www.bienphong.com.vn
Biên phòng – Với mục tiêu “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, Đảng bộ, chính quyền huyện vùng biên Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum đã tập trung đẩy mạnh công tác nhằm giúp đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tự tin vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phổ biến kiến thức cho người dân trong nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Thúy Hạnh
Ngọc Hồi là huyện miền núi ở phía Bắc của tỉnh Kon Tum, có đường biên giáp Lào và Campuchia. Huyện có 17 dân tộc cùng chung sống trên 7 xã, 1 thị trấn với 68 thôn, tổ dân phố. Trong đó, có 48 thôn là đồng bào DTTS. Dân số toàn huyện có hơn 16 nghìn hộ, với trên 9 nghìn hộ là đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ là 54,8%. Cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện có 481 hộ, chiếm tỷ lệ 2,95% dân số toàn huyện (447 hộ nghèo là đồng bào DTTS, chiếm 92,93%); số hộ cận nghèo là 384 hộ, chiếm tỷ lệ 2,36%. Riêng hộ cận nghèo là đồng bào DTTS có 318 hộ, chiếm 82,81%.
Triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (giai đoạn 2021 -2025) trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang khẳng định: “Để cuộc vận động trên hiệu quả, cần làm tốt công tác tuyên truyền theo cách đi từng ngõ, gõ từng nhà. Cán bộ đảng viên đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tư vấn, phải ra tận nương, rẫy của dân. Phương châm thực hiện là “mưa dầm thấm lâu”, “cầm tay chỉ việc”, nhằm khơi dậy ý chí tự lực, vươn lên thoát nghèo của đồng bào”.
Nhằm thực hiện tốt cuộc vận động, Ban Thường trực Ủy ban MMTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể cùng với Trung tâm chính trị huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bồi dưỡng 4 lớp tập huấn cho 264 lượt cán bộ làm công tác Mặt trận, các đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn kỹ thuật; mở ra 3 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, 3 lớp tư vấn nghề nghiệp; 6 buổi truyền thông cho 576 lượt đoàn viên, hội viên trong huyện.
Đồng thời, thông qua các buổi chào cờ hàng tháng, họp thôn, sinh hoạt định kỳ của các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư; hệ thống loa truyền thanh, phóng thanh, qua mạng xã hội zalo, facebook…; để tuyên truyền về những nội dung của cuộc vận động đến tất cả người dân. Đặc biệt, tăng cường sản xuất các phóng sự về gương điển hình là người DTTS tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, các đơn vị lực lượng vũ trang, trong đó có đồn Biên phòng đóng trên địa bàn huyện cũng tham gia phối hợp thực hiện cuộc vận động với phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
Tổng kinh phí thực hiện cuộc vận động là 496,38 triệu đồng. Trong đó, kinh phí Nhà nước cấp và các nguồn quỹ khác là 371,88 triệu đồng; kinh phí từ các nguồn vận động là 107,5 triệu đồng; hộ dân đóng góp là 17 triệu đồng. Từ sự phối hợp giữa chính quyền, các ngành liên quan, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong cuộc vận động, năm 2023, toàn huyện đã xây dựng được 36 mô hình (cấp huyện 12 mô hình, xã 24 mô hình). Tổng số hộ đồng bào DTTS tham gia mô hình là 136 hộ (53 hộ nghèo, 83 hộ cận nghèo).
Kết quả, số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện đã thay đổi nếp nghĩ, bỏ hủ tục, tự lực vươn lên thoát nghèo là 564 hộ (291 hộ nghèo, 273 hộ cận nghèo), chiếm tỷ lệ 65,2%. Số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng; biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất là 568 hộ (340 hộ nghèo, 228 hộ cận nghèo), với tỷ lệ là 65,66%.
Số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, như sắm được các vật dụng thiết yếu như ti vi, xe gắn máy… là 303 hộ (hộ nghèo 146 hộ, cận nghèo 157 hộ), chiếm tỉ lệ 35,02%. Số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn là 121 hộ ( 56 hộ nghèo, 65 hộ cận nghèo), chiếm tỷ lệ 13,98%. Tổng số hộ đồng bào DTTS tham gia các mô hình là 564 hộ (363 hộ nghèo, 180 hộ cận nghèo). Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào DTTS giảm bình quân hàng năm từ 6-7%/năm.
Cán bộ BĐBP Kon Tum trao tặng bò hỗ trợ đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Ngọc Hồi. Ảnh: Thúy Hạnh
Điển hình là hộ gia đình anh A Dé nuôi trồng thủy sản ở thôn Dục Nội, xã Đăk Nông. Gia đình anh không những được huyện hỗ trợ cá giống và thức ăn, mà còn được nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, tập quán trong nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Anh Dé chia sẻ: “Tận dụng mặt ao sẵn có trong rẫy của gia đình, tôi thả nhiều loại cá. Do tôi thiếu kiến thức và kỹ thuật nuôi cá nên không có hiệu quả cao. Sau khi được tham gia tập huấn, thay đổi cách làm theo đúng quy trình, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với lãi thu được từ bán cá, tôi sẽ dùng để tái đàn, mở rộng sản xuất”.
Qua 3 năm huyện triển khai thực hiện cuộc vận động (2021-2023), các cấp, ngành đã xây dựng được 117 mô hình phát triển kinh tế gia đình. Việc triển khai hiệu quả công tác xây dựng mô hình điểm thực hiện cuộc vận động đã tạo sức lan tỏa đối với các hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS. Một bộ phận người nghèo là đồng bào DTTS đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp, thay đổi nhận thức, cách thức lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến nay, huyện Ngọc Hồi đã có 241 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo.
Những đổi thay tích cực ấy rất đáng kể, nhưng mới chỉ là bước đầu. Với chủ trương đúng, cách làm hiệu quả thiết thực của chính quyền, cùng nỗ lực của đồng bào DTTS, huyện Ngọc Hồi vững tin vươn lên thoát nghèo bền vững và hướng đến một tương lai tươi đẹp hơn.
Thúy Hạnh
Nguồn bài viết:
https://www.bienphong.com.vn/giup-dong-bao-dan-toc-thieu-so-thay-doi-nep-nghi-cach-lam-vuon-len-thoat-ngheo-post474186.html