Hiểm họa từ việc đốt nương không kiểm soát

66

www.bienphong.com.vn

Biên phòng – Thời tiết nắng nóng kéo dài tại nhiều khu vực như hiện nay, một hành động bất cẩn khi sử dụng lửa cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn giữ những thói quen như đốt cỏ rác, đốt nương không kiểm soát, gây cháy rừng, thiệt hại về tài sản, thậm chí cả tính mạng của chính mình và những người xung quanh.

17223527pm81581747amz5380890563725 085048f791273f18301167f8c
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lăng Cô, BĐBP Thừa Thiên Huế tham gia chữa cháy. Ảnh: Võ Tiến

Nhiều vụ cháy rừng là do người dân thiếu ý thức

Khu vực miền Nam đang nằm trong cao điểm của mùa khô, nắng nóng kéo dài và nhiệt độ luôn ở mức cao đã khiến hầu hết diện tích rừng ở tình trạng cảnh báo cháy rừng ở cấp IV (nguy hiểm) và V (cực kỳ nguy hiểm). Dù đã được tuyên truyền, cảnh báo, nhưng một số người dân khi sản xuất nông nghiệp vẫn bất cẩn gây ra nhiều vụ cháy rừng. Đơn cử như vụ cháy rừng xảy ra hồi 15 giờ, ngày 20/4, tại khu vực cách mốc phụ 231/13 khoảng 300m về phía Việt Nam, thuộc xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Nguyên nhân gây cháy rừng là do người dân đi bắt ong bất cẩn gây cháy. Rất may, đám cháy được phát hiện sớm nên BĐBP Đồng Tháp đã kịp thời điều động 14 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với địa phương và lực lượng chức năng dập tắt đám cháy sau hơn 2 giờ đồng hồ.

Cũng do bất cẩn khi đốt cỏ, một người dân đã gây cháy rừng bạch đàn tại Quảng trường Trung tâm Hành chính huyện Giang Thành (địa bàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành, BĐBP Kiên Giang phụ trách) vào ngày 18/4/2024. Phải mất 2 giờ đồng hồ, các cán bộ, chiến sĩ BĐBP Kiên Giang và các lực lượng khác mới dập tắt được đám cháy.

Không chỉ miền Nam, khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng đang ở cao điểm của khô hạn. Thảm thực vật và cả diện tích trồng cây đều khô kiệt, rất dễ bắt lửa gây hỏa hoạn. Điển hình nhất là vụ cháy bãi mía xảy ra trưa ngày 4/3 tại vùng đồi thôn 7, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, làm thiệt hại hơn 5,8ha mía của các hộ dân. Nguyên nhân ban đầu được xác định do người dân bất cẩn trong việc đốt rác mía, dọn rẫy vừa thu hoạch.

Tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, tối ngày 21/4 đã cháy khoảng hơn 1,5ha rừng do người dân bất cẩn trong đốt nương rẫy. Khu vực xảy ra cháy thuộc Tiểu khu 690, xã Tam Hợp và Tiểu khu 665, xã Xá Lượng. Cũng do bất cẩn, từ việc người dân đốt ong, một vụ cháy đã bùng phát ở khu vực xóm Lũng Lầu, xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng (địa bàn Đồn Biên phòng Ngọc Côn phụ trách) vào 15 giờ, ngày 17/4. Vị trí đám cháy cách đường biên giới khoảng 1,7km về phía Việt Nam. Diện tích rừng bị cháy là khoảng hơn 8ha.

Mất mạng do dùng lửa bất cẩn

Thực tế, từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã ghi nhận không ít trường hợp do sự sơ ý, chủ quan đã phải trả giá bằng mạng sống của mình khi sử dụng lửa không kiểm soát trong thời tiết khô nóng. Điển hình, như trường hợp của bà Vi Thị Quyên, sinh năm 1977, trú tại bản Mường Piệt, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Chiều ngày 21/4, bà Quyên đốt nương làm rẫy. Do gió mạnh, đám cháy bùng lớn, lan rộng ra xung quanh khiến bà Quyên bị bỏng nặng, tử vong ngay trên rẫy.

Một vụ việc đáng tiếc khác là trường hợp của ông Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1965, trú tại ấp 2, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Giữa trưa ngày 3/4, ông Dũng đốt đồng để vệ sinh đồng ruộng. Trong lúc đốt, do trời nắng to, gió mạnh, ngọn lửa cháy lan sang các khu vực khác. Thấy lửa cháy lớn, ông Dũng cố gắng dập lửa, nhưng lửa cháy ngày càng dữ dội, lan ra cả khu vực khiến ông kiệt sức, ngạt khói dẫn tới tử vong. Đến chiều tối cùng ngày, gia đình mới phát hiện sự việc thì đã quá muộn.

Trước đó, trưa ngày 1/4, tại khu vực rừng trồng của ông Âu Viết Tính, sinh năm 1963, trú tại Bảo Lâm, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn xảy ra cháy rừng. Nguyên nhân ban đầu là do ông Tính đốt nương rẫy làm cháy lan. Ông Tính cố gắng dập lửa, nhưng bất thành. Hậu quả, ông bị ngạt khói và tử vong. Hơn 1,5ha đồi cỏ tranh bị thiêu rụi. Lực lượng cứu hộ gồm hơn 20 cán bộ, chiến sĩ của BĐBP Lạng Sơn phối hợp với lực lượng địa phương đã mất 3 giờ đồng hồ mới dập tắt được đám cháy.

98523526pm61281747amcanh bao chay rung
Bản đồ cảnh báo cháy rừng thể hiện nhiều khu vực trên cả nước đang ở mức cực kỳ nguy hiểm. Ảnh: Bích Nguyên

Dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì

Hiện nay, tình trạng nắng nóng đang diễn biến phức tạp, bất thường tại các tỉnh khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên, một số tỉnh khu vực phía Bắc. Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra cháy rừng trên địa bàn các tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Khánh Hòa, Đăk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Kiên Giang… Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra cảnh báo cháy rừng cấp IV đối với 165 vùng trên cả nước và cảnh báo cháy rừng cấp V đối với 97 khu vực trên cả nước, chủ yếu là vùng Tây Nguyên và Nam Bộ.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2024, nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, nền nhiệt cao hơn năm 2023. Nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa làm nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi là rất cao, gây thiệt hại về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân. Do đó, để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Có phương án cụ thể, chi tiết, bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Đồng thời, tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại những khu vực có mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên; tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra.

“Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy; dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao” – Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu.

Bích Nguyên


Nguồn bài viết:
https://www.bienphong.com.vn/hiem-hoa-tu-viec-dot-nuong-khong-kiem-soat-post475297.html