Đào tạo nghề – Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

29

baokontum.com.vn

21/04/2024 13:10

Giáo dục nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, nhằm hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Việt – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giao mục tiêu, nhiệm vụ và dự toán ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình MTQG cho các ngành, địa phương triển khai công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn triển khai thực hiện Tiểu dự án 3 – Dự án 5 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi.

154912C%C3%B4ng%20t%C3%A1c%20t%C6%B0%20v%E1%BA%A5n,%20h%C6%B0%E1%BB%9Bng%20nghi%E1%BB%87p%20ng%C3%A0y%20c%C3%A0ng%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20quan%20t%C3%A2m min

Công tác tư vấn, hướng nghiệp ngày càng được quan tâm. Ảnh: T.H

 

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 1 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (Trường Cao đẳng Kon Tum) đào tạo từ trình độ cao đẳng trở xuống; 3 cơ sở ngoài công lập đào tạo trình độ sơ cấp và 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cấp huyện có hoạt động đào tạo nghề trình độ sơ cấp. 

Chỉ tính trong 2 năm (2022-2023), các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh mới 14.878 người, cấp chứng chỉ/bằng tốt nghiệp cho 13.140 người; trong đó, có 60 người trình độ cao đẳng, 231 học sinh trung cấp và 12.849 người sơ cấp dưới 3 tháng. Theo kết quả khảo sát tình hình việc làm năm 2023 đối với 145 học sinh, sinh viên tốt nghiệp chính quy của 9 ngành, nghề trình độ cao đẳng và trung cấp năm 2022, có khoảng 87% học sinh, sinh viên có việc làm sau đào tạo, đa số làm công việc phù hợp với chuyên ngành, nghề đào tạo với thu nhập bình quân từ 4 – 6 triệu đồng/tháng. Đối với người lao động học nghề sơ cấp, phần đông sau tốt nghiệp tham gia làm việc tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ tại địa phương hoặc vận dụng kiến thức đã học vào phục vụ sản xuất, kinh doanh của gia đình, góp phần nâng cao năng suất lao động, cải thiện thu nhập.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Việt, dù đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, vướng mắc. Trên thực tế, một bộ phận người dân vẫn có tâm lý ngại đi học nghề; chưa nhận thức đúng về mục tiêu của việc học nghề nên chưa chủ động tìm hiểu, đăng ký học nghề. Chính sách đào tạo nghề còn những bất cập, nhất là, đào tạo nghề phi nông nghiệp có thời gian từ 3 tháng trở lên yêu cầu phải có thời gian học tập trung tại cơ sở giáo dục, trong khi người học chủ yếu là đồng bào DTTS, khó khăn về kinh tế, không có chi phí sinh hoạt để tham gia học tập trung nên không thu hút được người dân tham gia. Bên cạnh đó, sự phối hợp và liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, đánh giá, tuyển dụng lao động chưa chặt chẽ; giải quyết việc làm sau học nghề còn hạn chế.

154936c%E1%BA%A7n%20quan%20t%C3%A2m%20h%C6%A1n%20n%E1%BB%AFa%20%C4%91%E1%BA%BFn%20c%C3%B4ng%20t%C3%A1c%20%C4%91%C3%A0o%20t%E1%BA%A1o%20ngh%E1%BB%81%20cho%20lao%20%C4%91%E1%BB%99ng min

Cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nghề cho lao động. Ảnh: TH

 

Để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Văn Việt chia sẻ: Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người lao động, người có nhu cầu học nghề và nhân dân nắm bắt, hiểu rõ các chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề, nhất là những kế hoạch của tỉnh về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường bố trí nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo nghề cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo nghề cho người lao động. Phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố rà soát, nắm bắt sát nhu cầu học nghề của người lao động, hướng dẫn các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tăng cường đào tạo nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành. Đồng thời, triển khai liên kết, mở rộng quy mô đào tạo ra những ngành nghề mà địa phương có tiềm năng phát triển và phù hợp với định hướng phát triển.       

Thiên Hương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/dao-tao-nghe-giai-phap-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-40211.html