Hai tỉnh nào nước ta cùng có huyện tên Chợ Mới?

82

vietnamnet.vn

Nhiều tỉnh thành ở nước ta đặt trùng tên huyện, trong đó hai tỉnh này cùng có huyện mang tên Chợ Mới.

1. Hai tỉnh nào nước ta cùng có huyện tên Chợ Mới?

Long An, Cao Bằng

Cao Bằng, Bắc Kạn

Bắc Kạn, An Giang

An Giang, Long An

Chính xác

An Giang và Bắc Kạn là 2 tỉnh có huyện cùng mang tên Chợ Mới. Tại Bắc Kạn, huyện Chợ Mới nằm ở ngay cửa ngõ ra vào của vùng rừng núi Việt Bắc rộng lớn, nơi chuyển tiếp địa hình từ núi cao xuống đồi núi thấp và ở giữa lòng chảo của hai cánh cung là Ngân Sơn và Tam Đảo.

Tại An Giang, Chợ Mới là huyện cù lao của tỉnh, cách thành phố Long Xuyên 29km, được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu với hệ thống sông, rạch chằng chịt. Huyện có nhiều di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, giàu tiềm năng phát triển du lịch.

2. Tỉnh nào cũng có huyện Phú Tân như An Giang?

Cà Mau

Kiên Giang

Tiền Giang

Hậu Giang

Chính xác

Cà Mau và An Giang là 2 tỉnh có huyện cùng mang tên Phú Tân. Tại Cà Mau, Phú Tân là huyện có bờ biển dài đến 27km, chạy từ cửa sông Mỹ Bình đến cửa sông Bảy Háp.

Trong quy hoạch phát triển kinh tế biển của tỉnh Cà Mau, khu vực cửa Cái Đôi Vàm của huyện Phú Tân là một trong số các cụm kinh tế thủy sản ven biển, có số lượng tàu cá neo đậu khá lớn.

Tại An Giang, Phú Tân là huyện cù lao, được bao quanh bởi sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao (nối sông Tiền với sông Hậu ở phía Nam) và kênh Vĩnh An (nối sông Tiền với sông Hậu ở phía Bắc). Nhờ vậy, cù lao Phú Tân có phù sa tốt tươi, ruộng vườn trù phú.

3. Bình Định và Cần Thơ cùng có huyện tên gì?

Phong Điền

Vĩnh Thạnh

Cờ Đỏ

Thới Lai

Chính xác

Bình Định và Cần Thơ là 2 tỉnh, thành phố có huyện cùng mang tên Vĩnh Thạnh. Tại Bình Định, Vĩnh Thạnh là một huyện miền núi có khoảng 20 dân tộc thiểu số sinh sống. Huyện nằm dọc theo lưu vực sông Kôn, xưa kia vốn thuộc Tây Sơn thượng đạo, căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra cuối thế kỷ thứ XVIII của 3 anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.

Đây cũng là căn cứ của cuộc khởi nghĩa Mai Xuân Thưởng (1885-1887). Trong kháng chiến chống Pháp, Vĩnh Thạnh vừa là tiền tuyến của quân dân tỉnh Bình Định, vừa là hậu phương tại chỗ của quân dân vùng địch hậu đông nam tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Trong khi đó tại Cần Thơ, Vĩnh Thạnh là một huyện ngoại thành, được biết đến là vùng đất Cái Sắn xưa.

4. Tỉnh nào cũng có huyện Bảo Lâm như Lâm Đồng?

Đăk Lắk

Cao Bằng

Vĩnh Long

Lào Cai

Chính xác

Lâm Đồng và Cao Bằng là 2 tỉnh có huyện cùng mang tên Bảo Lâm. Tại Lâm Đồng, Bảo Lâm là huyện nằm trên cao nguyên Di Linh, độ cao trung bình là 900m. Huyện Bảo Lâm là nơi tọa lạc của ngôi chùa nổi tiếng Linh Quy Pháp Ấn.

Tại Cao Bằng, Bảo Lâm là huyện vùng cao, biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh, nơi có dòng sông Gâm trong xanh. Với tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc, mảnh đất này được xem là một trong những viên ngọc quý miền biên viễn.

5. Hai tỉnh nào nước ta cùng có huyện Tam Nông?

Yên Bái, Cao Bằng

Cao Bằng, Phú Thọ

Phú Thọ, Đồng Tháp

Đồng Tháp, Trà Vinh

Chính xác

Đồng Tháp và Phú Thọ là 2 tỉnh có huyện cùng mang tên Tam Nông. Huyện Tam Nông, Phú Thọ có vị trí là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội.

Đây được xem là vùng đầu mối giao thông thủy bộ, nối vùng hợp lưu của sông Hồng và sông Đà, nối Bắc Trung Bộ, đồng bằng châu thổ sông Hồng với các tỉnh Tây Bắc, là “phên dậu” ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc.

Trong khi đó, Tam Nông, Đồng Tháp là huyện nằm về phía Bắc của tỉnh. Đây là nơi có Vườn quốc gia Tràm Chim nổi tiếng.


Nguồn bài viết:
https://vietnamnet.vn/hai-tinh-nao-nuoc-ta-cung-co-huyen-ten-cho-moi-2272779.html