Đại học Đà Nẵng – khẳng định vị thế của Đại học vùng trọng điểm 

24

baotintuc.vn

Quá trình xây dựng và phát triển

Ngày 4/4/1994, Đại học Đà Nẵng được Chính phủ thành lập theo Nghị định số 32/CP; hợp thành từ một trường Đại học, một cơ sở giáo dục Đại học (cấp khoa), một trường Cao đẳng và một trường Công nhân kỹ thuật. Đến nay, Đại học Đà Nẵng đã trở thành một Đại học lớn, đa ngành, đa lĩnh vực; có 6 trường Đại học thành viên gồm: Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn; 6 đơn vị đào tạo trực thuộc là: Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh, Khoa Y-Dược, Khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Khoa Giáo dục Thể chất, Trung tâm Đào tạo Thường xuyên và các viện, khoa, trung tâm trực thuộc khác. 

Đại học Đà Nẵng có quy mô đào tạo thuộc top đầu cả nước với hơn 60.000 sinh viên và học viên sau Đại học, trong đó có gần 1.000 sinh viên quốc tế; có đủ hầu hết các ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và người học với 152 ngành, chuyên ngành Đại học, 44 ngành Thạc sĩ, 29 ngành Tiến sĩ. 

Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ cho hay, Đại học Đà Nẵng có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên được đi đào tạo ở nước ngoài, cùng với việc xây dựng môi trường làm việc dân chủ, nhân văn, sư phạm. Hiện nay, đơn vị không ngừng phát triển đội ngũ với gần 2.600 cán bộ, giảng viên (tăng 6 lần so với khi mới thành lập), giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên đạt gần 47% (riêng Trường Đại học Bách khoa là gần 75%).

Ông Nguyễn Ngọc Vũ nhận định, thành quả nổi bật của Đại học Đà Nẵng là có truyền thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cung ứng hàng chục vạn cán bộ, chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học, doanh nhân thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề then chốt, đóng góp tích cực để phát triển vùng và đất nước. Nhiều cựu sinh viên Đại học Đà Nẵng đảm nhận những vị trí chủ chốt trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, tham gia hầu khắp công trình, dự án lớn.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng chia sẻ, ngay những năm đầu mới thành lập, Đại học Đà Nẵng chủ động hợp tác với Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và các Đại học của Pháp (Đại học Toulouse, Đại học Paris 6, Viện Công nghệ Dầu và Khí Paris) mở Chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp (PFIEV). 

Đến nay, với chất lượng đào tạo đã kiểm định, đạt chuẩn quốc tế (CTI của châu Âu), các chương trình này cung ứng lực lượng lớn cán bộ, chuyên gia, kỹ sư phát triển ngành mũi nhọn như công nghệ dầu khí… Đây là tiền đề để Đại học Đà Nẵng tiếp tục hợp tác với nước ngoài mở chương trình đào tạo khác như FNEGE (đào tạo Thạc sĩ Quản trị kinh doanh); hợp tác với Đại học Nice (đào tạo Thạc sĩ Quản lý nguồn nước) và Đại học Liege (đào tạo về logistics). Qua đó, cung ứng nguồn nhân lực cho nhiều ngành then chốt như: Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin, Tài chính-ngân hàng…

Đại học Đà Nẵng chú trọng cập nhật nội dung, cải tiến chương trình đào tạo, áp dụng phương pháp dạy và học tiên tiến; nhạy bén trong việc mở nhiều ngành đào tạo mới phục vụ phát triển các ngành mũi nhọn, bắt nhịp cách mạng công nghiệp 4.0…

Xây dựng Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học Quốc gia

Đại học Đà Nẵng cùng các Đại học hàng đầu của Việt Nam tiên phong thành lập Liên minh các Đại học đào tạo nhân lực để phát triển công nghiệp chip bán dẫn. Ba trường Đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng có truyền thống, kinh nghiệm đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ (Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn) đều mở ngành Thiết kế vi mạch, tuyển sinh ngay trong năm 2024 với khoảng 200 chỉ tiêu. 

Các trường, đơn vị phối hợp chuyên gia đến từ các tập đoàn, tổ chức uy tín như Cadence, Tresemi (Silicon Valley), FPT, Synopsys… mở khóa bồi dưỡng ngắn hạn về chip bán dẫn cho sinh viên chuyên ngành gần; kịp thời đáp ứng nhu cầu nhân lực, sẵn sàng đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư, tham gia mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (Đại học Đà Nẵng) Huỳnh Công Pháp cho hay, Đại học Đà Nẵng chỉ đạo rất quyết liệt các trường Đại học thành viên triển khai đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn. Nhà trường tích cực triển khai nhiều hoạt động, tiên phong hoàn thành thủ tục và công bố tuyển sinh Kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn năm 2024, với tổng chỉ tiêu dự kiến đào tạo từ 600 – 1.000 kỹ sư đến năm 2028…

Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho hay, trong quá trình xây dựng và phát triển, chất lượng đào tạo được đơn vị coi trọng như sợi chỉ đỏ xuyên suốt vì mục tiêu phát triển bền vững. Đại học Đà Nẵng hiện thuộc top đầu các trường Đại học có nhiều chương trình đào tạo kiểm định quốc gia, quốc tế với 95 chương trình đào tạo. Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đạt chuẩn chất lượng quốc tế (HCERES châu Âu từ năm 2017 đến nay); 4 trường Đại học thành viên đạt chuẩn chất lượng quốc gia (từ năm 2016 đến nay). Hằng năm, Đại học Đà Nẵng thực hiện 200-250 đề tài, dự án khoa học công nghệ các cấp; doanh thu chuyển giao khoảng 30 tỷ đồng; công bố quốc tế hơn 500 bài báo trên tạp chí uy tín (WoS/Scopus). 

Đại học Đà Nẵng coi trọng gắn kết với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, hợp tác chặt chẽ cùng các địa phương trong nghiên cứu  xây dựng, phản biện chính sách; ký kết, triển khai hợp tác cùng Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia; tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế, quy tụ nhà khoa học, chuyên gia uy tín. 

Mạng lưới hợp tác quốc tế và hợp tác doanh nghiệp của Đại học Đà Nẵng ngày càng sâu rộng, hiệu quả với hơn 200 đối tác trong và ngoài nước; thành viên của các tổ chức quốc tế lớn như Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), mạng lưới Trường Đại học Đông Nam Á (AUN) và mới đây trở thành thành viên đầu tiên ngoài châu lục của Liên minh các Đại học châu Âu (ULYSSEUS)… 

Giám đốc Đại học Đà Nẵng khẳng định, bước vào giai đoạn phát triển mới, để đảm nhận sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong ba đột phá chiến lược phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chủ trương phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia được đưa vào Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. 

Theo lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, chủ trương phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia không phải là để thay đổi danh xưng, mà là cơ hội được hưởng cơ chế tự chủ Đại học cao nhất, đầu tư trọng tâm, trọng điểm nhằm đưa Đại học Đà Nẵng thực sự trở thành một trong ba trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước, có uy tín, vị thế trong khu vực, quốc tế. 

Để hiện thực khát vọng lớn, Đại học Đà Nẵng huy động mọi nguồn lực, tập trung thực hiện các Dự án Khu đô thị Đại học (tại Hòa Quý-Điện Ngọc), Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục Đại học (PHER)… Đây là cơ sở, tiền đề vững chắc để đơn vị tiếp tục nỗ lực lớn, quyết tâm cao, triển khai thành công Chiến lược phát triển Đại học Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, Nghị quyết của Đảng.


Nguồn bài viết:
https://baotintuc.vn/giao-duc/dai-hoc-da-nang-khang-dinh-vi-the-cua-dai-hoc-vung-trong-diem-20240401191939298.htm