baokontum.com.vn
11/01/2024 14:06
Hiện nay, ngoài việc học chính khóa ở nhà trường, học thêm cũng là nhu cầu có thực của một bộ phận phụ huynh, học sinh nhằm giúp các em củng cố, mở rộng và nâng cao kiến thức. Tuy nhiên, làm thế nào để lành mạnh hóa công tác dạy thêm, học thêm, tránh tình trạng biến tướng, trái quy định là vấn đề luôn được dư luận quan tâm.
Những năm gần đây, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, việc tổ chức dạy và học được ngành Giáo dục thực hiện theo hướng phù hợp với phẩm chất và năng lực của học sinh, giảm áp lực kiểm tra, thi cử, tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, quan tâm nhiều hơn đến giáo dục đạo đức, giáo dục thể chất để học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Mặc dù chương trình học chính khóa đã được tinh giảm, thế nhưng, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn tồn tại, gây áp lực đối với một bộ phận học sinh và trở thành gánh nặng đối với không ít gia đình có con em đang ở độ tuổi đến trường. Điều này, khiến nhiều người dân băn khoăn, trăn trở và đã được đại biểu HĐND tỉnh nêu ra tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XII diễn ra đầu tháng 12/2023 vừa qua.
Việc nâng cao chất lượng dạy và học chính khóa là giải pháp quan trọng giúp giảm bớt việc học thêm. Ảnh: TH
Trước vấn đề này, đại diện Sở Giáo dục – Đào tạo, Giám đốc Phạm Thị Trung trao đổi, việc dạy thêm, học thêm chủ yếu xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu của học sinh với mong muốn học sinh có sự cải thiện tốt hơn về kết quả ở các môn học, trong đó, chủ yếu như Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 40 cơ sở giáo dục tổ chức dạy học tăng cường trong nhà trường. Cụ thể, cấp Tiểu học có 16 cơ sở, trong đó, huyện Đăk Hà có số lượng nhiều nhất với 10 cơ sở, tiếp đến là huyện Kon Rẫy có 3 cơ sở, huyện Ngọc Hồi có 2 cơ sở và thành phố Kon Tum có 1 cơ sở. Cấp Trung học cơ sở có 9 cơ sở, trong đó, tại huyện Đăk Hà có 5 cơ sở, thành phố Kon Tum có 2 cơ sở và huyện Ngọc Hồi có 2 cơ sở. Cấp Trung học phổ thông có 15 cơ sở, trong đó, tại thành phố Kon Tum có 8 cơ sở, huyện Đăk Hà có 2 cơ sở, các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy,Kon Rẫy, Kon Plông mỗi địa phương có 1 cơ sở.
Toàn tỉnh có 272 giáo viên bao gồm 92 giáo viên bậc Trung học cơ sở và 180 giáo viên bậc Trung học phổ thông dạy thêm bên ngoài nhà trường. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 17 trung tâm dạy ngoại ngữ, chủ yếu dạy Tiếng Anh tại thành phố Kon Tum (11 trung tâm), huyện Ngọc Hồi (3 trung tâm), huyện Đăk Hà (2 trung tâm) huyện Kon Plông (1 trung tâm) và 8 trung tâm giáo dục kỹ năng sống.
Theo quy định, giáo viên dạy thêm phải báo cáo thủ trưởng đơn vị về việc dạy thêm của cá nhân, chương trình dạy học và danh sách học sinh. Trong đó, giáo viên tuyệt đối không được dạy học sinh mà mình đã dạy tại các lớp chính khóa. Trong quá trình dạy đáp ứng các nhu cầu nguyện vọng đa dạng của người học.
Ngành Giáo dục thành phố Kon Tum quan tâm tổ chức các hoạt động trải nghiệm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Ảnh: TH
Để lành mạnh hóa công tác dạy thêm, học thêm, theo bà Phạm Thị Trung, thời gian qua, trên cơ sở các công văn chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn quản lý các hoạt động này. Trong đó, xác định các giải pháp về quản lý chương trình, nội dung dạy, trách nhiệm của hiệu trưởng trong việc quản lý giáo viên dạy thêm, học thêm bên ngoài nhà trường; trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi quản lý. Xây dựng kênh quản lý dạy học tăng cường và dạy thêm học thêm ngoài nhà trường cụ thể đến từng giáo viên, học sinh. Đồng thời, cung cấp đường dây nóng để nhận phản ảnh từ học sinh và cha mẹ học sinh và nhân dân. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc quản lý dạy học theo chương trình chính khóa của các nhà trường, việc dạy thêm bên ngoài nhà trường, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ và trung tâm giáo dục kỹ năng sống, qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý hành vi vi phạm theo quy định.
Theo đó, qua nắm bắt thông tin, dư luận về tình hình dạy thêm bên ngoài nhà trường của giáo viên tại Trường Trung học Phổ thông Quang Trung (huyện Sa Thầy), Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành kiểm tra, trên cơ sở đó đã tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của nhà trường và 8 giáo viên làm sai quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, trên thực tế, việc dạy thêm, học thêm vẫn còn những mặt hạn chế, gây phản ứng trong dư luận. Do đó, cùng với việc triển khai thực hiện tốt việc tổ chức dạy học theo phẩm chất và năng lực, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với 349 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở đề nghị chính quyền địa phương kiểm soát hoạt động dạy thêm, học thêm bên ngoài nhà trường trên địa bàn theo thẩm quyền; giám sát, kịp thời phát hiện các bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục ở từng địa phương. Ngoài ra, cha mẹ cần phối hợp tốt với nhà trường, giáo viên trong nắm bắt năng lực riêng của mỗi học sinh để có giải pháp giáo dục phù hợp, không đặt quá nhiều kỳ vọng vào điểm số gây áp lực và sức ép học thêm lên con em.
Khách quan nhìn nhận, việc dạy thêm, học thêm đúng bản chất, quy định, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập, củng cố, nâng cao kiến thức của học sinh và phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, để hoạt động này không trở thành vấn đề tiêu cực, cùng với việc tăng cường quản lý, giám sát của ngành chức năng, chính quyền địa phương, các phụ huynh và học sinh cũng cần xác định rõ nhu cầu học thêm, tránh tình trạng chạy theo số đông, học thêm một cách tràn lan.
Thiên Hương
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/de-lanh-manh-hoa-viec-hoc-them-day-them-36795.html