Lý giải nguyên nhân động đất liên tiếp xảy ra tại Kon Tum

4

laodong.vnLý giải nguyên nhân động đất liên tiếp xảy ra tại Kon TumThông tin về trận động đất số 21 ngày 29.7. (Nguồn: Trung tâm Báo tin Động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý địa cầu)

Hàng chục trận động đất tại Kon Tum do hồ chứa bị kích thích

Ngày 29.7, Trung tâm Báo tin Động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý địa cầu, đã phát đi thông báo có 17 trận động đất xảy ra trong buổi sáng tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum). Cụ thể, từ 0h đến 12h ngày 29.7, huyện Kon Plông đã ghi nhận 17 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 3.8. Trước đó, ngày 28.7, cũng tại khu vực này đã xảy ra 21 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 5.0.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) – cho hay: “Trước đây thông tin đã đưa ra, động đất ở khu vực này là động đất kích thích liên quan đến hồ chứa chứ không bất thường. Nhiều năm trước chưa biết nguyên nhân gây động đất thì cho là bất thường, nhưng một vài năm nay sau khi nghiên cứu, khảo sát, về cơ bản đã đưa nhận định là động đất kích thích do hồ chứa, xảy ra tương đối nhiều. Trong 2 ngày qua đã xảy ra nhiều trận động đất, trong đó có trận 5.0 là lớn nhất trong khu vực từ trước đến nay. Trước đây năm 2022 có 1 trận động đất độ lớn 4.7, trận này 5.0 là trận lớn nhất từ trước đến nay.

Trận động đất có độ lớn này cũng được xếp vào độ lớn trung bình. Động đất độ lớn dưới 5.0 là nhỏ, nhẹ, khó có khả năng gây thiệt hại. Động đất có độ lớn từ 5.0-6.0 là cỡ trung bình, có thể gây thiệt hại, những nhà yếu, kháng chấn kém có thể sập” – ông Nguyễn Xuân Anh thông tin.

Ông Nguyễn Xuân Anh cũng khẳng định rằng, đây là động đất kích thích đã được dự báo. Hầu như tất cả các hồ chứa đều có động đất kích thích. Ví dụ như ở Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam, A Lưới… đều có động đất kích thích.

“Cách đây 2 năm khi Kon Tum xảy ra các trận động đất, Viện đã cử đoàn công tác vào nghiên cứu, khảo sát và hiện nay công tác này vẫn đang tiếp tục. Việc nghiên cứu không thể ngày một ngày hai. Kết quả ban đầu đã đưa ra là các trận động đất tại khu vực đều có độ lớn không quá 5.0. Đó là những nghiên cứu sơ bộ và rất quan trọng.

Nghiên cứu đã đưa ra đánh giá, dự báo động đất ở khu vực này độ lớn khó có thể vượt qua 5.5. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những đánh giá sơ bộ, cần tiếp tục có nhiều số liệu quan sát, đánh giá. Còn động đất kích thích thì vẫn xảy ra tùy phản ứng của từng hồ chứa, thường kéo dài một thời gian rồi kết thúc và cũng có thể kéo dài nhiều năm. Ví như hồ chứa sông Tranh đã kéo dài 10 năm, bây giờ vẫn có xảy ra động đất” – ông Nguyễn Xuân Anh nói.

Thủy điện tích nước được cho là nguyên nhân gây động đất kích thích ở huyện Kon Plông. Ảnh: Thanh TuấnThủy điện tích nước được cho là nguyên nhân gây động đất kích thích ở huyện Kon Plông. Ảnh: Thanh Tuấn

Cần hỗ trợ người dân gia cố nhà cửa, công trình

Ông Nguyễn Xuân Anh cho hay: “Viện Vật lý địa cầu đã triển khai lắp 11 trạm quan trắc tại Kon Tum để nghiên cứu và kịp thời đưa ra mức độ hoạt động của động đất. Động đất ở Kon Tum sẽ còn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến ở khu vực đông dân cư và công trình trọng điểm, nhất là vùng tâm chấn. Cơ quan chức năng cần cập nhật thường xuyên để đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm, khu dân cư”, đồng thời nhấn mạnh: Các địa phương phải thống kê hiện tượng thiệt hại, rà soát các nhà có kháng chấn yếu để gia cố, nâng cấp cho đảm bảo; tuyên truyền cho người dân các kiến thức khi xảy ra động đất cần phải làm gì, các khắc phục như thế nào, giúp người dân kháng chất nhà cửa tốt. Đây là những giải pháp cơ bản. Còn về lâu dài, cơ bản phải có quy hoạch, khu vực nào có thể xây dựng đập, hồ thủy điện, cùng với đó là các việc liên quan để kết quả mang tính khả thi, phù hợp. Còn việc di dời dân là bất khả thi, bởi hiện nay động đất ở khu vực này cũng đang ở mức này là mức trung bình.

“Hiện tại Viện vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá xem hoạt động động đất ở mức nào để có khuyến cáo phù hợp. Hiện nay, biện pháp cần thiết như tôi đã nói ở trên, thứ nhất là rà soát để thống kê các công trình yếu, kháng chấn kém dễ bị ảnh hưởng khi động đất để gia cố. Tuyên truyền cho người dân cách ứng phó khi có động đất. Đó là những giải pháp trước mắt. Còn hiện nay các cơ quan quan trắc vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, đánh để xem khu vực có các bất thường không” – ông Nguyễn Xuân Anh cho biết.


Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/xa-hoi/ly-giai-nguyen-nhan-dong-dat-lien-tiep-xay-ra-tai-kon-tum-1373214.ldo