Bản tin 5/2: Cảnh báo ngộ độc rượu cận Tết

18

www.nguoiduatin.vn

Kiểm tra công tác tổ chức cán bộ với cơ sở giáo dục

Xã hội - Bản tin 5/2: Cảnh báo ngộ độc rượu cận Tết
Ảnh minh họa.

Theo Đài PTTH Hà Nội Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa có kế hoạch kiểm tra công tác tổ chức cán bộ đối với các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc năm 2024 kể từ tháng 2-11/2024.

Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ kiểm tra các nhà trường về công tác quản lý, chỉ đạo; quy hoạch, bổ nhiệm; kiểm tra công tác quản lý biên chế; tuyển dụng, quản lý sử dụng viên chức, thực hiện chế độ chính sách và các quy định của cấp trên đối với viên chức. Ngoài ra, đơn vị sẽ kiểm tra về quy trình xây dựng quy hoạch; danh sách cán bộ, giáo viên quy hoạch cũng như quy trình thực hiện bổ nhiệm các chức vụ trong trường học như: Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng; Tổ trưởng tổ chuyên môn…

Đoàn cũng sẽ kiểm tra cả số lượng biên chế được giao và thực trạng đội ngũ tại đơn vị, cân đối thừa thiếu. Số lượng người hợp đồng lao động, thỉnh giảng hiện tại.

Đặc biệt, ở phần tuyển dụng, quản lý sử dụng viên chức và thực hiện chế độ, chính sách, các quy định của cấp trên đối với viên chức sẽ được Sở GD&ĐT Hà Nội kiểm tra nhiều nội dung liên quan.

Mục đích là hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng, triển khai, thực hiện tốt các kế hoạch, hướng dẫn của Sở GD&ĐT cũng như cơ quan Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ; thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quản lý.

Cảnh báo ngộ độc rượu cận Tết

Xã hội - Bản tin 5/2: Cảnh báo ngộ độc rượu cận Tết (Hình 2).
Bệnh nhân được điều trị tại viện.

Trao đổi với VTC News TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, dù đã cảnh báo rất nhiều, song số lượng người bị ngộ độc rượu vẫn có xu hướng gia tăng vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu ăn uống, liên hoan có sử dụng rượu, bia của người dân gia tăng.

Đa số các trường hợp ngộ độc rượu là do uống phải rượu trắng “3 không”: Không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần.

Với rượu thông thường (Ethanol) khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa, đào thải nhanh, tuy nhiên, với rượu dỏm pha chế bằng cồn công nghiệp (Methanol) lại có tốc độ chuyển hóa, đào thải rất chậm. Có khi tới 7-8 ngày sau uống, chất này vẫn có thể còn tồn tại trong máu.

Methanol khi vào người được cơ thể chuyển thành Axit Formic, là chất độc hơn Methanol rất nhiều, gây tổn thương mắt, thần kinh. Đặc biệt, trong những dịp lễ Tết, người dân có thể uống nhiều loại rượu khác nhau nên càng làm quá trình chuyển hóa Methanol chậm hơn. Vì vậy, có trường hợp nhiều ngày sau khi uống rượu mới có biểu hiện mắt mờ, ngộ độc.

Khi bị ngộ độc rượu, trong khoảng 12 – 24 giờ sau khi uống, người uống thường cảm thấy chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng. Tình trạng nặng hơn sẽ dẫn đến các triệu chứng kích thích thần kinh, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp, thậm chí là hôn mê sâu.

Người uống rượu bị cảm giác no giả, nên trong quá trình uống rượu mà không ăn dẫn đến bị hạ đường huyết. Có trường hợp uống liên tục vài ngày, uống quá nhiều tới khi nguy kịch mới vào viện thì để lại di chứng rất nặng nề, đặc biệt là di chứng não.

Uống quá nhiều rượu còn gây ra các bệnh như viêm tụy cấp, suy gan, cơ tim giãn, teo não, rối loạn tâm thần, thiếu máu, suy tủy. Đặc biệt, người uống phải rượu pha cồn công nghiệp còn có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, cách tốt nhất để tránh nguy cơ ngộ độc rượu là không uống rượu, đặc biệt là các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, trong trường hợp gia đình có người uống rượu cần nhắc họ ăn thêm tinh bột hoặc uống thêm nước trái cây, uống sữa, nước canh, nước cháo loãng… để bù năng lượng cho cơ thể.

Hiện trên thị trường có các loại thuốc giải rượu nhưng đa số không có tác dụng trong việc chống say, giải rượu như quảng cáo. Vì vậy người dân không lạm dụng rượu bia, nhất là trong thời điểm cận Tết.

Chuyên gia lưu ý, những người uống rượu cần được theo dõi để phát hiện sớm các dấu hiệu ngộ độc như: Nói khó khăn, không thể tự đi lại, lơ mơ, thở khò khè, chậm chạp, lờ đờ, ngồi một chỗ, co giật, nôn nhiều lần, đau đầu để đưa đến cơ sở y tế cấp cứu, điều trị kịp thời.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo, người dân không nên lạm dụng rượu bia, nếu uống thì cần tránh uống vượt ngưỡng chịu đựng của cơ thể. Cụ thể, nam giới không uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới không uống quá 2 đơn vị rượu/ngày, nếu uống quá mức này được coi là lạm dụng rượu.

Trong đó, 1 đơn vị rượu tương đương với: 1 lon bia 270 – 330ml nồng độ 2 – 12 độ; 1 chén rượu vang 125ml nồng độ 9 – 18 độ hoặc 1 chén rượu mạnh 40ml nồng độ 40 độ.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

Đặc biệt, người dân không nên uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Vì sao xe khách chở 37 người bị lật trên đường Hồ Chí Minh?

Xã hội - Bản tin 5/2: Cảnh báo ngộ độc rượu cận Tết (Hình 3).
Xe khách bị hư hỏng nặng sau vụ tai nạn.

Thông tin trên VOV, liên quan đến vụ lật xe khách trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum xảy ra vào đêm và rạng sáng 4/2, thông tin từ Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Kon Tum cho biết đã sơ bộ xác định được nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Kon Tum, nguyên nhân sơ bộ ban đầu xác định do lái xe Phan Nhật, 34 tuổi, trú tại xã Ea Tóh, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lắk trong quá trình điều khiển xe khách lưu thông trên đường Hồ Chí Minh hướng Bắc- Nam, đoạn qua thôn Đăk Gô, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei đã không làm chủ tốc độ, không giảm tốc độ khi qua đoạn đường cong cua, xe mất lái tự gây tai nạn lật xuống hố sâu khoảng 20m.

Tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn trên xe khách biển kiểm soát 47B- 005.29 chở 32 hành khách và 5 người của nhà xe. Rất may vụ tai nạn chỉ khiến 3 người bị thương nhẹ Thượng tá Nguyễn Xuân Hướng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Kon Tum, cho biết tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đăk Glei tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, dịp Tết Nguyên đán năm nay đơn vị cũng đã tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát và hướng dẫn giao thông, nhất là trên cung đèo Lò Xo, nơi đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn xe khách đặc biệt nghiêm trọng:

“Tại tuyến đường đèo Lò Xo, chúng tôi tổ chức bố trí một tổ công tác thường trực 24/24 để vừa làm công tác xử lý vi phạm, vừa làm công tác tuyên truyền, hướng dẫn đối với các phương tiện, đặc biệt là những phương tiện ở các địa phương khác khi đi qua tuyến đường đèo này. Và đặc biệt là đi qua vào những giờ ban đêm gần về sáng tại vì giờ này lái xe đi đường dài đến lúc đó hoặc chủ quan rất dễ vi phạm trật tự an toàn giao thông hoặc là buồn ngủ có thể gây ra tai nạn”, Thượng tá Nguyễn Xuân Hướng cho biết thêm.

Trúc Chi (t/h)


Nguồn bài viết:
https://www.nguoiduatin.vn/ban-tin-52-canh-bao-ngo-doc-ruou-can-tet-a648780.html