Bản tin 4/9: Bộ GD&ĐT yêu cầu không sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn cho trẻ mầm non

6

www.nguoiduatin.vn
Bộ GD&ĐT yêu cầu không sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn cho trẻ mầm nonBản tin 4/9: Bộ GD&ĐT yêu cầu không sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn cho trẻ mầm non- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Năm học 2023-2024 đã từng xảy ra sự việc đau lòng đó là xe đưa đón của một cơ sở giáo dục mầm non ở Thái Bình bỏ quên trẻ trên xe đưa đón dẫn đến tử vong. Một số sở giáo dục mầm non ở các địa phương cũng đã để xảy ra tình trạng trẻ bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn bán trú. Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu trong năm học mới, các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm công tác bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em; đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non,chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm thực hiện Chương trình mới.

Về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc sức khoẻ trẻ em ở các cơ sở giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT yêu cầu đảm bảo 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khoẻ và đánh giá tình trạng dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh.

Thực hiện nghiêm công tác tổ chức nuôi dưỡng theo quy định về số bữa ăn, nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị, phân bố bữa ăn phù hợp.

Bên cạnh đó cần phối hợp với ngành Y tế đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định, tuyệt đối không thực hiện hợp đồng dịch vụ cung cấp suất ăn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non. Thay vào đó, bữa ăn phải được nấu ấm nóng tại trường, đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm.

Để đảm bảo nội dung trên, Bộ cũng yêu cầu trường học phải tăng cường điều kiện tổ chức bữa ăn cho trẻ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và sự tham gia giám sát của Ban đại diện cha mẹ trẻ em trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn và an toàn thực phẩm, kịp thời chấn chỉnh xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác tổ chức bữa ăn, theo Tiền Phong.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường mầm non, cơ sở mầm non có biện pháp bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ em.

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu tăng cường quán triệt và thực hiện nghiêm quy định về công tác phòng chống bạo hành trẻ em, bảo đảm an toàn trường học; triển khai thực hiện quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục.

Đối với các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức dịch vụ đưa đón trẻ em bằng xe ô tô phải tuân thủ nghiêm quy định pháp luật hiện hành, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuyệt đối đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Tăng cường lồng ghép, tích hợp hiệu quả trong tổ chức bồi dưỡng chuyên môn kiến thức pháp luật liên quan công tác bảo đảm an toàn cho trẻ; chú trọng công tác tự kiểm tra, đánh giá tiêu chuẩn về an toàn nhằm phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục kịp thời các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ em, nhất là tại các các cơ sở giáo dục mầm non, nhóm, lớp độc lập dân lập và tư thục.

Các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn cho trẻ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bốn ngày nghỉ lễ 124 người tử vong, 193 người bị thương vì tai nạn giao thôngBản tin 4/9: Bộ GD&ĐT yêu cầu không sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn cho trẻ mầm non- Ảnh 2.

Số vụ tai nạn giao thông dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2024 giảm so với năm 2023. Ảnh: Báo Quân Đội Nhân Dân.

Theo Cục CSGT, Bộ Công an, toàn quốc đã xảy ra 257 vụ tai nạn giao thông làm tử vong 124 người, bị thương 193 người trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 (từ 31/8 đến 3/9)

Theo Cục CSGT, so với cùng kỳ năm 2023, số vụ tai nạn giao thông năm nay giảm 28 vụ và giảm 36 người tử vong.

Đáng chú ý trong 4 ngày nghỉ lễ, CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 60.300 trường hợp vi phạm, gồm hơn 16.400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; hơn 14.400 trường hợp vi phạm tốc độ; 474 trường hợp chở hàng quá tải trọng; 64 trường hợp vi phạm về ma túy.

Đặc biệt, thông tin thêm về kết quả tuần tra, kiểm soát liên tuyến quốc lộ 1A mà CSGT sử dụng App VNeCSGT, nhà chức trách cho biết từ ngày 31/8 đến 3/9, trên tuyến xảy ra 20 vụ tai nạn làm 7 người tử vong, 18 người bị thương.

CSGT đã bố trí 734 ca làm việc, kiểm soát 48.679 phương tiện (trong đó có 5.243 xe khách, 7.514 xe tải, 12.074 xe con, 1.105 xe container, 23.000 xe máy, 103 phương tiện khác). Qua đó, CSGT phát hiện, lập biên bản xử lý hơn 7.500 trường hợp vi phạm.

Tổng số tiền phạt ước tính hơn 14,6 tỷ đồng. CSGT cũng tước giấy phép lái xe hơn 1.500 trường hợp, tạm giữ 1.496 phương tiện. “Trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh, tình hình giao thông cơ bản được đảm bảo. Ngày đầu nghỉ lễ, do người dân di chuyển về quê và ngược lại tăng cao, Cục CSGT và CSGT các địa phương đã tổ chức phối hợp, phân luồng, điều tiết giao thông nên tình hình giao thông ổn định”, Cục CSGT thông tin.

“Bùng nổ” du lịch dịp đại lễ 2/9Bản tin 4/9: Bộ GD&ĐT yêu cầu không sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn cho trẻ mầm non- Ảnh 3.

Đà Nẵng bội thu du lịch dịp đại lễ 2/9.

Những ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, tại nhiều khu di tích, điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước đã đón lượng khách tham quan khá đông, trong đó có cả du khách quốc tế.

Cụ thể, trong 4 ngày nghỉ lễ 2/9, khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa đạt 578.219 lượt, tổng doanh thu của hoạt động du lịch hơn 756 tỷ đồng. Còn ở thị trấn Măng Đen, Kon Plông, Kon Tum, lượng khách đông vượt dự đoán.

Theo công bố ngày 3/9 của Sở Du lịch Tp.HCM, khách quốc tế đến Tp.HCM trong dịp lễ 2/9 năm nay đạt khoảng 38.800 lượt, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2023. Khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú đạt khoảng 214.630 lượt, tăng 32,5 % so với cùng kỳ năm trước.

Công suất phòng đạt khoảng 85% (tăng 6,3%). Còn khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí đạt khoảng 980.000 lượt (tăng 2%). Khách du lịch nội địa đến TP Hồ Chí Minh đạt khoảng 425.000 lượt, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý doanh thu du lịch trên địa bàn Tp.HCM trong dịp 2/9 năm nay đạt 2.940 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó tại Đà Lạt, Lâm Đồng, theo thống kê của UBND thành phố Đà Lạt, khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng ở đây dịp này ước đạt khoảng 100.000 lượt, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 7.200 lượt, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.

Dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm 2024 đã chứng kiến sự bùng nổ ấn tượng về lượng khách du lịch đến thành phố Đà Nẵng. Tổng thu từ du lịch trong dịp lễ này đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 33,8% so với năm 2023.

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, những ngày qua, các điểm du lịch nổi tiếng tại thành phố Đà Nẵng luôn đông đúc du khách. Bãi biển Mỹ Khê, một trong những bãi biển đẹp nhất của thành phố, đã chứng kiến lượng khách rất lớn.

Sự đông đúc và tấp nập của lượng khách không chỉ là dấu hiệu cho thấy sức hấp dẫn của thành phố Đà Nẵng mà còn thể hiện sự chuẩn bị chu đáo của ngành du lịch địa phương. Các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống và phương tiện vận chuyển đều hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Đại diện Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho hay, tổng lượng khách tham quan và du lịch trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày (từ 31/8 đến 3/9) đạt gần 308.000 lượt, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách nội địa chiếm khoảng 217.000 lượt (tăng 23,8%), trong khi khách quốc tế đạt khoảng 91.000 lượt (tăng 15,3%). Tổng thu từ du lịch trong dịp lễ này đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 33,8% so với năm 2023.

Xem thêm!

Trúc Chi (t/h)


Nguồn bài viết:
https://www.nguoiduatin.vn/ban-tin-4-9-bo-gddt-yeu-cau-khong-su-dung-dich-vu-cung-cap-suat-an-cho-tre-mam-non-204240903175804224.htm