Khai giảng nơi tâm chấn động đất

10

thanhnien.vn

Cách trung tâm huyện lỵ 32 km về hướng bắc, xã Đăk Tăng được biết đến như một vùng tâm chấn của động đất. Sáng 5.9, PV Thanh Niên có mặt tại Trường tiểu học – THCS Đăk Tăng để ghi nhận lễ khai giảng đặc biệt của thầy và trò nơi đây.

Sau lễ khai giảng là trận động đất

Từ chiều 4.9, học sinh đã tề tựu tại Trường tiểu học – THCS Đăk Tăng để chuẩn bị khai giảng. Các em cùng nhau dọn dẹp vệ sinh khu nội trú, sân trường, lớp học trước khi bắt đầu năm học mới.

Khai giảng nơi tâm chấn động đất- Ảnh 1.

Trường tiểu học-THCS Đăk Tăng nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng

Lễ khai giảng tại trường này diễn ra nhanh gọn nhưng không kém phần trang trọng. Sau phần biểu diễn cồng chiêng, hiệu trưởng nhà trường đọc thư chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và năm học mới bắt đầu bằng tiếng trống khai trường cùng niềm hân hoan của tập thể giáo viên, học sinh.

Khoảng 8 giờ 21 cùng ngày, sau lễ khai giảng, một trận động đất 3,6 độ Richter xảy ra. Dù chỉ diễn ra trong vài giây nhưng mọi người đều cảm nhận rõ những rung động từ mặt đất.

Các năm qua, trên địa bàn H.Kon Plông liên tục xảy ra động đất với mật độ dày, cường độ trận động đất mạnh nhất ghi nhận được là 5 độ Richter. Tình trạng động đất liên tục xảy ra đã dấy lên nhiều lo ngại cho giáo viên, học sinh tại địa phương.

Em Y Thuận (lớp 8, thôn Vi Ring, xã Đăk Tăng) chia sẻ: “Sau hơn 2 tháng nghỉ hè, em rất nhớ bạn bè, trường lớp. Hôm nay, bước vào năm học mới, em rất vui khi gặp lại bè bạn, thầy cô. Vào đầu năm học mới, em được nhà trường hỗ trợ sách vở để phục vụ học tập. Ngoài ra, em còn được hỗ trợ ăn uống tại trường theo chế độ bán trú”.

Khai giảng nơi tâm chấn động đất- Ảnh 2.

Học sinh có mặt trước ngày khai giảng để dọn dẹp trường lớp

Tuy nhiên, điều khiến Y Thuận lo lắng nhất là động đất. Nữ sinh này cho biết, mỗi ngày ở đây có 2 – 3 trận động đất có thể cảm nhận được. “Để ứng phó với động đất, thầy cô đã hướng dẫn chúng em những cách thoát nạn như: chui xuống gầm bàn, chạy ra khỏi nhà hay trốn vào góc tường khi phát hiện rung chấn xảy ra. Thế nhưng em vẫn sợ nhất là động đất vào ban đêm, khi mình ngủ say thì không biết ứng phó thế nào”, Y Thuận nói.

Tương tự, em Y Hà Giang (lớp 8A, thôn Đăk Pro, xã Đăk Tăng) cho biết, nhà em cách trường hơn 20 km. Đầu năm học, em được hỗ trợ chế độ bán trú, ăn ở tại trường từ thứ hai đến thứ sáu mỗi tuần. “Có lần vào 9 giờ tối, khi em đang ngủ ở giường trên thì căn phòng và giường tầng rung lắc dữ dội. Em liền hét lên để thông báo cho các bạn cùng nhau chạy ra khỏi phòng. Khoảng 15 phút sau, thấy không còn nguy hiểm, bọn em mới vào phòng ngủ tiếp”, Y Hà Giang nói.

Khai giảng nơi tâm chấn động đất- Ảnh 3.

Em Y Thuận vui mừng khi gặp lại bạn bè sau hơn 2 tháng nghỉ hè

Theo ông Phan Văn Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học – THCS Đăk Tăng, thông qua các tiết học hoặc buổi sinh hoạt ngoại khóa, nhà trường đã tuyên truyền, hướng dẫn học sinh cách ứng phó với động đất, bão lũ và sạt lở. Theo đó, nếu động đất xảy ra vào buổi tối, khi các em đang ngủ phải lập tức leo xuống giường, ẩn nấp dưới gầm giường, đồng thời tránh xa các cửa sổ và cửa ra vào. Trong trường hợp mái nhà bị sập, hoặc đồ đạc rơi xuống thì các em sẽ không bị chấn thương nặng. Khi động đất xảy ra mà các em ở một mình thì không được trú ẩn ở chỗ tạm bợ, phải chạy đến khu vực trống, tránh xa cây cối và trụ điện…

Lễ khai giảng với những đôi tay dìu dắt nhau, những đôi tai lắng nghe từng nhịp bước chân

Những bước đi đầu đời

Năm nay, Trường tiểu học – THCS Đăk Tăng có 317 học sinh, trong đó trên 98% là học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà xa, giao thông đi lại khó khăn, có thôn, làng cách trường 20 km nên có hơn 160 học sinh được tạo điều kiện ăn ở nội trú.

Khai giảng nơi tâm chấn động đất- Ảnh 4.

Học sinh biểu diễn cồng chiêng, múa xoang trong lễ khai giảng

Theo ông Phan Văn Nam, học sinh lớp 1, 2 sẽ học tập tại các điểm trường thôn. Tuy nhiên, đến lớp 3, các em nhà xa phải ở nội trú tại trường. Các em còn quá nhỏ nên chưa biết tự chăm sóc bản thân, thói quen sinh hoạt còn chưa vào nền nếp nên giáo viên phải lo bữa ăn, giấc ngủ cho các em.

Thầy A Nhưng, giáo viên quản lý khu nội trú Trường tiểu học – THCS Đăk Tăng, cho biết, những học sinh nhà xa phải ở nội trú. Do đó, các thầy cô phải thay cha mẹ chăm sóc các em. “Nhiều đêm nghe động đất, các em tỉnh dậy hoảng sợ. Chúng tôi phải đi từng phòng trấn an tinh thần các em”, thầy A Nhưng nói.

Khai giảng nơi tâm chấn động đất- Ảnh 5.

Học sinh Trường tiểu học Măng Đen trốn xuống gầm bàn trong tình huống giả định động đất

Tại Trường tiểu học Măng Đen (TT.Măng Đen, H.Kon Plông, Kon Tum), trước lễ khai giảng, nhà trường đã tổ chức cảnh báo tình huống giả định động đất để kiểm tra phản xạ và kỹ năng ứng phó với động đất của giáo viên và học sinh.

Trường học có nhiều dự án phục vụ cộng đồng

Sáng 5.9, học sinh tại 349 trường mầm non và phổ thông tại Kon Tum đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Trong năm học 2024 – 2025, toàn tỉnh Kon Tum có 170.000 học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT. Trong đó, khoảng 97.000 trẻ em và học sinh là người dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 57%.

Khai giảng nơi tâm chấn động đất- Ảnh 6.

Lễ khai giảng tại Trường THCS-THPT Liên Việt Kon Tum

Riêng Trường THCS – THPT Liên Việt Kon Tum, lễ khai giảng kết hợp với kỷ niệm 5 năm ngày thành lập trường. Năm học 2024 – 2025, toàn trường có 1.515 học sinh với 42 lớp học.

Hằng năm, tỷ lệ học sinh khá, giỏi toàn trường đạt 96%; học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 100%; tỷ lệ học sinh đạt hạnh kiểm tốt, khá chiếm trên 99%. Đặc biệt, có nhiều học sinh đạt giải cao tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi, cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp. Những năm qua, trường đã đạt 27 giải trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, trong đó có nhiều giải nhất vinh dự được tham gia thi quốc gia. Trong năm học vừa qua, trường vừa được UBND tỉnh Kon Tum công nhận trường công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Không chỉ tập trung nâng cao công tác giảng dạy, nhà trường còn tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa gắn với thiện nguyện. Sau 5 năm thành lập, nhà trường đã tổ chức 4 chương trình cho học sinh trải nghiệm trải nghiệm gắn với thiện nguyện. Qua đó, đã có 60 hoạt động thiện nguyện được triển khai với kinh phí khoảng hơn 3 tỉ đồng. Hiện nhà trường đã xây dựng được nguồn quỹ dành cho học sinh tài năng và học sinh vùng khó từ sự tài trợ của các nhà hảo tâm và phụ huynh, tổng kinh phí khoảng 100 triệu đồng. Nhà trường còn đang nhận đỡ đầu 5 học sinh tại trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh, 3 học sinh tại trại phong Đăk Kia (xã Đoàn Kết, TP.Kon Tum).


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/khai-giang-noi-tam-chan-dong-dat-18524090512154365.htm