thanhnien.vn
Ngày nghỉ vẫn lùng mua sầu riêng
Sầu riêng đang được các thương lái tích cực lùng mua
Cuối tuần, thông thường các chủ vựa thu mua nông sản đều nghỉ ngơi, nhưng hiện nay mặt hàng sầu riêng đang được các thương lái rao mua cả ngày lẫn đêm, kể cả ngày nghỉ. Hiệp, thương lái tại khu vực miền Tây, rao mua: “Em thu mua sầu riêng Ri6, sầu riêng Thái, chuồng bò với số lượng không hạn chế. Khu vực Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, anh chị nào có vườn thu hoạch em mua hết, ai giới thiệu vườn cho em thì em trích hoa hồng môi giới tiền tươi luôn”. Giá sầu riêng cũng được các chủ vựa nâng lên từng ngày. Đến hôm nay 24.3, sầu riêng Thái loại 1 đã được rao mua với giá 225.000 – 230.000 đồng/kg, loại 2 từ 205.000 – 210.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Văn Giàu, chủ vườn sầu riêng ở Châu Thành (Tiền Giang), chia sẻ: “Vườn của tôi 20 ngày nữa mới thu, nhưng hiện nay đã có rất nhiều thương lái liên hệ để chốt giá. Sầu riêng được giá, được mùa là niềm vui rất lớn của nông dân, nhưng vui hơn nữa là có quyền lựa chọn nơi để bán, lựa chọn giá để chốt chứ không bị ép giá giống như các loại nông sản khác”.
Theo nhiều chủ vựa thu mua, thông tin một số lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị cảnh báo dư lượng Cadimi không gây ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ. Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, ước tháng 3 xuất khẩu rau quả đạt 433 triệu USD, tăng 3,65% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm nay xuất khẩu rau quả đạt 1,25 tỉ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruite) cho biết: Thống kê sơ bộ xuất khẩu rau quả trong quý 1/2024 đạt 1,25 tỉ USD, nhưng trên thực tế có thể cao hơn vài chục triệu. Trong đó sầu riêng đạt khoảng 500 triệu USD, chiếm từ 40 – 50% trên tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Thị trường chính là Trung Quốc vẫn đang trong mùa lạnh nên rất thiếu trái cây tươi. Ngoài sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực thì thanh long, chuối cũng được tiêu thụ rất mạnh. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý 2 tăng trưởng ít nhất 20% so với cùng kỳ năm trước và kim ngạch xuất khẩu 2 quý đầu năm có thể đạt đạt 3,3 tỉ USD.
Trồng sầu riêng, kẻ cười người mếu
Để sầu riêng ra trái là cả một quá trình chăm sóc cực khổ của người nông dân
Nhìn trên tổng thể thu nhập từ sầu riêng rất cao, lợi nhuận có thể nói là cao nhất hiện nay trong các loại cây trồng nhưng thực tế để chăm sóc ra được trái sầu riêng không hề đơn giản. Nguyễn Dương Lam, chủ vườn sầu riêng tại Kon Tum, than thở: “Tại sao tên sầu riêng có chữ sầu? Tại vì không dễ gì chăm sóc cho cây khỏe chứ chưa nói đến trồng được sai trái và đạt chuẩn. Thiếu nước, rụng. Dư nước cũng rụng. Ra hoa rụng, ra trái rụng. Khi có trái thì trái nhỏ rụng, trái to cũng rụng. Chặn đọt cũng rụng và không chặn đọt vẫn rụng. Nói chung là đủ các kiểu rụng. Rụng nhiều quá em muốn ‘rụng tim’ theo luôn”.
Không chỉ đỏng đảnh dễ rụng hoa, rụng trái, cháy lá, cây sầu riêng còn “ngốn” khá nhiều chi phí đầu tư trong suốt quá trình 4 – 5 năm từ nhỏ đến lớn. Một số chủ vườn tính toán, năm đầu tiên chi phí chăm sóc khoảng 150.000 đồng/cây, năm thứ 2 khoảng 200.000 đồng/cây, năm thứ 3 khoảng 300.000 đồng/cây, năm thứ 4 khoảng 600.000 đồng/cây… Tính chung một cây sầu riêng từ lúc mới trồng đến năm thứ 5 khi cho trái tốn khoảng 2 – 3 triệu đồng/cây. Khi trồng thành công thì sẽ mang lại lợi nhuận cao nhưng ngược lại, nếu thất bại thì chi phí đầu tư cho 100 cây cũng thiệt hại khá nhiều, chưa kể đầu tư hạ tầng và và các thiết bị khác.
Anh Nguyễn Minh Hiếu, chủ vườn tại Xuân Lộc, Đồng Nai băn. khoăn: “Tôi định đầu tư trồng sầu riêng, nhưng nghe thấy việc chăm sóc rất khó, nên còn khá cân nhắc. Mặc dù vậy, nếu không liều thì không biết khi nào mới đổi đời, nên tôi quyết định tháng sau sẽ bắt đầu trồng thử nghiệm khoảng 50 cây trên đất của mình”.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, hiện tượng cháy lá cây sầu riêng khi đang mang hoa, trái trong mùa nắng làm cho năng suất, chất lượng trái kém, kéo giảm đáng kể hiệu quả đầu tư. Đây chính là nỗi lo của người làm vườn trong thời gian gần đây, nhiều thời điểm có hơn 80% vườn để trái trong mùa thuận đều xuất hiện hiện tượng cháy lá, một trong những nguyên nhân là rầy gây hại lá non làm cháy lá, rụng lá, c h ế t đọt khô cành ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây, giảm năng suất chất lượng trái.
Có thể thấy, trồng sầu riêng không dễ ăn như những gì chúng ta nhìn thấy bên ngoài của cơn bão giá tăng hiện nay.
Để phòng trừ rầy xanh gây hại sầu riêng một cách hiệu quả, người trồng cần quan tâm thực hiện tốt các nguyên tắc gồm:
– Đúng thuốc (Cần sử dụng nhóm thuốc có gốc sinh học để bảo vệ môi trường và thiên địch, tránh sự kháng thuốc như Emamectin Benzoat (Tasieu 1.9EC, Rồng lửa 7.5WG, Emaben 3.6WG…) Abamecttin (Reagant 3.6EC, Abafax 1.9EC…) và nên kết hợp với dầu khoáng (SK Enpray 99EC; DS 98,8EC…).
– Đúng liều, lượng: Cần pha đúng theo liều khuyến cáo của nhà sản xuất và lượng nước đủ để phun cho vườn cây. Thực tiễn sản xuất cho thấy lượng phun hợp lý phải từ 10 – 20 lít/cây/lần phun đối với cây đã cho trái và tùy cây có tán lớn nhỏ.
– Đúng lúc: Thời điểm phun tốt nhất là khi cây vừa nhú đọt non và cần phun lặp lại sau đó 7 – 10 ngày để tiêu diệt lứa rầy non (nếu còn) và nên phun vào buổi chiều để tăng hiệu lực của thuốc đối với rầy xanh.
– Đúng cách: Phải biết điều chỉnh béc phun phù hợp theo từng vị trí của cây cao, thấp, trong hay ngoài tán để có hình thức phun mưa, phun sương hay phun dạng khói…
Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/trong-sau-rieng-lieu-co-de-an-185240324174113222.htm