Bi hài bẫy vinh danh về làng

6

antg.cand.com.vn

Ai vinh danh, vinh danh ai?

Mặc dù đây là chiêu trò không hề mới, vì từng xảy ra ở một số nơi từ nhiều năm trước, đã có rất nhiều cảnh báo từ chính quyền địa phương, công an và các đơn vị chức năng nhưng thời gian gần đây, bẫy vinh danh lại tái diễn tại các làng quê, thôn xóm, nơi rẻo cao, ở cả TP Hồ Chí Minh, Bình Dương.  

h2.png -0
Một buổi tri ân khách hàng trá hình để lừa đảo các cụ già mua hàng.

Ông Phan Văn Tùng (65 tuổi, ngụ TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) chỉ đơn thuần là thợ làm gốm được hơn 30 năm nay. Bỗng một ngày đẹp trời, có hai người đi xe máy vào nhà ông giới thiệu bên tổ chức vinh danh của UNESCO, muốn làm bảng vàng nghệ nhân cho ông Tùng và hoàn toàn miễn phí. Nghe thấy không mất tiền thì ông Tùng đồng ý ngay và để cho họ chụp ảnh. Ngày hôm sau, hai người quay lại với tấm bằng vinh danh bé như bìa tập vở, bên trong ghi dòng chữ “Vinh danh đôi tay vàng nghệ nhân” kèm theo hình ảnh và tên tuổi của ông Tùng.

Màn trao vinh danh diễn ra chóng vánh, sau đó bên “tổ chức” đòi ông Tùng 800.000 đồng tiền bảng vinh danh. Ông Tùng ngơ ngác, hỏi sao hôm qua nói miễn phí? “Người của tổ chức” liền giải thích cặn kẽ cho khổ chủ hiểu: “Chúng tôi miễn phí chụp hình, rửa ảnh, còn khung hình và chi phí vinh danh chú phải gửi cho ban tổ chức. Ở đây nghệ nhân nào cũng làm như thế”. Không thể cãi lý được, ông Tùng cắn răng rút tiền ra chi trả.

Tấm bảng vinh danh bé tí, chẳng đáng để treo lên tường, ông Tùng đành mang vào phòng ngủ của mình treo ở đầu giường. Trong thời gian đó, ngoài ông Tùng còn có nhiều cụ ông, cụ bà là cựu chiến binh, hội phụ nữ đều dính bẫy vinh danh của nhóm người này. Nếu là cựu chiến binh thì nội dung vinh danh sẽ là 8 chữ vàng “Trung thành – Đoàn kết – Gương mẫu – Đổi mới”, còn là hội phụ nữ thì cũng có 8 chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”, là người cao tuổi thì “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”.

Tất cả các bảng vinh danh đều không có số hiệu, chữ ký và con dấu của bất cứ tổ chức nào. “Khi tôi lấy bảng vinh danh cho các anh chị ở làng nghề xem thì ai cũng nói tôi bị lừa. Đây thực chất là hoạt động mang tính thương mại nhằm mục đích kiếm tiền từ các tổ chức, cá nhân bên ngoài. Vì thế, giấy này không có giá trị. Tôi cảm thấy rất xấu hổ nên đã mang tấm bảng đi đốt bỏ”, ông Tùng kể lại câu chuyện về tấm bảng vinh danh của mình.

Bẵng đi thời gian, ông Tùng và những cụ ông khác đã quên chuyện vinh danh kia thì thời gian gần đây, lại xuất hiện nhóm người giới thiệu đến từ “công ty sao vàng S.B”. Công ty này chuyên đi tìm, phát hiện những cá nhân tiêu biểu có đóng góp cho cộng đồng xã hội để tôn vinh ra… Liên hợp quốc. Họ đến nhà ông Tùng, trình bày muốn tôn vinh ông vì sự nghiệp gốm sứ cả đời của ông. Khâu chụp ảnh cũng là miễn phí, nhưng khâu vinh danh, ghi tên vào bảng vàng thì tốn phí, giá là 500.000 đồng/ bảng vàng. Ông Tùng gọi ngay cho con gái đang công tác tại Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh tham khảo ý kiến. Cô con gái nắm thóp ngay phường lừa đảo, đã gọi cho chính quyền địa phương nhờ can thiệp. Thấy chuyện chẳng lành, nhóm người tìm cách tháo chạy.

“Đời tôi làm gốm chỉ là cái nghề, cần gì vinh danh. Lần trước là còn bỡ ngỡ nên bị lừa, sau đó tôi được con gái căn dặn tuyệt đối không tiếp đón người lạ đến nhà xưng tổ chức nọ, tập đoàn kia, nên lần này tránh được”, ông Tùng chia sẻ.

Len lỏi về làng quê

Chiêu bài bẫy vinh danh ở thành phố lớn hoặc vùng dân trí cao bị lộ, không còn đất sống, các đối tượng đã len lỏi tới các vùng quê xa xôi, vùng núi, tiếp cận người cao tuổi hòng tiếp tục móc túi. Sự việc xảy ra vào những ngày cuối tháng 9/2024 tại huyện Đăk Glei (Kon Tum) đang gây xôn xao cho người dân và chính quyền. Nhiều người rất bức xúc vì cha mẹ, người cao tuổi bị dụ dỗ làm bảng vinh danh.

Theo đó, thông qua sự giới thiệu của Hội Người cao tuổi huyện Đăk Glei, Công ty TNHH in ấn Anh Thi đến các thôn làng trên địa bàn mời người cao tuổi chụp ảnh làm bảng vinh danh. Ông A Đê (76 tuổi, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei) được gọi lên nhà văn hóa thôn họp vinh danh, tặng quà. Ông Đê ăn mặc tươm tất, được con cháu chở đi họp vì nghe nói có chụp ảnh làm thẻ hội viên. Tới nơi, ông được cho chụp ảnh, chụp thẻ căn cước và lấy thông tin cá nhân. Ông và con cháu không nghi ngờ gì vì trước đến nay người già ở địa phương làm thẻ hoặc phát giấy khen đều không phải đóng khoản phí nào.

Ít ngày sau, người ta gọi ông Đê lên hội trường thôn nhận bảng vinh danh và yêu cầu đóng 600.000 đồng. Nhiều cụ ông, cụ bà có vinh danh đều phải đóng giá đó. Bảng vinh danh to bằng bìa cuốn vở, được ép plastic, bên trong ghi dòng chữ “Phát huy truyền thống mười tám chữ vàng danh dự. Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Bảng vinh danh không có dấu mộc đỏ của cơ quan, tổ chức nào, chỉ đơn thuần là tờ giấy có in dòng chữ vinh danh. Nếu mua bên ngoài thì có giá chưa tới 10.000 đồng. Nhiều người cao tuổi hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng chi trả phải nhờ con cái đóng tiền thay, vì đã lỡ làm rồi, không thể bỏ được.

Là nạn nhân của bẫy vinh danh, bà Y Phiên (70 tuổi, xã Mường Hoong) còn bi đát hơn khi phải bán cả đàn gà mới đủ tiền làm vinh danh. “Bà tôi không hiểu biết, lỡ đăng ký, người ta cũng làm cho bà cái bảng rồi, bây giờ từ chối sao được, thế là phải lấy. Bà tôi cả đời làm nương rẫy, đến chữ còn không biết thì vinh danh để làm gì”, chị Y Vân, con gái của bà Y Phiên chia sẻ. 

Trong số nhiều cụ mắc bẫy vinh danh, cũng có cụ tỉnh táo nhận biết được ý đồ của việc vinh danh này nên không mất tiền oan. Đó là bà Y Chóc (62 tuổi, ngụ xã Đăk Pek), đã khôn khéo từ chối khi người của công ty ngỏ ý làm bảng vinh danh, dù lúc này họ chưa đề cập gì đến chuyện tiền nong. “Tôi đã từng bị lừa vinh danh như thế này cách đây 2 năm, giá vinh danh là 800.000 đồng. Lúc đó tôi không có tiền phải nhờ con cháu góp vào, cầm tấm bảng vinh danh chẳng để làm gì, rất lãng phí”, bà Y Chóc cho biết.

Ngay sau khi có dư luận tại địa phương, UBND huyện Đăk Glei đã có văn bản gửi các xã, thị trấn trên địa bàn về việc không cho phép Công ty TNHH in ấn Anh Thi tặng quà tri ân, làm bảng vinh danh và những việc có liên quan như làm sổ quản lý hội viên và vận động hội viên Hội Người cao tuổi chụp ảnh chân dung làm thẻ hội viên, bảng vinh danh hội viên có thu tiền. UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm thông báo đến những hội viên Hội Người cao tuổi trên địa bàn đã đăng ký các hoạt động trên không nhận và không thanh toán bất cứ khoản tiền nào đối với những sản phẩm mà công ty trên chuyển đến.

Câu chuyện không chỉ dừng ở việc bẫy các cụ làm bảng vinh danh tự phong như trên, mà còn đáng lo lắng ở chỗ người ta len lỏi vào các thôn làng như vậy mà không phải chịu sự quản lý, giám sát của chính quyền địa phương.

h3.png -0
Nhiều người già bị lừa mua các loại hàng gia dụng với giá “cắt cổ”.

Ông Phạm Khắc Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pek (huyện Đăk Glei) cho biết: “Người của công ty lợi dụng việc các cụ tuổi cao, nhận thức hạn chế nên dụ dỗ làm bảng vinh danh với giá cao. Ngay khi phát hiện vụ việc, chúng tôi đã yêu cầu công an vào cuộc ngăn chặn tình trạng này. Ngoài ra, xã cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đề cao cảnh giác đối với những người lạ đến địa bàn họp dân nhưng không thông qua chính quyền địa phương”.

Chiêu trò cũ, nạn nhân mới

Một hình thức tương tự nhằm vào các cụ già, chị em phụ nữ, người nội trợ là chiêu bài bốc thăm trúng thưởng, quay số nhận quà…, thực chất là trò “lùa gà” trục lợi. Đầu năm 2024, tại một căn nhà kín đáo ở TP Nha Trang, Khánh Hòa đã diễn ra chương trình bán hàng giá 0 đồng và trò chơi quay số trúng thưởng rất quy mô. Đối tượng được mời chủ yếu là các cụ già và bà mẹ bỉm sữa. Theo quy ước của chương trình, người mua chỉ cần bỏ tiền ra mua hàng là sẽ nhận được thẻ quà tặng. Thông qua những tấm thẻ quà tặng này, người bán sẽ hoàn lại hết số tiền mà người mua vừa bỏ ra. Nói một cách dễ hiểu, hàng hóa này đang được bán với giá 0 đồng.

Thời gian đầu, đối tượng liên tục hạ giá các sản phẩm bán để câu nhử các cụ mua. Có cụ chỉ bỏ ra 100.000 đồng mà ẵm về cả chiếc quạt máy có giá thị trường khoảng 1 triệu. Đã mua được giá rẻ, các cụ còn quay số trúng nồi, xoong. Ai cũng háo hức, tranh nhau mua và quay số. Khi lòng tin của người mua tăng cao, người bán mới đưa ra mồi nhử cuối cùng là sản phẩm nồi cơm điện có giá hơn 4,5 triệu đồng. Các cụ bỏ số tiền đó ra mua và được hứa sẽ hoàn lại ngay ở khâu bốc thăm trúng thưởng nên ai cũng tin và gom tiền đổ vào.

Bà Nguyễn Minh L. (65 tuổi, ngụ TP Nha Trang) kể lại: “Lúc đầu tôi mua được chiếc quạt máy to có giá 99 ngàn, được quay số trúng thêm ấm đun siêu tốc nữa nên rất ham. Sau khi nghe nồi cơm điện giá 4,5 triệu thì đúng là cao thật, nhưng người bán nói sẽ trả lại toàn bộ tiền ở phần sau, nghĩa là giá sản phẩm chỉ có giá 0 đồng. Ai ngờ, chúng nó lùa gà xong thì ôm tiền bỏ chạy”.

Sau buổi đi mua hàng giá 0 đồng, nhiều cụ ôm nồi cơm điện, bếp ga, ấm siêu tốc về nhà mà mặt méo như khóc, uất ức không thốt nên lời. “Có cụ vét hết lương hưu của tháng để chơi trò này, cuối cùng được bếp ga giá khoảng 700.000 đồng. Lại có cụ giật nóng bên ngoài, vì tin lời hứa sẽ được hoàn lại tiền, cuối cùng, mất mấy triệu bạc mà thu về mỗi bộ ấm chén giá vài trăm ngàn”, bà Nguyễn Minh L. bức xúc cho biết.

h1.jpg -0
Bảng vinh danh bé bằng bìa cuốn vở, không đóng dấu của bất cứ tổ chức nào.

Sau sự việc xảy ra, các cụ bị con cháu, người thân trách nên càng buồn và xấu hổ. “Chúng ta không nên quá phán xét hay dùng những lời lẽ cay nghiệt đối với những người được coi là nạn nhân trong câu chuyện này. Người già mang tiếng từng trải nhưng bây giờ xã hội hiện đại, muôn biến vạn hóa bên ngoài, người già nhất là ở các vùng nông thôn, vùng núi đôi khi tụt lại phía sau, lạc hậu với thời đại nên gặp những trường hợp lừa đảo thế này, không thể phân biệt thật giả mà tránh.

Mặt khác, khi đối tượng đã nhắm đến những con mồi để lừa đảo thì việc tỉnh táo nhận biết được những chiêu trò và tránh xa mọi cạm bẫy không phải là việc dễ làm. Thay vào đó, gia đình, cộng đồng cần thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin về các chiêu trò lừa đảo để người già nhận biết, đề phòng. Các cơ quan chức năng cần tổ chức các buổi tuyên truyền, hội thảo để hướng dẫn người già về cách bảo vệ bản thân trước các mối đe dọa. Sự quan tâm, bảo vệ của gia đình là yếu tố quan trọng giúp người già tránh được các rủi ro”, luật sư Nguyễn Thanh Biên (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) phân tích và chia sẻ.


Nguồn bài viết:
https://antg.cand.com.vn/Ho-so-Interpol/bi-hai-bay-vinh-danh-ve-lang-i746588/