laodong.vnNgười dân rủ nhau đem theo các can nhựa ra khe suối hứng nước rồi gánh đến tưới các luống sâm dưới tán rừng. Ảnh: Trang Anh
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum, tình trạng hạn hán, thiếu nước trên diện rộng sẽ diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5.2024. Tổng diện tích cây trồng dự kiến có nguy cơ bị khô hạn, thiếu nước trên 1.770ha.
Người dân Tu Mơ Rông đối diện với nguy cơ khô hạn kéo dài
Được xem là “thánh địa” sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum, huyện Tu Mơ Rông có tổng diện tích sâm trên địa bàn toàn huyện là 1.200ha. Trong đó người dân trồng gần 34ha và đang mở rộng diện tích trồng sâm tại các xã như Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây, Đăk Na…
Sâm Ngọc Linh thường được trồng dưới tán rừng, nơi có độ cao từ 1.500m trở lên so với mực nước biển. Những cánh rừng nguyên sinh vì thế được ví như một máy điều hòa giúp nhiệt độ, độ ẩm luôn giữ ở mức ổn định. Tuy nhiên việc biến đổi khí hậu trong nhiều năm qua, đặc biệt là tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô 2024 đang ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh trưởng của “quốc bảo”.
Theo ông A Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na – cho biết, những cánh rừng nguyên sinh đã điều hòa nhiệt độ, độ ẩm, tạo ra môi trường tốt cho cây sâm Ngọc Linh phát triển. Nhưng vài năm trở lại đây, thời tiết khô hạn hơn, từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau là mùa hạn, đất khô cằn. Đây là thời điểm cây sâm thiếu nước nên phải tưới để đảm bảo độ ẩm.
Cũng theo ông Dũng, mỗi khu vực sẽ có phương án tưới nước khác nhau. Đối với các khu vực gần suối thì tưới nước khoảng mỗi tháng một lần. Riêng với những khu vực có cây phân tán, đất khô cằn thì cần tưới nước nhiều hơn, mỗi tuần cần phải tưới từ 1 đến 2 lần. Vào khoảng tháng 12, người dân sẽ tiến hành đi thăm vườn để kiểm tra độ ẩm của đất. Đặc biệt, lượng nước tưới phải vừa đủ, không ít quá mà cũng không được nhiều quá. Vì nếu tưới đẫm, cây sâm có thể bị úng nước.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cũng cảnh báo về khả năng xuất hiện thời tiết nguy hiểm, nắng nóng có khả năng xuất hiện từ đầu tháng 3 năm 2024. Đây cũng là giai đoạn xảy ra khô hạn, thiếu nước, nắng nóng có xu hướng mở rộng trong tháng 4 và kéo dài đến tháng 5.
Tại các vườn sâm trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đều đang xảy ra tình trạng thiếu nước. Do đó mà ngay từ đầu mùa khô, người dân đã phải tiếp nước chống hạn cho sâm.
Cõng nước, băng rừng để bảo vệ “quốc bảo”
Sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn, người dân tại xã Măng Ri đang tất bật với công việc tưới sâm. Trên những cánh rừng, người dân rủ nhau đem theo các can nhựa ra khe suối hứng nước rồi gánh đến tưới các luống sâm dưới tán rừng. Ở một vài nơi khác, mọi người sử dụng ống nhựa để dẫn nước, lắp đặt hệ thống tưới phun sương đảm bảo cho cây sâm phát triển ổn định vào mùa khô.
Ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, cây sâm Ngọc Linh đang giúp cho người dân đồng bào Xơ Đăng trên địa bàn thay đổi nếp nghĩ, cách làm và vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, khoảng 2 đến 3 năm trở lại đây, biến đổi khí hậu khiến cho địa bàn thường xảy ra khô hạn.
“Để giúp bà con trồng sâm đạt hiệu quả cao, tránh bị c h ế t do thiếu nước mùa khô, huyện đã cử cán bộ hướng dẫn người dân cách tưới phù hợp và làm mái che nắng. Định kỳ, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ đi kiểm tra vườn sâm của bà con để có phương án tư vấn cho bà con cách phòng bệnh cho cây sâm” – ông Mạnh thông tin thêm.
UBND tỉnh Kon Tum cũng vừa ban hành Kế hoạch Phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trong đó thực hiện việc tưới nước luân phiên; thường xuyên theo dõi mực nước ở các hồ để chủ động phòng tránh, điều tiết nước hợp lý; quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới; thực hiện tưới khoa học, tưới từ khu xa đầu mối trước xong mới tưới khu gần đầu mối.
Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/xa-hoi/cong-nuoc-cuu-sam-1308507.ldo