Mùa hến về trên Tây Nguyên

81

www.nguoiduatin.vn

Mùa săn “lộc trời”

Đến hẹn lại lên, năm nào cũng vậy, vào thời điểm mùa khô, khi mực nước tại các sông, suối bắt đầu cạn đó cũng là thời điểm người dân kéo nhau đi săn “lộc trời”.

Từ sáng sớm, tại hồ thủy lợi Đăk Yên, xã Hoà Bình (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) có rất đông người dân, tay cầm rổ, rá, cào chuẩn bị một ngày ngụp lặn đãi hến.

Càng về trưa, trời nắng như đổ lửa. Dưới lòng hồ, hàng chục người vẫn miệt mài đầm mình dưới nước, tìm bắt những con hến đang vùi mình trong lớp bùn đất.

Dân sinh - Mùa hến về trên Tây Nguyên

Người dân kéo nhau ra hồ thủy lợi đãi hến.

Theo người dân, mùa bắt hến tại hồ thủy lợi Đăk Yên, kéo dài từ khoảng tháng 2 đến tháng 5 hàng năm, khi mực nước trên hồ thủy lợi đã rút xuống.

Dù mùa hến chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, nhưng người dân nơi đây cảm thấy hào hứng, bởi thời gian này vụ mùa vừa khép lại, trong lúc nông nhàn lại có thêm thu nhập khá cao từ việc cào hến.

Có thêm thu nhập

Dọc bờ hồ, tiếng người í ới gọi nhau, tiếng bước dân dồn dập, tiếng rổ rá va vào nhau. Theo quan sát của chúng tôi, dụng cụ cào hến rất đơn giản chỉ là rổ nhựa, bàn cào và chiếc gùi.

Dân sinh - Mùa hến về trên Tây Nguyên (Hình 2).

Nhiều trẻ em theo cha mẹ ra hồ đãi hến.

Bàn cào được thiết kế là một thanh sắt dài cỡ 5 tấc, có nhiều que nhọn như cái lược chải đầu. Có người thì sử dụng rổ, nia để cào.

Người ướt sũng, tranh thủ nghỉ ngơi lấy lại sức sau nhiều giờ ngâm mình dưới nước, trò chuyện với chúng tôi, bà Y Dưn (45 tuổi, ngụ phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) chia sẻ: “Mỗi ngày làm việc cật lực, tôi bắt được khoảng 30 – 40kg hến, bán với giá 6.000 đồng/kg hến, thu nhập từ 180.000 – 240.000 đồng”.

Dân sinh - Mùa hến về trên Tây Nguyên (Hình 3).

Hến giúp người dân có thêm thu nhập sau khi vụ mùa kết thúc.

Đôi tay bưng chặt chiếc rổ nhựa đựng đầy hến, ngước mắt lên nhìn chúng tôi, ông Trần Văn Đạo (ngụ phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum) cho biết, công việc cào hến bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào lúc chập tối. Để cào được hiến mọi người buộc phải ngâm mình nước cả ngày. Để làm được công việc này, ngoài sức khoẻ thì cần phải kiên trì, chị khó.

Với thâm niên nhiều năm trong nghề chị H’Hiên (ngụ phường Nguyễn Trãi) chia sẻ: “Muốn bắt được nhiều hến phải miết mạnh cào xuống, kéo giật lùi khoảng 3m rồi nhấc lên, xóc cho rời hết cát và đá nhỏ. Sau đó, đổ ra rổ đãi, chọn lấy hến bỏ vào gùi. Thao tác chỉ đơn giản như thế cứ lặp đi lặp lại từ sáng đến tối, ai kiên trì thì cào được nhiều hến”.

Dân sinh - Mùa hến về trên Tây Nguyên (Hình 4).

Theo người dân, mùa hến kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5 là kết thúc.

Người ướt sũng, ngồi nghỉ ngơi trên bờ kênh, bà Trần Thị Linh (62 tuổi, ngụ phường Nguyễn Trãi) ngửa đôi bàn tay “héo queo” bởi ngâm lâu trong nước, chia sẻ: “So với tuổi tác của bà đây là công việc khá vất vả. Dù vậy, mùa này không có việc gì để làm bà tranh thủ tra đây đãi hến kiếm thêm chút thu nhập. Bà làm khi nào cảm thấy mệt thì lên nghỉ, khỏe thì xuống làm tiếp. Sức của bà mỗi ngày có thể kiếm được ngày từ 200- 300 nghìn đồng/ngày”.

Mùa hến đến chớp nhoáng và cũng đi trong vội vàng, nhưng khoảnh khắc ngắn ngủi đó cũng mang đến cho bà con cư dân nơi lòng chút niềm vui, trong những ngày nông nhàn rỗi.


Nguồn bài viết:
https://www.nguoiduatin.vn/mua-hen-ve-tren-tay-nguyen-a654417.html