Tìm lại dấu xưa: Lung Leng – dấu tích tiền nhân

55

thanhnien.vn

CỔ VẬT Ở BÃI VÀNG

Cách TP.Kon Tum (Kon Tum) 15 km về hướng tây, làng Lung Leng (xã Sa Bình, H.Sa Thầy) nằm yên bình bên bờ sông Pô Kô. Ít ai ngờ được nơi đây có một di chỉ đã từng làm chấn động giới khảo cổ, thay đổi cách nhìn về vai trò của Kon Tum trong dòng chảy tiến hóa của loài người.

Theo những người dân làng Lung Leng, cuối những năm 1990, khu vực bờ sông Pô Kô đoạn qua làng Lung Leng được phát hiện có vàng. Bắt đầu từ đây, những ông chủ lớn ở TP.Kon Tum cũng tìm đến để khai thác vàng. Trong thời gian này, các chủ bãi vàng vào làng Lung Leng tuyển nhân công, họ phát hiện dân làng đang lưu giữ những chiếc búa, rìu bằng đá với hình dáng kỳ lạ nên đã bỏ tiền mua lại để sưu tập.

Đỉnh điểm, giữa năm 1999, một người bán quán trong bãi vàng Lung Leng đem một thùng giấy đựng đồ cổ đến thương lượng bán cho Bảo tàng tỉnh Kon Tum. Đây là số cổ vật mà ông mua được từ những người đào vàng. Thùng giấy được khui ra trước ánh mắt ngỡ ngàng của các cán bộ của Bảo tàng tỉnh Kon Tum. Trước mắt họ là hơn 300 cổ vật, gồm rìu đá có vai, bôn hình răng trâu, hạt chuỗi, đá được khoan lỗ, mảnh gốm trang trí…

Tìm lại dấu xưa: Lung Leng - dấu tích tiền nhân- Ảnh 1.

Người dân Lung Leng còn lưu giữ những chiếc búa trời

Ngay hôm sau, gần như toàn bộ lực lượng cán bộ nghiệp vụ của Bảo tàng tỉnh Kon Tum đã cắt rừng tìm vào bãi vàng nằm cách làng Lung Leng khoảng 3 km. Đến nơi, mọi người như không tin vào mắt mình: Giữa bãi vàng đào nham nhở, một tầng văn hóa cổ hiện ra nằm cách mặt đất gần 1 m. Trên vách các hố vàng, xuất hiện vô số mảnh gốm, có chỗ gốm ken dày đến 30 cm, rải rác gần đó còn có những chum, đế bát, mảnh rìu… Ngay lập tức các cơ quan chức năng tại Kon Tum đã tổ chức xác minh, thám sát để phục vụ nghiên cứu.

Cũng trong khoảng thời gian này, các nhà khoa học đã bàn tính đến chuyện phải khai quật Lung Leng một cách gấp rút, bởi thủy điện Ya Ly được triển khai xây dựng từ năm 1993, dự kiến hoàn thành bắt đầu tích nước vào năm 2002. Khi ấy, lòng hồ thủy điện sẽ nhấn chìm cả một vùng rộng lớn trên lưu vực sông Pô Kô, trong đó có Lung Leng.

Để phục vụ nghiên cứu cũng như bảo vệ cổ vật từ di chỉ, một đoàn khảo cổ được giao nhiệm vụ đến khai quật Lung Leng.

Cả một vùng đất ven sông Pô Kô trở thành công trường khảo cổ với những hố khai quật, đào bới. Hàng chục lều bạt được dựng lên, hàng ngàn người được huy động đến làm việc miệt mài dưới sự hướng dẫn của các nhà khảo cổ.

THAY ĐỔI CÁI NHÌN VỀ KON TUM

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Kon Tum, di chỉ khảo cổ học Lung Leng nằm trên dải đất hình mu rùa sát bờ bắc sông Pô Kô. Toàn di chỉ có diện tích khoảng 1,5 ha. Tháng 9.1999, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Kon Tum phối hợp khai quật di chỉ Lung Leng lần 1 với diện tích 106 m2. Đoàn khảo cổ đã phát hiện, thu thập được hàng trăm di vật đá, hàng vạn mảnh gốm các loại.

Cuộc khai quật lần hai diễn ra vào tháng 6.2001, đây là một trong những cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất nước ta thời điểm bấy giờ. Đoàn khảo cổ đã phát hiện và xử lý 20 di tích là các bếp lửa, lò nung; 120 mộ táng; 14.552 hiện vật đá gồm công cụ lao động sản xuất gồm rìu, bôn, cuốc, dao, bàn mài, bàn nghiền, khuôn đúc đồng…

Ngoài ra các nhà khảo cổ còn phát hiện những món đồ trang sức gồm vòng tay, vòng đeo tai, chuỗi hạt đeo cổ… cùng hàng trăm hiện vật gốm và hàng triệu mảnh gốm các loại.

Theo PGS-TS Nguyễn Khắc Sử, nguyên Trưởng phòng Thời đại đồ đá (Viện Khảo cổ học Việt Nam), Lung Leng là di chỉ cư trú của cư dân thời tiền sử, với chứng cứ là di tích hố chân cột nhà, các khu bếp lửa, cũng như số lượng lớn di vật khảo cổ. Không chỉ thế, đây còn là nơi chế tác gia công đồ đá, sản xuất đồ gốm, luyện kim loại và là một khu mộ táng lớn.

Lung Leng là di chỉ có quy mô to lớn, tầng văn hóa dày với số lượng di vật phong phú, phản ánh các giai đoạn phát triển cơ bản của lịch sử. Trong đó sớm nhất là sự xuất hiện của các cư dân hậu kỳ đá cũ có niên đại cách ngày nay 30.000 năm. Sau đó là một loạt các di tích ở thời đại đá mới và thời đại kim khí. Trong diễn trình phát triển có một giai đoạn đánh dấu sự chuyển biến của vùng đất này, bước vào thời đại văn minh đó là các lò luyện sắt, đồng. Ở đây đã tìm thấy các khuôn đúc đồ đồng, công cụ bằng đồng. Như vậy có thể nhận định, Lung Leng là một trong những trung tâm văn hóa, trung tâm luyện kim thời tiền sử.

PGS-TS Nguyễn Khắc Sử cho hay kết quả khai quật di chỉ Lung Leng đã cung cấp nguồn sử liệu phong phú, đóng góp vào công cuộc nghiên cứu lịch sử văn hóa quá khứ xa xưa của dân tộc. Cuộc khai quật cung cấp một cái nhìn mới về toàn bộ vấn đề lịch sử ở Tây nguyên.

“Với kết quả khai quật này, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận về Kon Tum, về một Tây nguyên miền Thượng thời quá khứ. Phải thừa nhận rằng, đây là một vùng đất đầy năng động, sáng tạo và có mối giao lưu rộng mở. Hiểu sâu kỹ về quá khứ Tây nguyên sẽ cho chúng ta cái nhìn thực tế trong chiến lược phát triển kinh tế văn hóa xã hội Tây nguyên – một vùng đất đầy tiềm năng của Tổ quốc”, PGS-TS Nguyễn Khắc Sử nói.

Để lưu giữ dấu tích của cha ông, mỗi gia đình trong làng Lung Leng đều lưu giữ vài chiếc rìu, bôn bằng đá và xem đó là niềm tự hào về lịch sử phát triển lâu đời của dân tộc. Ở phía lòng hồ, di chỉ Lung Leng vẫn chìm dưới đáy nước, lặng lẽ trong tiếng rì rào của sông nước, như nó đã lặng lẽ suốt cả vạn năm qua. (còn tiếp)


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/tim-lai-dau-xua-lung-leng-dau-tich-tien-nhan-185240315234523948.htm