20h%C6%A1n%20300.000%20%C4%91%E1%BB%93ng.%20C%C3%B2n%20v%C3%A0o%20nh%E1%BB%AFng%20m%C3%B9a%20l%E1%BA%A1nh%20ho%E1%BA%B7c%20T%E1%BA%BFt%20c%C3%B3%20th%E1%BB%83%20ki%E1%BA%BFm%20t%E1%BB%AB%20500.000%20 %20600.000%20%C4%91%E1%BB%93ng.%20(%E1%BA%A2nh%20Mai%20V%C3%A0ng) min

Ngày bình thường thợ sửa quần áo kiếm được hơn 300.000 đồng. Còn vào những mùa lạnh hoặc Tết có thể kiếm từ 500.000 – 600.000 đồng. Ảnh: MV

 

Trong khi đó chị Hoàng Thị Liên (42 tuổi, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) cho biết, trung bình mỗi ngày chị kiếm được khoảng 300.000 đồng, trừ chi phí, mỗi tháng thu được hơn 6 triệu đồng, nên cuộc sống của gia đình cũng đỡ vất vả hơn. Đa số khách đến sửa lai quần, thay khóa, thu vào hoặc nới rộng vòng eo, may túi. Tiền công cho mỗi công đoạn từ 5.000 – 100.000 đồng/chiếc (tùy theo mức độ sửa).

“Chúng tôi phải chịu khó, có những lúc không có khách vẫn phải ngồi để đợi khách tới, bởi đa số khách của tôi bây giờ là khách quen, mình mà nghỉ thì họ sẽ không tới nữa. Để áo, quần sau khi sửa được đẹp và vừa vặn, tôi phải tư vấn thêm cho khách, hướng dẫn khách sửa sao cho phù hợp theo ý họ”- chị Liên cho hay.

Điều đáng khâm phục ở những người thợ sửa quần áo “lưu động” là làm việc tỉ mẩn, chuyên nghiệp. Mỗi khách đến sửa đồ đều được thợ ghi nhanh địa chỉ, số điện thoại và yêu cầu của khách vào giấy, kẹp lại rồi xếp ngay ngắn. Nhiều thợ lâu năm còn có cuốn sổ, ghi lại số đo của những khách quen.

Chị Trần Thị Lan (38 tuổi, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum) – khách hàng quen của chị Hoàng Thị Liên nói: “Tôi thường mang những bộ quần áo cũ đến đây sửa. Thường sửa ở đây rất đẹp và rẻ nữa. Tuy phải chờ khá lâu mới lấy được đồ vì lượng khách của chị Liên rất đông, nhưng khi nhìn thấy thành phẩm theo đúng ý mình, tôi rất hài lòng và cảm thấy công chờ đợi là xứng đáng”.         

Mai Vàng


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/muu-sinh-tu-nghe-sua-quan-ao-luu-dong-40690.html