baokontum.com.vn
Ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ và trình bày “những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ cấp bách hơn cả cần giải quyết đầu tiên chính là nạn đói. 79 năm trôi qua, từ chỗ giải quyết nạn đói là 1 trong 6 vấn đề cấp bách hơn cả, thì nay người dân trong cả nước nói chung, người dân Kon Tum nói riêng không chỉ thoát đói mà còn vươn lên có cuộc sống ấm no, đủ đầy từ việc sản xuất các loại cây lương thực ngay trên đồng đất quê hương.
“Giải quyết nạn đói bằng việc phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và đề nghị mười ngày một lần, tất cả đồng bào ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo” là vấn đề đầu tiên trong 6 vấn đề cấp bách hơn cả đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Nhắc lại vấn đề cấp bách của 79 năm trước, nhắc lại câu chuyện có đến gần 2 triệu người c h ế t đói ngay trên bờ xôi ruộng mật của mình ngày đó để càng cảm phục, càng nhận rõ chân giá trị về thành quả khi bưng những “bát cơm đầy” của ngày hôm nay.
Từ thảm cảnh không thể nào quên được với gần 2 triệu người c h ế t đói, và nạn đói được Bác Hồ xem là một loại “giặc” cần phải tiêu diệt, thì sau 79 năm đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do, nước ta không chỉ diệt được “giặc đói” từ mấy chục năm về trước mà còn trở thành nước hàng đầu về xuất gạo trên thế giới.
Sắc màu no ấm của ruộng lúa bậc thang dưới chân núi Ngọc Linh. Ảnh: N.P
Từ những người cách đây 79 năm mới 4,5 tuổi, những người sinh ra, lớn lên trong kháng chiến chống Mỹ và cả những người đang ở lứa tuổi trung niên, thanh thiếu niên lớn lên sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất khi “bưng bát cơm đầy” dẻo thơm, ngọt ngào đều không khỏi bồi hồi xúc động, biết ơn xen lẫn tự hào mà bảo rằng, không có cách mạng chắc chắn không thể có được cuộc sống no đủ ngày hôm nay.
Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh và trong trí nhớ của những bậc cao niên, dù không nằm trong số các địa phương (tính từ Quảng Trị trở ra phía Bắc) chịu nạn đói khủng khiếp ngày ấy nhưng Kon Tum trong thời điểm đó cũng chẳng khả quan hơn. Là tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn nên những ngày đói cơm lạt muối, những bữa ăn lấy rau rừng, măng rừng mà thay cơm, rồi tình trạng đói vào những ngày giáp hạt, đói khi thiên tai, mất mùa… còn kéo dài trong nhiều năm sau đó.
Không chỉ quyết tâm diệt “giặc đói”, không chỉ “ăn no” mà còn phải “ăn ngon” và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, suốt nhiều năm qua, tỉnh đã tập trung phát huy lợi thế của một tỉnh nông nghiệp, chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng và sản lượng các loại cây lương thực như lúa, khoai, ngô, sắn. Nhiều mô hình trình diễn đưa các loại giống lúa mới như RVT, HT9, Nàng hoa 9, ST 25, ST 24; các giống bắp mới như nếp nù, VN2, VN6, CP989, CP 999, C919, LVN61; các giống mì mới như KM 140, KM 97 vào đồng đất Kon Tum và phát huy được hiệu quả, nâng cao năng suất trên một đơn vị diện tích.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có những vùng đất như Đoàn Kết (thành phố Kon Tum), Diên Bình (Đăk Tô), Đăk La (Đăk Hà) trở thành vựa lúa của tỉnh. Gạo Kon Tum chất lượng chẳng kém thua gì so với gạo ở các vựa lúa khác trong cả nước; sản lượng đạt lại cao.
Mô hình trồng khoai lang Nhật cho năng suất cao ở thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Ảnh: N.P
Không chỉ đưa các giống mới vào sản xuất, ngành Nông nghiệp và các địa phương còn đưa các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, hướng đến sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe con người. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và xây dựng các mô hình điểm nhằm thay đổi thói quen canh tác một vụ của người dân (trên địa bàn tỉnh có gần 3.300 ha lúa chỉ canh tác một vụ, tập trung ở các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông) để chuyển sang canh tác hai vụ, không để lãng phí tài nguyên đất, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.
Năng suất thu được trên cùng một đơn vị diện tích ngày càng cao, người dân không còn phải chịu cảnh đói ăn vì thiếu lúa gạo và các loại lương thực khác. Cây lúa, cây mì, cây bắp không chỉ phục vụ cho bữa ăn hằng ngày mà còn mang lại giá trị kinh tế, phục vụ chăn nuôi và chế biến các sản phẩm khác. Nhờ vậy mà không chỉ vượt qua đói, qua nghèo, ngày hôm nay, không ít nông dân trên địa bàn tỉnh còn vươn lên khá, giàu khi thâm canh các loại cây lương thực giỏi.
Để đuổi cái đói, cái nghèo, cùng với áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng gia sản xuất, người dân trên địa bàn tỉnh còn nêu cao tinh thần tiết kiệm lương thực, nhường cơm sẻ áo cho những mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ. Những mô hình như “Hũ gạo tiết kiệm, “Hũ gạo tình thương” được triển khai rộng khắp trong tỉnh đã giúp cho nhiều gia đình vượt qua cảnh bữa đói, bữa no, vươn lên trong cuộc sống.
Chúng ta hôm nay được đủ đầy trên cánh đồng độc lập, tự do càng nhận thức rõ hơn về sự kiên cường, bất khuất của cha ông, càng hiểu hơn giá trị của hòa bình đang thụ hưởng, càng thấm hiểu nỗi nhọc nhằn và sự nỗ lực cho cuộc sống ấm no, đủ đầy mà cha ông xưa gửi gắm qua câu ca dao: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.
Và tất nhiên, với thành quả đã đạt được, “giặc đói” đã đẩy lùi từ lâu, nhưng cái nghèo thì vẫn còn lẩn quất đâu đó trong một số gia đình. Quyết tâm nâng cao mức sống cho người dân, tỉnh ta luôn tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng năng suất, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3-4%/năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Nguyên Phúc
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/ai-oi-bung-bat-com-day-42662.html