baokontum.com.vn
20/06/2024 13:00
“Tháng báo chí” là cách nói mà cánh phóng viên chúng tôi thường dùng để nói vui về tháng 6 – tháng có sự kiện Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6. Vào thời điểm này, một thói quen tôi tự đặt ra, đó là dành thời gian để nhìn lại hành trình một năm đã qua, ngẫm lại những kỷ niệm vui buồn, những cảm xúc lắng đọng khi gắn bó với nghề báo.
Đối với tôi, những kỷ niệm này không chỉ là ký ức, mà đó còn là chất liệu để bản thân tôi ngày càng chín chắn, trưởng thành hơn.
Một trong những chuyến tác nghiệp đáng nhớ của tôi trong năm qua chính là hành trình đến với làng chài Sê San. Trong chuyến tác nghiệp lần này, nhóm chúng tôi gồm 4 phóng viên. Xuất phát từ thành phố Kon Tum, vượt khoảng 130km, xuyên qua địa phận của tỉnh Gia Lai, chúng tôi đến trung tâm huyện Ia H’Drai. Từ đây, đi thêm khoảng 15km nữa là đã có thể đến được làng chài Sê San.
Nhờ đã liên hệ với địa phương từ trước, nên vừa đến khu vực lòng hồ Sê San, chúng tôi rất nhanh chóng được anh Nguyễn Văn Triều (một người dân ở làng chài) đón lên một chiếc thuyền máy nhỏ. Sau khi phát cho mỗi người chúng tôi một chiếc áo phao để đảm bảo an toàn, anh Triều vui vẻ lái thuyền đưa chúng tôi đến với làng chài Sê San.
Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp. Ảnh: TT
Thuyền vừa khởi hành, một đồng nghiệp của tôi đã tranh thủ thông tin đến cả nhóm: Làng chài Sê San thuộc thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai. Thời điểm ban đầu, các hộ dân làng chài vốn không có hộ khẩu, sống lênh đênh trên lòng hồ Sê San giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Từ năm 2015, khi huyện Ia H’Drai được thành lập, 29 hộ dân từ chỗ sống bất hợp pháp đã được địa phương công nhận trở thành công dân chính thức của xã Ia Tơi. Từ đây làng chài bước sang một trang mới với nhiều thay đổi. Các hộ dân được cấp hộ khẩu, được cấp đất, được hỗ trợ xây dựng nhà cửa, được hưởng các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước. Các hộ gia đình dần ổn định cuộc sống, không còn tình trạng di cư như thời gian trước.
Đang rôm rả trò chuyện, bỗng mọi người lặng im bởi choáng ngợp trước cảnh sắc đất trời nơi đây. Êm ả, mộc mạc, làng chài Sê San dần hiện ra trước mắt chúng tôi tựa như “mắt biếc” trên vùng cao nguyên đầy nắng, gió. Giữa mênh mông nước, chúng tôi thấy như mình đang lạc vào một danh thắng nào đó. Mặt lòng hồ tựa như một chiếc gương khổng lồ đang phản chiếu bầu trời xanh ngắt. Chưa bao giờ bầu trời lại trở nên gần với chúng tôi đến như vậy, tưởng như chỉ cần đưa tay lên là có thể chạm tới. Chiếc thuyền nhẹ nhàng rẽ nước tạo ra những đường bọt trắng xóa, càng làm khung cảnh càng thêm nên thơ, hư huyễn, mê hoặc lòng người. Anh bạn đồng nghiệp không khỏi tấm tắc: Đối với những người yêu thiên nhiên, thì đây chắc chắn là một địa điểm không thể bỏ qua. Bởi, nơi đây chứa đựng vẻ cuốn hút lạ thường, tựa sự mênh mông của miền Tây sông nước kết hợp với sự độc đáo, đa dạng của Tây Nguyên trùng điệp núi đồi.
Trước cảnh sắc như vậy, không chỉ tôi mà các đồng nghiệp đều nổi “máu nghề”. Thế là những máy móc, dụng cụ tác nghiệp nhanh chóng được tận dụng, mọi người cố gắng thu cho mình những khuôn hình đặc sắc nhất về cảnh quan, đất trời, thiên nhiên tại làng chài Sê San. Ngay cả khi chiếc thuyền đã đến làng chài, nhưng chúng tôi tiếp tục nhờ anh Triều chở đi thêm một vòng nữa để có thêm những tư liệu hình ảnh cần thiết.
Trải nghiệm đến với làng chài Sê San. Ảnh: TT
Sau khi “lượn” 2 vòng quanh làng chài Sê San, chúng tôi nhanh chóng tiến vào làng chài để ghi nhận về cuộc sống và con người nơi đây. Cả nhóm ai cũng hăm hở, quên hết những mệt mỏi sau chuyến đi dài lao vào tìm những “mảnh ghép” hoàn thiện tác phẩm của mình. Bà con nơi đây chào đón chúng tôi rất nhiệt tình. Mọi người đều hỗ trợ hết mình để chúng tôi thuận lợi tác nghiệp.
Một ngày lênh đênh trên làng chài Sê San, chúng tôi được trải nghiệm nhiều điều lý thú: Câu cá tại làng chài; xem cách bà con đánh bắt cá cơm tự nhiên trên lòng hồ bằng phương pháp thủ công; thưởng thức các món ăn dân dã được chế biến từ các sản vật đặc trưng (cá chình bông, cá lăng, cá sọc dưa, cá rô…). Những điều đó trở thành những dấu ấn, kỷ niệm về nghề mà bản thân tôi cùng các đồng nghiệp không thể nào quên.
Nhờ nghề báo, tôi học được nhiều điều, được đến nhiều nơi và trải nghiệm nhiều thứ mới mẻ. Từ những chuyến đi, những cuộc hành trình, vốn sống và kiến thức của tôi ngày càng bồi đắp và đầy đặn hơn theo năm tháng. Tiếp tục vững bước trên con đường mà mình đã chọn, tôi tin rằng nghề báo sẽ giúp bản thân tôi ngày càng trưởng thành và hoàn thiện hơn.
Tất Thành
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/ky-niem-ve-mot-chuyen-tac-nghiep-41485.html