Câu chuyện bán gió, trăng làm giàu nền kinh tế

24

laodong.vnCâu chuyện bán gió, trăng làm giàu nền kinh tếRừng nguyên sinh ở huyện KonPlong, Kon Tum mang lại nhiều giá trị. Ảnh: Hà Nguyễn

Tiềm năng từ tự nhiên

Năm 2023, hàng loạt các địa phương khu vực Bắc Trung bộ đã nhận được hàng trăm tỉ đồng từ việc bán tín chỉ carbon từ rừng. Như vậy, việc “bán không khí” đã hiện thực hóa và mỗi năm các tỉnh có thêm nguồn thu khá lớn để tái đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, tái sinh rừng tự nhiên.

Tuy vậy, không khí, thực chất cũng không phải là “kho vô tận” của tự nhiên. Con người phải bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị của rừng thì mới bán được. Hàng trăm năm trước, tác giả Nguyễn Công Trứ đã viết “Của trời trăng gió kho vô tận” hay Hàn Mặc Tử có câu “Trời hỡi! Nhờ ai cho khỏi đói/ Gió trăng có sẵn làm sao ăn?…” Tưởng chừng đó chỉ là những câu thơ lãng mạn, mơ tưởng ở một cảnh giới khác. Đâu ngờ, bây giờ con người có thể bán cả gió, trăng để làm giàu cho cả nền kinh tế.

Chưa bao giờ ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch lại phát triển thần tốc như hiện nay. Riêng tại Việt Nam, hầu hết các tỉnh Tây Nguyên từ Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng và nhiều tỉnh thành ven biển miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển mạnh mẽ các dự án điện gió, điện mặt trời. Trong vài năm tới, việc “gom nắng, gió” này sẽ đóng góp phần quan trọng cho nền kinh tế các địa phương và cho cả quốc gia.

Tại Phú Yên, từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã đưa hoạt động chào cờ đầu năm mới và đón khách du lịch đầu tiên đến Mũi Đại Lãnh, Mũi Điện – Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên dải đất liền Việt Nam vào chương trình hoạt động quan trọng của ngành du lịch. Chương trình có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển Việt Nam, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các đơn vị kết nối du lịch Phú Yên cùng đông đảo ngư dân và du khách.

Bán cả gió trăng…

Tại Hội An, chính quyền đang nghiên cứu các điểm ngắm trăng trên đảo Cù Lao Chàm, để tạo ra một sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch. Du lịch thân thiện với môi trường, du lịch có trách nhiệm với cộng đồng đã trở thành xu thế mới. Đặc biệt sau đại dịch COVID-19, xu thế này đã phát triển rất mạnh mẽ.

Hiện các địa phương đang xây dựng công nghệ xanh, bao gồm các nguồn năng lượng mới và tái sinh, năng lượng có hàm lượng carbon thấp, quản lý nước công nghệ cao, ứng dụng công nghệ LED, hệ thống giao thông tiết kiệm năng lượng và thành phố xanh công nghệ cao. Công nghiệp công nghệ cao tập trung vào các lĩnh vực như kết hợp viễn thông, công nghệ thông tin, ứng dụng robot, vật liệu mới và công nghệ nano, dược phẩm sinh học, y học công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm có giá trị gia tăng cao… đang được ưu tiên kêu gọi đầu tư.

Vì vậy, việc gom gió, bán ánh trăng, tia nắng, không chỉ là câu thơ mơ mộng nữa, mà đã trở thành hiện thực sinh động, góp phần phát triển kinh tế, đồng thời giúp cộng đồng thay đổi hành vi ứng xử với môi trường. Góp phần cho thành công chiến lược phát triển xanh, bền vững mà Chính phủ đã đặt ra.


Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/xa-hoi/cau-chuyen-ban-gio-trang-lam-giau-nen-kinh-te-1298373.ldo