Ðưa Luật Đất đai sửa đổi vào cuộc sống

13

baokontum.com.vn

10/03/2024 06:19

Là bộ luật có tác động rất sâu rộng đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng như đời sống người dân, vì vậy, Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 do Bộ TN&MT tổ chức chiều 6/3 nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Ngày 18/1, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi gồm 16 chương và 260 điều, hiệu lực từ ngày 1/1/2025 (trừ một số điều có hiệu lực thi hành sớm hơn, từ ngày 1/4 năm nay).

Luật Đất đai (sửa đổi) là bộ luật rất quan trọng, có tác động rất sâu rộng đến phát triển kinh tế -xã hội của đất nước và cuộc sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp.

Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà Luật Đất đai 2013 còn tồn tại, bất cập, cũng như triển khai các thủ tục đất đai có liên quan, đặc biệt là việc phân cấp rất mạnh, cải cách hành chính mà các địa phương phải triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Đồng thời “thể chế hóa” Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

173944Lu%E1%BA%ADt%20m%E1%BB%9Bi%20%C4%91%C3%A3%20c%C3%B3%20c%C3%A1c%20quy%20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20th%C3%A1o%20g%E1%BB%A1%20%E2%80%9C%C4%91i%E1%BB%83m%20ngh%E1%BA%BDn%E2%80%9D%20cho%20th%E1%BB%8B%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng%20b%E1%BA%A5t%20%C4%91%E1%BB%99ng%20s%E1%BA%A3n

Luật mới đã có các quy định tháo gỡ “điểm nghẽn” cho thị trường bất động sản. Ảnh: H.L

 

Đảm bảo nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

So với Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai sửa đổi 2024 có năm nhóm vấn đề mới, trong đó quy định bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; việc tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp phục vụ kinh tế – xã hội, sản xuất kinh doanh; nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tài chính đất đai (như định giá đất, ổn định tiền thuê đất) và nâng cao hiệu quả, hiệu lực về quản lý nhà nước.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 đại diện Bộ TN&MT cho biết, từ đầu tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phân công các cơ quan chủ trì soạn thảo 16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai sửa đổi thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, trong đó có 9 nghị định và 6 thông tư.

Ngoài ra, các bộ ngành, địa phương cũng được yêu cầu rà soát văn bản pháp luật hiện hành để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với luật.

Là một trong những người quan tâm theo dõi Hội nghị, ông Nguyễn Văn Nghĩa (chủ doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở thành phố Kon Tum) cho biết rất tin tưởng rằng, khi luật đi vào cuộc sống sẽ phát huy mạnh mẽ nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, trở thành động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.

Quá trình nghiên cứu Luật Đất đai sửa đổi, tôi nhận thấy Luật đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường, như bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở- ông Nguyễn Văn Nghĩa chia sẻ.

Hay như nội dung phân cấp cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh. Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể các trường hợp UBND cấp huyện được thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà không phân biệt theo đối tượng sử dụng đất.

Việc phân cấp triệt để này không chỉ tăng tính chủ động cho UBND cấp huyện trong triển khai dự án có thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, mà còn bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Vấn đề đặt ra hiện nay là Bộ TN&MT sớm tham mưu Chính phủ ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn để địa phương có đủ cơ sở pháp lý triển khai khi luật có hiệu lực- ông Nguyễn Văn Nghĩa kiến nghị.

Trong khi đó, là một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, anh N.T.T đã chứng kiến một thời gian dài thị trường bất động sản “trầm lắng”. Không chỉ tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản lao đao mà hàng loạt dự án, công tác đấu giá đất của địa phương cũng gặp khó, dẫn đến thất thu ngân sách.

174010Th%C3%A1o%20g%E1%BB%A1%20v%C6%B0%E1%BB%9Bng%20m%E1%BA%AFc,%20%C4%91%C6%B0a%20%C4%91%E1%BA%A5t%20%C4%91ai%20th%C3%A0nh%20%C4%91%E1%BB%99ng%20l%E1%BB%B1c%20th%C3%BAc%20%C4%91%E1%BA%A9y%20kinh%20t%E1%BA%BF

Tháo gỡ vướng mắc, đưa đất đai thành động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Ảnh: HL

 

Theo anh N.T.T, Luật mới đã có các quy định tháo gỡ “điểm nghẽn” cho thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, nhằm đưa thị trường này trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.

Ví như, các quy định của Luật Đất đai sửa đổi tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong lập quy hoạch sử dụng đất thông qua việc tổ chức lấy ý kiến; bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch.

Qua đó giảm thiểu tối đa các quan hệ “xin – cho”, góp phần tích cực, tạo ra môi trường cạnh tranh một cách công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Đây cũng là một yếu tố góp phần tác động khiến giá bất động sản dần tiệm cận với giá trị thực, từ đó góp phần tiếp thêm niềm tin cho thị trường; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khơi thông các dự án ách tắc, bổ sung nguồn cung mới vào thị trường.

Tuy nhiên, cho đến nay, những “điểm nghẽn” vẫn chưa được tháo gỡ, do phải nằm chờ Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực; cơ quan quản lý địa phương cũng chờ đợi quy định mới để phê duyệt dự án mới.

Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật để đến ngày 1/1/2025, khi Luật Đất đai sửa đổi chính thức có hiệu lực thì áp dụng ngay, đảm bảo một thể thống nhất trong tổ chức thực hiện- anh N.T.T kiến nghị.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền những điểm đổi mới, đột phá của luật, đồng thời, tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp trong tổ chức thực hiện, trong xây dựng văn bản pháp luật đảm bảo đồng bộ, thống nhất với luật.  

Hồng Lam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/%C3%B0ua-luat-dat-dai-sua-doi-vao-cuoc-song-38700.html