Văn hóa cuốn hút trong điệu múa chiêu của người Hà Lăng ở Kon Tum

15

laodong.vnVăn hóa cuốn hút trong điệu múa chiêu của người Hà Lăng ở Kon TumĐiệu múa chiêu của đồng bào Hà Lăng mang đậm nét văn hóa, tâm linh, gắn với thiên nhiên, cuộc sống. Ảnh: Thanh Tuấn

Trong các lễ hội truyền thống của người Hà Lăng (nhánh của dân tộc Xơ Đăng) ở xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum không thể thiếu được điệu múa chiêu, ngoài ý nghĩa tâm linh, điệu múa chiêu còn có tính cộng đồng rất cao mà hầu như phụ nữ Hà Lăng ai cũng biết và ưa thích.

Hơn 40 năm gắn bó với điệu múa chiêu mang đậm bản sắc của người Hà Lăng, nghệ nhân Y Run (ở làng Rờ Kơi) tâm sự rằng, từ nhỏ, bà đã mê điệu chiêu dập dìu nên thường theo mẹ đến các lễ hội trong làng để quan sát rồi tự học theo.

Năm lên 10 tuổi, ngoài các nhịp chiêu quen thuộc như đón khách, mừng lúa mới…, bà còn thuộc lòng những bài múa chiêu trong sản xuất, sinh hoạt hàng ngày như gieo hạt, trỉa lúa, làm cỏ. “Với bản thân tôi, điệu múa chiêu uyển chuyển, mượt mà đã tôn thêm vẻ đẹp khỏe khoắn, giỏi giang của người phụ nữ Hà Lăng”- bà Y Run nói.

Phụ nữ Hà Lăng múa chiêu trong tấm áo choàng truyền thống. Ảnh: Thanh Tuấn Phụ nữ Hà Lăng múa chiêu trong tấm áo choàng truyền thống. Ảnh: Thanh Tuấn

Còn theo bà Y Thui (ở làng Đăk Đe), các động tác chân ở cả hai bài chiêu trong đám ma và trong lễ hội không thay đổi nhưng các động tác tay lại khác nhau hoàn toàn. Ở bài chiêu trong lễ hội, dù xoay về hướng nào, hai cánh tay của nghệ nhân giữ nguyên tư thế đưa vòng ra trước ngực, lòng bàn tay hướng vào trong, các đầu ngón tay chạm nhau.

Nhưng ở bài chiêu trong đám ma, hai tay người múa phải dang rộng tấm choàng, giống như cánh bướm dập dìu, bay lượn. Các động tác tay không khó nhưng các nghệ nhân cũng phải mất nhiều thời gian phân tích, hướng dẫn kỹ lưỡng để dân làng không bị nhầm lẫn.

Cùng các chị em trong làng đang tập luyện điệu múa chiêu ở nhà rông, chị Y Toen (ở làng Đăk Đe) hào hứng nói: “Ngày xưa, mình chỉ đứng bên ngoài xem các cô múa và thấy mê lắm. Dần sau này, khi được tiếp cận và học nên mình hiểu rằng, khi múa chiêu thì phải chuyển động thân hình theo nhịp cồng chiêng, di chuyển bằng những bước đi ngắn, nhịp nhàng trong đội hình đồng điệu.

Nếu nắm những bước cơ bản này sẽ rất dễ để học múa chiêu. Hầu hết các chị em phụ nữ ở làng đều biết múa chiêu. Với mong muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa người Hà Lăng nên chị em trong làng đều hăng say tập luyện”.

Người già truyền lửa cho thế hệ trẻ trong làng về điệu múa truyền thống, lễ hội, bản sắc. Ảnh: Thanh Tuấn Người già truyền lửa cho thế hệ trẻ trong làng về điệu múa truyền thống, lễ hội, bản sắc. Ảnh: Thanh Tuấn

Theo bà Y Chít – Phó Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, những năm qua, từ già làng, trưởng thôn đến các nghệ nhân luôn tích cực duy trì việc tổ chức lễ hội và chăm lo truyền dạy cách đánh cồng chiêng, múa xoang, múa chiêu cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho đội cồng chiêng tham gia các hội thi, hội diễn, khuyến khích bà con gìn giữ các điệu chiêu truyền thống, xã còn mở thêm nhiều lớp tập huấn, truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, múa chiêu cho thanh niên. Hàng năm, địa phương đều tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ để “truyền lửa” cho thế hệ kế cận.


Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/van-hoa-cuon-hut-trong-dieu-mua-chieu-cua-nguoi-ha-lang-o-kon-tum-1303260.ldo