Máu thú rừng vẫn chảy – Công khai xẻ thịt giữa phố

32

laodong.vnMáu thú rừng vẫn chảy - Công khai xẻ thịt giữa phốThú bị cụt một chân được nhốt trong nhà hàng Đậm Vị (TP Đà Lạt- tỉnh Lâm Đồng) để thực khách được tận mắt nhìn thấy hàng rừng còn sống và tin tưởng. Con vật đau đớn, sợ hãi nhưng vẫn rất hung dữ khi có người đến gần. Ảnh: PV Lao Động

Đánh lừa, móc túi thực khách!

Trong các bài viết đã đăng tải về tình trạng tàn sát thú rừng ở Tây Nguyên, chúng tôi đã phân tích về không ít thủ đoạn của giới con buôn “hàng rừng”, nhằm che giấu hoạt động, qua mắt cơ quan chức năng. Hành trình thú rừng dính bẫy, bị g i ế t hại, rơi vào tủ đông và lên bàn nhậu là hậu quả của chuỗi liên kết giữa thợ săn – đầu mối thu gom – nhà hàng – thực khách.

Ở dọc Quốc lộ 14 từ Đăk Lắk về Đăk Nông, nhiều đoạn đường có các bà, các chị bán “lợn rừng”, “thịt nai rừng” ngồi kế tiếp nhau. Họ cắt đầu, xả thịt “thú” với máu me đỏ chót, rồi nói phải chạy cán bộ kiểm tra nọ kia như thật.

Nhưng, chỉ bằng vài thao tác kiểm tra, hoặc vài cuộc ra quân của cơ quan chức năng, đều lộ ra đó là lợn bản. Tức là lợn rừng nuôi trải qua mấy thế hệ, là loại thịt được phép buôn bán, chứ không phải “động vật hoang dã” như nhiều thực khách (nhất là khách du lịch với các cỗ xe 45 chỗ) đã chắc mẩm mình mua được “thịt rừng” khi sà tới mua lấy mua để.

Lợi dụng điểm này, không ít chủ vựa “lách luật” bằng cách phù phép hàng rừng thành hàng nuôi bằng các trang trại trá hình được lập ra, chuồng trại qua loa, sơ sài, giấy tờ chủ yếu để che mắt cơ quan chức năng.

Suốt thời gian dài tìm hiểu, theo sát, chúng tôi đã chứng kiến đủ trò kiểu ấy.

Các chủ vựa thu mua thú rừng và phân phát chúng trên diện rộng với thủ đoạn rất tinh vi. Họ còn có vốn ứng ra cho thợ săn, có “cửa” để lách luật, hay đứng ra thiết kế sự “bảo kê” nào đó.

AThú rừng Tây Nguyên bị g i ế t thịt, nằm chất chồng lên nhau chờ giao đến các nhà hàng. Ảnh: PV Lao Động

Tại Kon Tum, thậm chí chúng tôi trò chuyện với một nữ chủ “vựa” thú rừng quy mô tới mức: nhà cao cửa rộng, cả khu như “điền trang thái ấp” gồm nhiều căn nhà gỗ và ốp gỗ ba bề bốn bên, đầu bếp đưa ra rất nhiều loài động vật cho khách xem trước giờ “lên mâm”.

Việc bắn nai, bắn hoẵng, bắn sơn dương, bắt rùa rắn của các toán thợ săn trong khu vực, đều ít nhiều được sự “thao túng” của chị chủ “hét ra lửa”.

Các đầu mối buôn bán thú rừng hoạt động rất tinh vi. Có thanh niên còn hẹn chúng tôi ở một góc quán cà phê sang chảnh nhất TP tỉnh lỵ Kon Tum, rồi anh ta đến sớm, ngồi một góc, bí mật quan sát, nghe chúng tôi nói chuyện. Khi thấy có biểu hiện “không phải người buôn thú rừng thật sự” là anh ta biến mất vĩnh viễn, chặn mọi liên lạc.

Rao bán cả những loài thú quý, hiếm, hứa “sấy khô vảy tê tê” cho khách mang về

Từ những đầu mối này, các nhà hàng, quán nhậu có một nguồn hàng đều đặn, đủ để cung ứng cho đông đảo thực hành mỗi ngày. Thịt thú rừng được rao bán, quảng cáo ở thành phố Buôn Mê Thuột nhiều đến mức từ nhà hàng sang trọng đến quán nhậu bình dân, khách đều dễ dàng mua được thịt thú rừng, đủ loại thú từ thông thường đến loại… quý hiếm.

Tại nhà hàng Cơm niêu – Hầm rượu Gia (75 Ngô Quyền, TP Buôn Mê Thuột) được trang trí sang trọng và rao bán đủ loại thịt rừng. Thời điểm nhóm chúng tôi khảo sát (tháng 4.2023), nhà hàng có chồn hương. Nhân viên quán vừa giới thiệu các món ăn từ thú rừng, vừa gửi ảnh chồn hương cho khách để làm tin.

“Hàng nhà em lấy ở những đầu mối chuyên hàng rừng, nên đảm bảo 100%”- nhân viên nhà hàng giới thiệu.

Nhà hàng Cơm niêu- Hầm rượu Gia quảng cáo, rao bán đủ loại thịt thú rừng. Ảnh: PV Lao ĐộngNhà hàng Cơm niêu- Hầm rượu Gia quảng cáo, rao bán đủ loại thịt thú rừng. Ảnh: Nhóm phóng viênThu Rung Buon Me ThuNhân viên nhà hàng gửi hình ảnh, video cầy hương cho khách, khẳng định hàng rừng 100%. Nhân viên nhà hàng gửi hình ảnh, video cầy hương cho khách, khẳng định hàng rừng 100%.

Tháng 4.2024, phóng viên tiếp tục nhập vai thực khách, khảo sát nhà hàng này. Nội dung đầu tiên nhân viên nhà hàng giới thiệu cho khách cũng là đặc sản “hàng rừng”.

“Đặc sản hàng rừng em không thiếu gì hết. Chồn (cầy) hương, chồn mướp, tê tê, lợn rừng… nhà em đều có. Tê tê là hàng hiếm đó, trên 3 triệu đồng/kg. Cầy hương thì 2 triệu 950 nghìn đồng/kg. Có thời điểm cầy hương khan hiếm, cũng có thời điểm tê tê khó tìm. Hàng tự nhiên, đảm bảo 100% hàng rừng, chị ăn là biết”- nhân viên nhà hàng Cơm niêu- Hầm rượu Gia khẳng định.

Người này còn lấy lòng khách bằng cách hứa sẽ sấy khô vảy tê tê cho khách mang về nếu khách đến ăn thịt tê tê tại nhà hàng. “Nhà em trả lại hết cho khách mang về làm thuốc” – nhân viên nhà hàng này ngang nhiên giới thiệu, bất chấp quy định hiện nay các loài tê tê tại Việt Nam đều thuộc nhóm IB – Danh mục các loài động vật rừng quý hiếm, đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại vừa là động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Một đầu mối thu gom thú rừng ở huyện Krông Bông- tỉnh  Đăk Lắk giới thiệu tê tê cho khách. Tê tê là loài rất hiền, chúng chỉ biết cuộn tròn lại mỗi khi gặp nguy hiểm. Bộ áo giáp giúp chúng có thể né tránh sự tấn công của bất kỳ loài thú săn nào. Kẻ thù lớn nhất của chúng chỉ có con người. Một đầu mối thu gom thú rừng ở huyện Krông Bông- tỉnh Đăk Lắk giới thiệu tê tê cho khách. Tê tê là loài rất hiền, chúng chỉ biết cuộn tròn lại mỗi khi gặp nguy hiểm. Bộ áo giáp giúp chúng có thể né tránh sự tấn công của bất kỳ loài thú săn nào. Kẻ thù lớn nhất của chúng chỉ có con người.Heo rừng bị  g i ế t thịt, để nguyên lông, cắt bỏ đầu trước khi mang đến các chủ vựa thu mua thú rừng. Ảnh: PV Lao ĐộngHeo rừng bị g i ế t thịt, để nguyên lông, cắt bỏ đầu trước khi mang đến các chủ vựa thu mua thú rừng. Ảnh: Nhóm phóng viên

Chế biến thịt thú rừng công khai giữa phố

Cũng tại thành phố thủ phủ vùng Tây Nguyên – Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lắk) có “Quán Hạnh – đặc sản thịt rừng” (địa chỉ: 51 phố Đào Duy Từ – phường Thành Công) quảng cáo công khai, thậm chí được định vị trên bản đồ là bán đặc sản thú rừng. Nhưng khi trao đổi với khách qua điện thoại, chủ quán cũng rất cảnh giác, e dè. “Hàng rừng gì cũng có. Em cứ đến quán ăn là sẽ biết có món gì. Không thể nói qua điện thoại được”- ông chủ quán Hạnh ở Buôn Ma Thuột quả quyết.

Tháng 4.2023, chúng tôi nhập vai thực khách, đến tận quán tìm hiểu, chứng kiến tận mắt cảnh chủ quán đang chế biến thịt chồn cho khách, bên trong quán, bàn nào bàn nấy khách đông nghịt, không ăn chồn thì ăn dúi, không ăn dúi thì ăn nhím – đều được giới thiệu là hàng rừng “xịn”, được thợ săn bắn, bẫy mang về.

Máy quay của chúng tôi ghi lại toàn bộ hình ảnh những chiếc thùng xốp chứa thịt thú rừng đã được rã đông, xẻ thịt. Chủ quán cũng không ngần ngại giới thiệu quán đã bán các loại thịt thú rừng mấy chục năm.

“Mua nguyên con thì ở đây (quán) không đủ, phải chờ để tôi về nhà lấy trong tủ đông”- chủ quán trả lời khi có khách đặt mua nguyên con chồn rừng về nhà chế biến.

Theo dõi suốt quá trình dài, một năm sau, đầu tháng 4.2024, ghi nhận của nhóm phóng viên cho thấy quán Hạnh thịt thú rừng vẫn tiếp tục hoạt động rầm rộ, vẫn chừng đó món trong thực đơn, cách thức hoạt động không có gì thay đổi.

Chủ quán Hạnh ở Buôn Mê Thuột công khai giới thiệu các loại thịt thú rừng, chế biến thịt thú rừng cho khách ngay tại khu bếp của quán. Ảnh: PV Lao Động Chủ quán Hạnh ở Buôn Ma Thuột công khai giới thiệu các loại thịt thú rừng, chế biến thịt thú rừng cho khách ngay tại khu bếp của quán. Ảnh: PV Lao ĐộngQuán Hạnh bán thịt thú rừng ở Buôn Mê Thuột. Ảnh: PV Lao ĐộngQuán Hạnh ngang nhiên bán thịt thú rừng ở TP Buôn Mê Thuột. Ảnh: Nhóm phóng viên

Nhiều nhóm buôn thịt thú rừng liên kết với nhau, tạo các nhóm kín, thậm chí họ còn dạy nhau lách luật, tránh sự theo dõi, điều tra của cơ quan chức năng, của báo chí. Họ chụp ảnh xe cộ, gương mặt của các “nhân tố điều tra cơ bản” đưa lên, dặn dò nhau tránh né hoặc… trả thù.

Ở Kon Tum, nhiều kẻ buôn thú rừng lĩnh án tù. Ở Đăk Nông, có nhóm người buôn kỳ đà vân và vài loài hoang thú, bị Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định phạt 1 tỉ đồng. Không biết bao nhiêu kẻ dắt chó săn, vác s ú n g săn và bẫy các loại vào rừng ở Lâm Đồng, Đăk Lắk… rồi bị bắt, khởi tố, đi ở tù.

Chúng tôi (nhà báo) mới chỉ vào vai người tìm đầu mối đi hỏi han vài câu, các trò mua bán hàng gian kia đã lộ ra gần như đầy đủ; các nhà hàng quán nhậu công khai rao bán thịt thú rừng, quảng bá cả những loài thú rừng được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt nhất như cầy hương, tê tê… với tất cả khách hàng tìm đến; vậy tại sao cơ quan chức năng lại không triệt phá được các đường dây kia?

Đến nay, sau hơn 3 năm Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã đi vào cuộc sống, thú rừng vẫn đang bị g i ế t hại hàng loạt. Các nhà hàng, quán nhậu buôn bán thịt thú rừng vẫn “nhan nhản”. Để phát hiện vi phạm và xử lý các hành vi buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã theo đúng sự nghiêm khắc của luật có lẽ là không khó, chỉ đâu đó, thiếu sự quyết liệt.


Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/moi-truong/mau-thu-rung-van-chay-cong-khai-xe-thit-giua-pho-1318608.ldo