baokontum.com.vn
18/03/2024 06:48
Cứ đến mùa nước cạn, người dân ở xung quanh khu vực hồ Đăk Yên (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) lại đổ xô ra ven con đập để cào hến. Họ không ngại cái nắng “cháy da cháy thịt” phơi đầu dưới cái nắng, ngâm mình dưới nước nhiều giờ để cào đãi hến. Dù vất vả, nhưng mùa hến giúp họ có thêm thu nhập lúc nông nhàn, cải thiện đời sống.
Những ngày đầu tháng 3, giữa cái nắng như đổ lửa của mùa khô Tây Nguyên nhiều người thậm chí không muốn ra ngoài đường thì tại đập thủy điện Đăk Yên, xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum) có hàng chục người già, trẻ chẳng quản ngại cái nắng, lặn ngâm mình dưới nước để cào đãi hến. Dù nắng nóng hơn 34oC, họ vẫn vui vẻ cặm cụi vừa cào, vừa đãi hến để kiếm thêm thu nhập. Theo nhiều người dân, từ tháng 2 đến đầu tháng 4, nước bắt đầu xuống thì đây cũng là thời điểm nhộn nhịp hoạt động cào hến tại đập thuỷ lợi Đăk Yên. Mỗi ngày, tại đây có hàng chục người đến khu vực này để cào hến. Người thì tranh thủ lúc nhàn rỗi đi cào hến bán để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống nhưng cũng có người tranh thủ buổi trưa ra chân đập cào ít hến về cải thiện bữa ăn cho gia đình.
Người dân ngụp lặn cào hến ở đập Đăk Yên. Ảnh: P.N
Dụng cụ đãi hến thường là chiếc cào sắt có cán cầm tay hoặc đơn giản hơn là chiếc rổ nhựa kèm theo chiếc chậu hoặc giỏ đựng, bao tải. Sau khi nhặt những con hến béo múp bỏ vào trong giỏ, hoặc vào bao tải rồi tiếp tục cào, đãi những mẻ tiếp theo. Cứ như vậy, đôi tay người đãi hến lặp đi lặp lại những thao tác ấy và sau mỗi mẻ đãi là từng vốc hến đầy tay.
Từ sáng sớm, anh Trần Văn Đạo (trú phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum) đã đến khu vực lòng hồ đập thủy lợi Đăk Yên kiếm một chỗ nước cạn sát khu vực mép đập gần bờ để cào hến. Công việc chính của anh là thợ xây nhưng hôm nay, được nghỉ nên anh tranh thủ mang dụng cụ ra để cào hến để về bán kiếm thêm.
Giữa mênh mông hồ đập, buổi sáng hôm ấy cả khu vực xung quanh hồ chỉ một vài người đi cào như anh Đạo. Thấy chúng tôi thắc mắc, anh Đạo liền nói: Buổi sáng thì ít người cào hến lắm. Họ chủ yếu cào vào buổi trưa và buổi chiều. Bởi theo anh, buổi sáng nước còn lạnh, mà ngâm mình dưới nước nhiều giờ thì rất dễ bị đau nên ít người đi cào. Hôm nay, anh Đạo đi cào buổi sáng vì chiều anh lại phải đi làm việc khác. Chỉ trong hơn 2 tiếng, anh Đạo đã cào được khoảng 30kg hến.
Người dân có thêm thu nhập từ cào hến. Ảnh: P.N
Anh Đạo cho biết: Đợt này hết việc nên tranh thủ đi đãi hến kiếm ít tiền học cho các con. Bình quân, mỗi ngày chịu khó cũng cào được khoảng 50-60kg hến/ngày. Mỗi cân hến bán cho thương lái khoảng từ 6.000-7.000 đồng. Như vậy, nếu chịu khó và gặp may mắn trúng luồng hến nhiều thì mỗi ngày cũng kiếm thêm được từ 200- 300 ngàn đồng. Số tiền này cũng tương đương với ngày công lao động của thợ xây. Khoản thu nhập lúc không có việc làm này cũng giúp cho gia đình giảm bớt khó khăn nhiều.
Cũng giống như anh Đạo, chị Y Rưng (45 tuổi, ở làng Kon Hra Chót, phường Thống Nhất) cũng lặn lội đến đập Đăk Yên để cào hến. Theo chị Rưng, bình thường, cứ vào mùa nước cạn là cả 2 vợ chồng chị ngày nào cũng ra đập Đăk Yên cào hến. Nhưng hôm nay, chồng chị có việc nên chị đi cào một mình. Chị chọn vị trí nước cạn ngay dưới bờ đập nhằm đảm bảo an toàn.
Trò chuyện với chị, tôi mới biết được hoàn cảnh của chị thật khó khăn. Con chị mới 7 tuổi nhưng bị bệnh nên thường xuyên phải đi viện và tiền của làm ra cứ “đội nón ra đi”. Vì thế, vợ chồng chị sẵn sàng làm bất cứ việc gì để kiếm tiền cho con chữa bệnh. Những ngày bình thường (ngoài mùa hến), thì ai thuê gì chị làm nấy; lúc thì chị đi làm thuê, lức thì cạo mủ cao su. Vào mùa nước cạn, không có việc làm, vợ chồng chị lại cùng nhau ra đập Đăk Yên để cào hến kiếm thêm tiền để chữa bệnh cho con. Chị Rưng kể: Cào hến không vất vả lắm nhưng việc ngâm mình dưới nước lạnh, trên đầu thì cái nắng rát mặt, rất dễ bị ốm nhưng chúng tôi phải chấp nhận vì cuộc sống, vì con. Mỗi ngày, hai vợ chồng tôi cũng kiếm từ 300.000 – 400.000 đồng. Đó cũng là khoản thu nhập đáng kể phục vụ cuộc sống và có chút tiền để chữa bệnh cho con.
Khoảng 11 giờ, tranh thủ đi làm rẫy về, vợ chồng chị Y Thổ liền xuống một vùng nước sâu cào hến với hy vọng có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống. Chỉ cần một cào, cái rổ và một cái gùi (có thể đựng bằng túi lưới) là có thể bắt đầu công việc cào, đãi hến. Hai vợ chồng chị mỗi người chọn một đoạn đập để cào. Là phụ nữ nên chị Thổ chọn đoạn chỗ nước cạn ven đập, còn chồng chị Y Thổ chọn một vùng nước sâu để cào. Theo chồng chị Y Thổ, ở vũng cạn đã bị người ta cào hết, chỉ có vũng sâu là ít người cào nên có thể còn có nhiều hến hơn. Và đúng như vậy, nhìn rổ đựng hến của hai vợ chồng chị Thổ thì phần nhiều thuộc về chồng của chị. Mỗi ngày, hai vợ chồng chị cũng cào được từ 60-80 cân hến, thu nhập của được từ 400.000-500.000 đồng. Đây cũng là khoản thu nhập không nhỏ trong mùa hến, giúp không chỉ gia đình chị mà còn giúp nhiều hộ dân đồng bào DTTS trên địa bàn trang trải cuộc sống.
Nhiều trẻ em cũng tranh thủ cào hến cải thiện bữa ăn. Ảnh: P.N
Theo chị Thổ, thường thì sau khi cào đãi hến xong thì chị chở mang đến bán cho thương lái, hoặc mang ra chợ bán. Nhưng cũng có thời điểm, hến ít, nhiều thương lái căn thời gian đến tận nơi chờ sẵn để mua. Thành quả cho ngày vất vả là hàng chục cân hến thu được. Nhìn mớ hến đầu mùa to, béo, tươi ngon ngay trước mặt khiến vợ chồng chị Thổ rất vui. Sông nước chẳng phụ tấm lòng và sự cần cù của vợ chồng chị.
Không chỉ có người lớn đi cào hến, tại khu đập Đăk Yên chúng tôi còn thấy có nhiều đứa trẻ tranh thủ giờ trưa, buổi chiều vừa đi chăn bỏ, vừa tranh thủ rủ nhau ra ven đập cào hến phụ giúp bố mẹ cải thiện bữa ăn. Những đứa trẻ này đều chọn vị trí nước cạn, bằng phẳng để cào. Em A Tân (14 tuổi, trú tại thôn Kép Ram, xã Hòa Bình) cũng tranh thủ thả bò ăn trên đồng cỏ, cầm theo chiếc rỏ nhựa trầm mình dưới nước cào đãi hến. Nhiều lúc A Tân lặn hẳn xuống nước để cào mà cũng chẳng được mấy con. Bởi, ở vùng nước cạn hến ít vì có nhiều người cào. Thế nhưng sau gần 2 tiếng ngâm mình dưới nước để cào, A Tân cũng thu được khoảng 5 cân hến. Với số hến này, A Tân tỏ ra rất rồi phấn khởi vì hôm nay thu hoạch nhiều hơn mọi ngày, góp phần phụ giúp gia đình cải thiện bữa ăn.
Mùa cào hến, không chỉ ở khu vực đập Đăk Yên mà tại đập Đăk Ui (xã Đăk Uy, huyện Đăk Hà) và những con đập khác hoặc trên những con sông suối trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ dân, nhất là bà con đồng bào DTTS lại ngâm mình dưới dòng nước để cào hến để tăng thêm thu nhập. Nhiều người dân, vào mùa hến, không quản ngại xa xôi, họ lặn lội hàng chục cây số đến các con đập, sông suối để cào, đãi hến. Hành trình cào hến tuy có vất vả phải ngâm mình trong nước, xúc con hến nằm trong lớp bùn, rồi rửa, rồi loại bỏ đất đá, rác rưởi, nhưng bù lại có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình.
Chẳng phải là thứ đặc sản thượng hạng, các món được chế biến từ hến như canh hến, hến xào, cơm hến, cháo hến… khiến người thưởng thức thật khó quên vị ngon, ngọt của hến. Đó cũng là vị ngọt mà mùa hến mang lại cho cuộc sống của người nông dân.
Phúc Nguyên
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/mua-cao-hen-38844.html