Văn hóa người dân tộc Brâu được giữ gìn thông qua đội cồng chiêng nhí

6

laodong.vnVăn hóa người dân tộc Brâu được giữ gìn thông qua đội cồng chiêng nhíĐội cồng chiêng nhí đã vinh dự được tham gia biểu diễn tại các sự kiện lớn của tỉnh và huyện. Ảnh: Lê Nguyên

Những ngày đầu chập chững của đội cồng chiêng nhí

Anh Thao Tôra – cán bộ phụ trách văn hóa, xã hội xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) cho biết, thực hiện chủ trương giữ gìn, phát huy nét đặc sắc văn hóa cồng chiêng dân tộc Brâu cho các thế hệ trẻ của địa phương, cách đây hơn một năm trước, anh cùng già làng và trưởng thôn Đăk Mế đã tiến hành vận động các em nhỏ trong làng tham gia vào Đội cồng chiêng nhí làng Đăk Mế. Tuy nhiên, việc vận động và hỗ trợ các em để duy trì lớp học thường xuyên cực kỳ khó khăn.

Anh đã phải đến từng nhà, thuyết phục từng phụ huynh để tác động giúp các em tham gia vào lớp học cồng chiêng, múa xoang. Nhờ sự kiên trì, tận tâm của anh và ban quản lý làng nên chỉ trong thời gian ngắn Đội cồng chiêng nhí làng Đăk Mế được thành lập. Cứ đều đặn ngày thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, 40 thành viên của Đội cồng chiêng nhí tập trung tại Nhà văn hóa Đăk Mế luyện tập.

Nghệ nhân A Mưu (63 tuổi, dân tộc Brâu, làng Đăk Mế) là người trực tiếp dạy cho Đội cồng chiêng nhí. Mặc dù vất vả, nhưng nghệ nhân A Mưu vẫn kiên nhẫn chỉ bảo, sửa từng động tác nhỏ, nhịp gõ cho từng em. Đồng thời thường xuyên động viên các em luyện tập, giải thích để các em trong đội hiểu hơn về diễn tấu cồng chiêng, về các động tác múa xoang.

“Trong cồng chiêng, kỹ năng quan trọng đầu tiên là dạy các cháu cách cầm dùi gõ vào chiêng, cách cầm chiêng sao cho khoảng cách từ dây cầm tới chiêng phải phù hợp, lực gõ phải vừa vặn để tạo ra những âm thanh trầm bổng, ngân vàng. Khi các cháu nắm vững kỹ thuật căn bản thì các động tác gõ vào chiêng sẽ tạo ra những âm thanh thấp cao, những nốt nhạc có độ chính xác cao” – nghệ nhân A Mưu chia sẻ.

Biểu diễn tại các sự kiện lớn của tỉnh

Đến nay cứ mỗi dịp liên hoan, hội thi, hội diễn thì Đội cồng chiêng nhí làng Đăk Mế lại đóng góp nhiều tiết mục đặc sắc, thuần thục không thua kém gì những đội cồng chiêng của người lớn.

Em Hà Anh Tuấn (11 tuổi, dân tộc Brâu, làng Đăk Mế) – Thành viên của Đội cồng chiêng nhí làng Đăk Mế háo hức nói: “Hiện em có thể đánh các bài như Mừng lúa mới, bài Ru con và thường xuyên diễn tại lễ hội của làng”.

Trong 1 năm qua, Đội cồng chiêng nhí đã vinh dự được tham gia biểu diễn tại các sự kiện lớn của tỉnh và huyện Ngọc Hồi như: Lễ khánh thành Nhà văn hóa hữu nghị Việt Nam – Lào – Campuchia; Đại hội đại biểu các DTTS huyện Ngọc Hồi lần thứ IV; Lễ hội đường phố huyện Ngọc Hồi; Ngày hội văn hóa – thể thao các dân tộc huyện Ngọc Hồi.

Bà Võ Thị Thu Hà – Phó Chủ tịch xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) khẳng định, Đảng ủy, UBND xã đề ra nhiều chủ trương kêu gọi các già làng, nghệ nhân của địa phương tham gia chỉ dạy các em thiếu nhi và vận động các em tham gia đội cồng chiêng để có điều kiện truyền dạy. Đây sẽ là những nhân tố tích cực góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của địa phương.


Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/van-hoa-nguoi-dan-toc-brau-duoc-giu-gin-thong-qua-doi-cong-chieng-nhi-1352234.ldo