Chuyện bây giờ mới kể về người tù cộng sản Ngô Đức Đệ

6

baokontum.com.vn

Nhiều năm gắn bó với công tác bảo tàng-di tích và lịch sử-văn hóa của tỉnh đã để lại cho chị Vũ Thị Mai – cán bộ hưu trí, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Kon Tum những kỷ niệm, dấu ấn không quên. Đáng nhớ nhất là chuyện về cụ Ngô Đức đệ – Người tù cộng sản, Bí thư chi bộ đầu tiên của tỉnh Kon Tum, bây giờ mới được trân trọng kể lại.

Cuối năm 1986, cô sinh viên trẻ tốt nghiệp Khoa Bảo tàng (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) rời quê nhà Nam Định, vào tỉnh Gia Lai- KonTum, nhận công tác tại Bảo tàng Kon Tum. Kiến thức quý báu cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ giúp chị say sưa với công việc mới mẻ liên quan đến mảnh đất và con người vùng Bắc Tây Nguyên.

Ngày 16/11/1988, Ngục Kon Tum được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhân dịp này, vào cuối năm, Thị ủy Kon Tum tổ chức buổi gặp mặt, nhằm tri ân công lao đóng góp của các vị lão thành cách mạng và chào mừng sự kiện. Vũ Thị Mai được giao nhiệm vụ liên lạc bằng thư tay để mời các cụ (Lê Văn Hiến, Ngô Đức Đệ, Hồng Sâm) vào tham dự. Sau đó, chị nhận được thư của cụ Đệ, gửi lời cảm ơn và cho biết rất vui mừng được vào thăm lại mảnh đất của ngục Kon Tum năm xưa. Tuy vậy, do bị ốm đột xuất, sức khỏe không đảm bảo, nên cụ đành lỡ hẹn, để lại nhiều tiếc nuối cho mọi người.

140318C%E1%BB%A5%20%C4%90%E1%BB%87%20 %20th%E1%BB%A9%204%20t%E1%BB%AB%20ph%E1%BA%A3i%20qua

Cụ Ngô Đức Đệ (đứng thứ tư từ phải sang) cùng các đồng chí lão thành cách mạng và cán bộ tỉnh Kon Tum. Ảnh tư liệu

 

Sau ngày tỉnh Kon Tum được thành lập lại, Tỉnh ủy Kon Tum chủ trương biên soạn Lịch sử Đảng bộ tỉnh, chị Mai có dịp giao những bức thư của cụ Đệ gửi trao đổi cho cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để tiện liên hệ thu thập tư liệu. Cụ viết ngắn gọn với nét chữ ngay ngắn, chuẩn đẹp.

Lịch sử cách mạng Việt Nam ghi nhận: Đồng chí Ngô Đức Đệ sinh năm 1905 trong một gia đình yêu nước ở xã Trảo Nha (nay là Đại Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt nam. Đầu tháng 1/1930, động chí bị thực dân Pháp bắt giữ tại Hà Tĩnh, bị giam ở nhà lao Hà Tĩnh và lao Vinh (Nghệ An ), đến tháng 6/1930, bị đày lên ngục Kon Tum. Tại ngục Kon Tum, đồng chí tích cực tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, ra sức vận động, cảm hóa, giác ngộ các cai, đội, binh lính. Ngày 25/9/1930, ngay tại phòng biệt giam, đồng chí Ngô Đức Đệ đã triệu tập cuộc họp bí mật, tuyên bố thành lập chi bộ đảng, lấy tên là “Chi bộ binh”. Chi bộ gồm 4 đảng viên, do đồng chí Đệ làm bí thư. 3 đảng viên còn lại gồm đội Thơ, cai Liễu, cai Cừ. Trong đó, đội Thơ (Huỳnh Đăng Thơ) – đội xếp được giao canh giữ tù chính trị Ngô Đức Đệ – là đảng viên người tại chỗ đầu tiên được đồng chí Ngô Đức Đệ cảm hóa, bồi dưỡng, kết nạp.

Lần đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, cụ Ngô Đức Đệ về thăm Kon Tum là vào cuối năm 1990 đầu năm 1991, nhân dịp cùng một số đồng chí lão thành cách mạng (nguyên là tù chính trị tại nhà tù Sơn La trước ngày Cách mạng Tháng Tám) có chuyến “về nguồn” vào thăm Buôn Ma Thuột – nơi có nhà lao mà cụ từng bị giam giữ sau thời gian bị giam cầm tại ngục Kon Tum. Trong thời gian 3 – 4 ngày cụ thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh và thị xã Kon Tum, nhiệt tình, nỗ lực trong công việc cũng như sự chân thành, thân thiết trong giao tiếp giữa cụ Ngô Đức Đệ và chị Mai đã trở thành biểu tượng đẹp của hai thế hệ. Mọi người thân mật gọi cụ là “ bố Mai” một cách gần gũi.

Năm 1997, chị Mai ra Hà Nội học cao học chuyên ngành bảo tàng nên có dịp đến thăm người tù cộng sản gắn bó với Kon Tum. Lần đầu, chị một mình đến thăm cụ ở số 21 Thụy Khuê. Sự giản dị, gần gũi của cụ khiến chị nhanh chóng qua đi cảm giác e dè, hồi hộp. Về món quà nhỏ là túi trái cây mà chị mang đến thăm, cụ ân cần bảo: “Đến thăm ông là vui rồi, chứ mua làm gì cho tốn kém. Giờ còn đang đi học, còn nhiều thứ phải lo…”. Cụ cảm động nhớ lại kỷ niệm những năm tháng ở ngục Kon Tum, cũng không quên dặn dò chị: “Đi lại phải cẩn thận nhé! Thành phố đông đúc, phức tạp chứ không như ở tỉnh đâu…”.

140401Ch%E1%BB%8B%20Mai

Chị Vũ Thị Mai (áo xanh) trong 1 lần gặp gỡ, thu thập tư liệu về tù chính trị Ngục Kon Tum. Ảnh: Vũ Mai

 

Năm 1997-1998 cũng là thời điểm tiến hành tôn tạo ngục Kon Tum. Anh em phát hiện một số vật dụng và cột gỗ lim trong khu vực di tích. Trong một lần trò chuyện, chị Mai được cụ Đệ cho biết đó chính là cây cột được anh em tù chính trị chôn xuống để làm dấu vị trí ngục. Có khi, trong lúc trò chuyện, cũng là để thu thập thêm tư liệu, chị Mai tranh thủ kê sổ lên chân để viết, song cụ bảo viết chữ thì không tùy tiện được, rồi nhắc chị ra bàn để ngồi viết cho cẩn thận.

Sau thời gian công tác ở các cơ quan Trung ương, năm 1970, cụ Ngô Đức Đệ nghỉ hưu. Trong căn nhà nhỏ của mình, cụ đóng kệ để trưng bày, lưu giữ các kỷ vật từ những nơi đã đến tham quan. Tay trái cụ bị thương tật do cai ngục nhà lao Kon Tum đánh bằng báng s ú n g trong thời gian bị cầm tù. Tuy vậy, để góp phần tôn tạo ngục Kon Tum, dù chỉ còn một tay, cụ vẫn cần mẫn mày mò, cùng với sự giúp đỡ của cháu nội, để dựng lại mô hình Nhà lao Kon Tum và góp phần hoàn thành xây dựng Nhà Truyền thống ngục Kon Tum.

Nhớ về người tù cộng sản kiên trung, người Bí thư chi bộ đầu tiên của Kon Tum, chị Vũ Thị Mai còn nhớ mãi một điều vô cùng ý nghĩa. Đó là, trong một lần ra Hà Nội tìm hiểu tư liệu lịch sử, chị đã may mắn tìm được tại Cục Lưu trữ A27 tư liệu về hồ sơ của những người ngã xuống tại Ngục Kon Tum trong cuộc đấu tranh lưu huyết. Dưới mỗi trang danh sách đều có dòng chú thích (bằng cả tiếng Pháp và tiếng Việt): “Chết trong cuộc bạo loạn tại nhà lao Kon Tum ngày 12/12/1931 do Ngô Đức Đệ cầm đầu”.

Nghe chị Mai kể về điều này, cụ Đệ chỉ cười hiền: “Vậy à? Nó ghi vậy à?!”…    

Thanh Như                                                  


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/chuyen-bay-gio-moi-ke-ve-nguoi-tu-cong-san-ngo-duc-de-43078.html