Chất lượng giáo dục mầm non không ngừng được nâng lên

6

baokontum.com.vn

Những năm học qua, chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên. Kết quả này có được là nhờ sự quan tâm của toàn xã hội và đặc biệt là sự nỗ lực của ngành Giáo dục và Đào tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bà Đinh Thị Lan- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Công tác đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị cho giáo dục mầm non luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh chú trọng thực hiện trong các năm học qua.

Riêng năm học 2023-2024, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tranh thủ nguồn lực của Trung ương, địa phương, nguồn xã hội hoá xây mới 35 phòng học, 7 bếp ăn, 8 phòng chức năng và 15 công trình khác phục vụ cho giáo dục mầm non với tổng kinh phí hơn 33,341 tỷ đồng. Đồng thời, sửa chữa 72 phòng học, 5 bếp, 6 phòng chức năng và 67 công trình khác với tổng kinh phí hơn 7,519 tỷ đồng. Nhờ đó, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu nuôi dạy trẻ mầm non trên địa bàn, hầu như không còn tình trạng phòng học tạm bợ tại các cơ sở giáo dục mầm non. Hiện nay, toàn tỉnh có 455 phòng học kiên cố và 1.195 phòng học bán kiên cố ở bậc học mầm non; chỉ còn 5 phòng học tạm, chiếm tỷ lệ 0,3%.

160339C%C3%B4ng%20t%C3%A1c%20ch%C4%83m%20s%C3%B3c,%20gi%C3%A1o%20d%E1%BB%A5c%20tr%E1%BA%BB%20%E1%BB%9F%20v%C3%B9ng%20%C4%91%E1%BB%93ng%20b%C3%A0o%20DTTS%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20ch%C3%BA%20tr%E1%BB%8Dng

Công tác chăm sóc, giáo dục trẻ ở vùng đồng bào DTTS được chú trọng. Ảnh: T.L

 

Cuối năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 134 cơ sở giáo dục mầm non; trong đó có 110 trường công lập và 24 trường ngoài công lập. Mạng lưới trường lớp được phân bố hợp lý ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn, qua đó đã huy động tốt tỷ lệ trẻ em đến lớp. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến lớp đạt 21,42% (tăng 1,92% so với năm học 2022-2023), tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đến lớp đạt 95,08% (tăng 0,56% so với năm học 2022-2023), tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng đã sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ các chương trình, đề án và nguồn lực xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi. Đồng thời, tổ chức cho giáo viên mầm non thi “Làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo cấp học mầm non” để bổ sung nguồn đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; vận động cha mẹ trẻ ủng hộ các nguyên vật liệu sẵn có từ địa phương để góp phần làm phong phú đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.

Các cơ sở giáo dục mầm non chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tiếp tục đưa nội dung Chuyên đề “Đẩy mạnh phòng, chống bạo hành trẻ” vào nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện hiệu quả việc “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ em làm trung tâm” gắn kết với các tiêu chí của chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”.

Các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh chú trọng tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non là con em đồng bào DTTS; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi vào lớp một.

Bữa ăn bán trú đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ tại Trường mầm non xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei. Ảnh: TL

 

Công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh được quan tâm và chú trọng. Toàn tỉnh có 38.072 trẻ mầm non được ăn bán trú tại trường, đạt tỷ lệ 96,80% đối với trẻ nhà trẻ và 92,57% đối với trẻ mẫu giáo. 100% trẻ đến trường được khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm học và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới. Các cơ sở giáo dục mầm non quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn tại trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và cân đối thành phần dinh dưỡng, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học.

Tính đến cuối năm học 2023-2024, trẻ nhà trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 187 em, chiếm tỷ lệ 3,61% (giảm 0,35% so với đầu năm học); thể thấp còi còn 282 em, chiếm tỷ lệ 5,44% (giảm 4,28% so với đầu năm học). Trẻ mẫu giáo suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 1.552 em, chiếm tỷ lệ 4,35% (giảm 4,12% so với đầu năm học); thể thấp còi còn 2.069 em, chiếm tỷ lệ 5,08% (giảm 4,89% so với đầu năm học).

Bà Đinh Thị Lan- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay: Trong năm học 2024-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội tại địa phương; tăng cường các giải pháp huy động trẻ đến trường; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ tại trường học. Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non; chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới. Bên cạnh đó, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách cho giáo viên, trẻ mầm non ở vùng khó khăn; ưu tiên quan tâm, chăm lo trẻ mầm non ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục tăng cường đầu tư và thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục mầm non để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, hướng đến thực hiện hiệu quả công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi.

Tấn Lộc


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/chat-luong-giao-duc-mam-non-khong-ngung-duoc-nang-len-43467.html