tienphong.vn
TP – Từ cửa khẩu quốc tế Bờ Y, giáp ranh vùng đất khô cằn Phoukeua của Lào đi ngược về phía xã Pờ Y, càng đi vào sâu nội địa càng thấy rõ bạt ngàn cà phê, cao su ngay hàng thẳng lối như những bức tranh. Hơn 30 năm từ vùng đất bên sông Đà vào vùng biên viễn xa xôi, người Mường góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời còn nhân lên “niềm tự hào nông dân Việt”.
Một cuộc đổi đời
Năm 1994, người dân tộc Mường nằm ở vùng lòng hồ sông Đà, thủy điện Hòa Bình được di cư vào tận vùng đất Tây Nguyên xa xôi, lập ra thôn Bắc Phong, hiện thuộc xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Hơn 30 năm sau, những cư dân Mường đã lập nên kỳ tích về kinh tế ở ngã ba Đông Dương. Ông Xa Văn Khoa, Bí thư Chi bộ thôn Bắc Phong, luôn ca ngợi chủ trương đúng đắn của Đảng trong việc đưa dân vào vùng đất mới.
Thôn Bắc Phong nằm trên trục đường từ Cửa khẩu quốc tế Bờ Y qua xã Pờ Y, lên trung tâm huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Giữa trưa nắng, không khí ở ngôi làng của người Mường rộn ràng âm thanh từ những chiếc xe công nông kéo rơ-moóc chạy về phía sườn đồi phía sau làng để chở nông sản. Hạt cà phê vừa thu hái và được bà con phơi trên khắp các sân hè, dọc lối đi.
Ông Xa Văn Khoa, Bí thư chi bộ thôn Bắc Phong trước cổng làng người Mường ở vùng ngã ba Đông Dương. Ảnh: Văn Chương.
Ông Xa Văn Khoa, 66 tuổi, Bí thư chi bộ thôn Bắc Phong cho biết, từ năm 1994, chương trình di dân ra khỏi vùng trũng thuộc lòng hồ sông Đà ở tỉnh Hòa Bình bắt đầu được triển khai, khi công trình Thủy điện Hòa Bình hết sức đồ sộ được các chuyên gia Liên Xô xây dựng. Tổng cộng 76 hộ người Mường vào định cư ở vùng đất còn bạt ngàn rừng hoang. Ở vùng đất mới, bà con thường nói “nhớ quê”, tức là nhớ quê nhà (hiện nay là 316 hộ, hơn 1.200 nhân khẩu).
Tại trục đường chính gần thôn Bắc Phong, vài người gói ghém hành lý để chuẩn bị kịp chuyến xe chuyên chở khách đi từ ngã ba Đông Dương về xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Quãng đường về quê gần 1.400 km, xa thăm thẳm. Nhưng hơn 30 năm qua, việc đi về giữa hai vùng đất bên dòng sông Đà và ngã ba Đông Dương đã trở thành nhịp sống của bà con dân tộc Mường.
Ban đầu, mỗi gia đình người Mường phát mở được khoảng 4 héc ta nương rẫy ở ngã ba Đông Dương. Hiện nay, có nhiều gia đình có hàng chục héc ta nương rẫy. Thì ra những cư dân chuyên làm nghề phát luồng, bẻ măng và xuôi ngược trên dòng sông Đà, “đôi tay cả đời chặt luồng” nên giờ phát rừng, mở nương là chuyện khá đơn giản.
Niềm vui được mùa cà phê. Ảnh: Văn Chương..
Bà con nông dân ở làng Bắc Phong cho biết, mỗi mùa, một gia đình thu hái được 30-50 tấn cà phê, ngoài ra trồng cao su, chăn nuôi.
Bừng sáng biên ải
Ông Khoa kể, “hồi dân Mường mới vô đây, cán bộ huyện xuống thăm, động viên và có người ngạc nhiên hỏi, không rõ người Mường làm ăn kiểu gì, đi qua nhà nào cũng nghe mùi thịt nướng?”.
Theo báo cáo của Chi bộ thôn Bắc Phong, toàn thôn có 576 héc ta đất trồng cây nông nghiệp, trong đó cà phê 342 héc ta, lúa nước gần 47 héc ta, cao su 162 héc ta, lúa nước gần 47 héc ta và nhiều loại cây trồng khác. Toàn thôn chỉ còn 6 hộ nghèo, 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Mùi thịt nướng lan khắp xóm khiến cán bộ huyện Ngọc Hồi ngạc nhiên. Giai đoạn đầu tiên sống giữa rừng núi hoang vu, sốt rét liên miên, bom mìn còn sót lại, ông Khoa và mọi gia đình đều sắm sẵn 1 khẩu s ú n g săn hoặc đặt bẫy. Từ sáng tới tối, lúc nào cũng có nai, hoẵng, nhím, heo rừng phóng qua giữa làng. Người Mường đều là những tay s ú n g thiện xạ, nên ngày nào cũng đánh chén món thịt thơm, ngon.
Việc nông nhàn vào thời đó bắt nguồn từ việc người người, nhà nhà đều đã phát nương rẫy, canh tác lúa. Thời gian đầu chưa có ai đề cập việc trồng cây cà phê (cà phê trồng từ năm 1998). Rồi tới mùa lúa, mỗi gia đình gặt được hơn 100 bao, khiến nhà nào cũng biến thành kho thóc.
Người Mường bảo nhau, “giàu lúa nhưng vẫn chưa giàu tiền”, lúa nhiều nhưng bán ra cũng thu về không được bao nhiêu. Vậy nên khi phong trào trồng cây cà phê được triển khai thì lập tức đồi nương nơi đây nhanh chóng được phủ kín. Năm 2023, ước tính có 143 hộ dân ở thôn Bắc Phong có thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm.
Chỉ vào ngôi nhà cấp 4, trước nhà có một cỗ xe công nông bánh lớn, ông Khoa nói: “Hộ này là vợ chồng Xa Văn Luân, rẫy cà phê gần khu cửa khẩu, tới 10 héc ta; ngôi nhà tôn kia trông có vẻ cũ cũ như vậy chứ chủ nhà là cháu Hà Duy Thảo, hiện là cán bộ Biên phòng, gia đình cũng có 2 héc ta cà phê”.
Người Mường ở ngã ba Đông Dương có cuộc sống khá, giàu lên rất nhanh, bà con luôn được Bộ đội biên phòng đến thăm hỏi, biểu dương các hộ làm kinh tế khá. Đi tham quan hết thôn Bắc Phong, chỉ bắt gặp vài ngôi nhà được xây dựng hơi cách tân, còn phần lớn là những ngôi nhà đơn giản, không có cảnh nhà lầu 3-4 tầng, xe SH lướt êm. Từ mờ sáng đến tối chỉ có tiếng xe công nông xành xạch, nhà nhà đóng kín cửa, thậm chí cả ban đêm, vì người làng đều làm nương rẫy.
Chào cờ nơi cột mốc biên giới ngã ba Đông Dương. Ảnh: Văn Chương.
Người Mường vẫn giữ phong cách cuộc sống chắt bóp, cần kiệm so với cộng đồng cư dân ở địa phương. Trong 259 học sinh là con em đồng bào dân tộc ở Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, người dân tộc bản địa Brâu chỉ có 74 em, Gia Rai 3 em, còn người Mường 110 em.
Giữ bản sắc Mường
“Đi học”, tiếng Mường gọi là “ty họ”, “con trâu” gọi là “con lu”, “con gà” gọi là “con ka”… Ông Khoa cho biết, sau hơn 30 năm vào định cư ở ngã ba Đông Dương này, phần lớn những người con ruột của ông vẫn giao tiếp bằng tiếng Mường khi sinh hoạt trong gia đình và cộng đồng. Còn đến đời cháu thì tiếng Mường mới bắt đầu phai nhạt dần.
Nhưng để giữ lại phong tục của người Mường, trong thôn đã lập đội văn nghệ, thể thao. Bà Xa Thị Nguyệt, Bùi Thị Thêu, Đinh Thị Biên… trở thành những biên đạo múa, hướng dẫn chị em phụ nữ các điệu múa quạt. Ngày 21/6/2023, UBND huyện Ngọc Hồi có quyết định công nhận thôn Bắc Phong là nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 10/10 tiêu chí).
Chị em phụ nữ chỉ vào nhiều ngôi nhà có mái thấp và nói “nhà đây bao tường, nhà kia bao tường”. Cả thôn hiện nay chỉ còn 2 ngôi nhà sàn của người Mường, còn lại phần lớn nhà được bà con làm bao tường bên ngoài giống như nhà cấp 4, nhưng cốt nhà vẫn là kiểu nhà Mường. Sống trong ngôi nhà này, bà con vẫn nhớ công thức xây dựng được ghi trong bản Mo Mường: “Nhìn lại mặt mà làm cửa thang, cửa sổ/Nhìn vào xương sống làm đòn nóc dài dài/Muốn làm mái thì trông vào mai…”.
Lê Văn Chương
Nguồn bài viết:
https://tienphong.vn/lang-song-da-o-nga-ba-dong-duong-post1608551.tpo