Đóng góp đáng tự hào

18

baokontum.com.vn

09/03/2024 06:07

Chiếm gần 50% dân số và hơn 48% lao động xã hội, phụ nữ trong tỉnh đóng góp quan trọng xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Ở tuổi 90, bà Đinh Thị Thơm nguyên là cán bộ hội phụ nữ cơ sở có thâm niên nhất ở khu dân cư. Bà kể: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất (1975), gia đình tôi trở về căn nhà nhỏ ở tổ 7, phường Thắng Lợi, thị xã Kon Tum. Nhờ nhanh nhẹn, tháo vát, lại ăn nói rành mạch, dễ nghe nên bà được lãnh đạo địa phương động viên tham gia công tác đoàn thể cơ sở. Vượt qua sự e dè, bỡ ngỡ qua ban đầu, bà nhanh chóng tiếp cận, đảm đương công việc của một chi hội trưởng chi hội phụ nữ.

Với bản tính chịu thương chịu khó lại khéo thu xếp mọi việc, nên nữ chi hội trưởng luôn tổ chức, bố trí công tác ngăn nắp, đầy đủ, hiệu quả. Càng ngày, bà ngày càng hăng say công tác, kề vai sát cánh cùng chị em đưa phong trào quần chúng ở một trong hai phường nội thị đi lên.

154305Ch%E1%BB%8B%20em%20gi%E1%BB%AF%20ngh%E1%BB%81%20truy%E1%BB%81n%20th%E1%BB%91ng

Chị em giữ nghề truyền thống. Ảnh: TN

 

Tham gia công tác hội phụ nữ ở cơ sở đã để lại cho bà Thơm nhiều kỷ niệm khó quên, những ấn tượng tốt đẹp. Nhớ làm sao, những buổi tối rủ nhau đi họp, chị em thường nóng lòng mong đến ngày kỷ niệm 8/3, 20/10. Rồi không khí náo nức tham dự mít tinh đến phấn khởi vần công, đổi công, hay tham gia nấu nướng tập thể vào các dịp chào mừng, lễ tết. Chị em tích cực tham gia chiến dịch khai hoang, xây dựng cánh đồng Ngô Trang (nay thuộc xã Đăk La, huyện Đăk Hà) đánh dấu bước chuyển đáng kể trong phong trào quần chúng mà phụ nữ luôn hăng hái đi đầu.

Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển công tác hội và phong trào phụ nữ của tỉnh, có thể nhận thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Kon Tum, đầu năm 1961, Hội Phụ nữ giải phóng lâm thời tỉnh được thành lập tại vùng căn cứ kháng chiến. Phát huy truyền thống cách mạng của quân và dân Bắc Tây Nguyên, phụ nữ trong tỉnh đã khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt trong phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang và công tác binh vận, góp phần tích cực xây dựng và bảo vệ khu căn cứ, vùng giải phóng.

Tại Đại hội đại biểu Hội LHPN giải phóng tỉnh Kon Tum lần thứ I được tổ chức ở làng Mô Bành, xã Đăk Sao, H80 (nay thuộc huyện Tu Mơ Rông) vào tháng 6/1966, bà Y Một được bầu làm Hội trưởng. Đại hội phát động phong trào “Ba đảm đang” với các nội dung: Đảm đang sản xuất và công tác, đảm đang gia đình, đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Phong trào trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Hội LHPN tỉnh trong suốt giai đoạn này đến ngày giải phóng Kon Tum.

Sau giải phóng, 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai được sáp nhập thành tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Ngày 1/11/1975, Hội LHPN hai tỉnh hợp nhất lấy tên là Hội LHPN tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Tháng 7/1977, Hội LHPN tỉnh Gia Lai-Kon Tum tổ chức thành công Đại hội lần thứ IV. Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ V diễn ra từ ngày 5-8/10/1979 đã phát động phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

154335Ch%C4%83m%20lo%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20kinh%20t%E1%BA%BF

Chăm lo phát triển kinh tế. Ảnh: T.N

 

Sau khi tỉnh Kon Tum được thành lập lại (8/1991), Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ VIII diễn ra từ ngày 17-19/3/1992, với sự tham dự của 118 đại biểu chính thức. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là chăm lo bồi dưỡng kiến thức chính trị – xã hội cho cán bộ, hội viên, phụ nữ; bảo vệ lợi ích phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác cán bộ và hậu phương quân đội; thực hiện tốt 2 cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” và “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em bỏ học”.

Công tác hội và phong trào phụ nữ đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét thông qua các hoạt động thiết thực, hiệu quả từ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “giúp nhau phát triển kinh tế”, “tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”… đến chung tay xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, tích cực khởi nghiệp, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Hiện nay, trọng tâm phong trào Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình 5 không 3 sạch gắn với thực hiện thắng lợi Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” càng có sức lan tỏa.   

Thanh Như


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/dong-gop-dang-tu-hao-38664.html