thanhnien.vn
Ngày 12.1, tại Đăk Lắk, UBND tỉnh và Tổng hội Địa chất Việt Nam cùng Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nước với cuộc sống và con người Tây nguyên”.
Món quà quý từ thiên nhiên
TS Ngô Tuấn Tú, Phó chủ tịch Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam, cho biết: Toàn vùng Tây nguyên hiện có 26 nguồn nước khoáng nước nóng, tập trung nhiều nhất ở Kon Tum với 14 nguồn, Lâm Đồng 7, Gia Lai 4 và Đăk Nông 1. Các nguồn nước khoáng, nước nóng thiên nhiên được phát hiện chủ yếu trong các thành tạo phun trào bazan; một số nguồn trong cát kết, bột kết…
Nước khoáng, nước nóng là món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Tây nguyên nhưng chưa được khai thác hiệu quả
Theo ông Ngô Tuấn Tú: Nước khoáng, nước nóng ở Tây Nguyên hầu hết đảm bảo cho các mục đích sử dụng ngâm tắm, nghỉ dưỡng; một số nguồn có thể đóng chai, chữa bệnh và khai thác địa nhiệt. Cụ thể, 26/26 nguồn đều có thể khai thác sử dụng cho mục đích ngâm tắm, nghỉ dưỡng; có 7 nguồn kết hợp với đóng chai; 2 nguồn kết hợp chữa bệnh; 3 nguồn kết hợp khai thác địa nhiệt (nhờ có nhiệt độ trên >60 độ C) và 1 nguồn kết hợp khai thác khí CO2. “Nguồn tài nguyên nước khoáng, nước nóng ở khu vực Tây nguyên khá phong phú về số lượng, đa dạng về loại, nhiệt độ, thành phần hóa học, độ khoáng hóa, có một số nguyên tố vi lượng có tác dụng trong giải khát, ngâm tắm và du lịch nghỉ dưỡng”- ông Tú nhận xét.
Trong số này có nguồn Đăk Mil (tỉnh Đăk Nông) đã được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thăm dò và có kết quả đã được hội đồng xét duyệt trữ lượng khai thác. Ngoài ra, có 4 nguồn ở Lâm Đồng được Sở Khoa học và Công nghệ điều tra đánh giá trữ lượng và chất lượng. Còn 21 nguồn nước khoáng, nước nóng còn lại chỉ mới điều tra ở mức độ cơ bản đủ điều kiện để xác định tài nguyên dự tính cấp C2. Tuy nhiên, cho đến nay việc thăm dò đánh giá trữ lượng, đầu tư khai thác sử dụng còn rất hạn chế, chưa đúng với tiềm năng.
“Một số nguồn nước này nằm gần các đô thị, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, có thể xây dựng thành những khu du lịch – ngâm tắm – nghỉ dưỡng – chữa bệnh… làm phong phú thêm và tăng sự hấp dẫn cho người dân địa phương, du khách thập phương khi đến với Tây Nguyên hùng vĩ”, TS Tú nhận định và khuyến nghị.
Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam
PGS – TS Nguyễn Văn Lâm – Chủ tịch Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam cho biết, từ thời La Mã cổ đại, con người đã biết sử dụng nước khoáng nóng và bùn khoáng để ngâm tắm nhằm thư giãn, phục hồi sức khỏe. Tại thị trấn El Hamma ở tỉnh Khenchela, phía bắc Algeria có một nhà tắm đã tồn tại 2.000 năm có tên là Hammam Essalihine đến nay vẫn đang hoạt động, thu hút đến 70.000 khách du lịch mỗi năm bởi nét đặc sắc trong kiến trúc thời La Mã cổ đại và những lợi ích trị liệu sức khỏe của nó. Đến năm 1820, phương pháp tắm và ngâm mình trong nước khoáng nóng được nghiên cứu hoàn chỉnh và ngày càng được sử dụng rộng rãi ở châu Âu.
Theo các chuyên gia từ thời cổ đại, con người đã biết sử dụng nguồn tài nguyên quý này cho mục đích chăm sóc sức khỏe
Ở châu Á, suối khoáng nóng cũng rất được mọi người ưa chuộng, phát triển thành nét văn hóa như văn hóa tắm onsen Nhật Bản, làng trị liệu Hàn Quốc… Hiện tại ở Việt Nam có khoảng 122 cơ sở đầu tư kinh doanh khai thác từ 65 nguồn nước khoáng nước nóng, trong số này 74 cơ sở đầu tư phục vụ nhu cầu ngâm tắm, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, 46 cơ sở khai thác phục vụ đóng chai uống giải khát, với khoảng 1,1 triệu lít/năm, 2 cơ sở đầu tư phục vụ ngâm tắm chữa bệnh.
“Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta vẫn chưa xác lập chính xác số nguồn nước khoáng với đầy đủ tính chất hóa lý, lưu lượng và các điều kiện khai thác sử dụng của từng nguồn. Bên cạnh đó, chưa xây dựng được một chiến lược khai thác sử dụng nước khoáng trên phạm vi toàn lãnh thổ, chưa quy định khai thác sử dụng và chưa có các biện pháp quản lý chúng một cách hiệu quả. Cơ sở vật chất cho việc điều tra, khai thác nước khoáng còn quá nghèo nàn lạc hậu, các phương pháp tìm kiếm thăm dò còn chưa ổn định… Việc khai thác các nguồn nước khoáng, nước nóng phải kết hợp sử dụng nhiều mục đích nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao”, TS Lâm khuyến cáo.
Đối với nguồn nước khoáng nóng Đăk Mil, đại diện đơn vị khai thác PGS – TS Nguyễn Viết Lượng cho biết, đây là mỏ nước khoáng núi lửa rất hiếm nhờ chứa hơn 10 loại khoáng chất quý, hàm lượng cao và đặc biệt ngậm CO2 tự nhiên có trữ lượng lớn. Từ năm 2020, Công ty CP Khoáng sản Đăk Lắk bắt đầu quá trình khảo sát, xét nghiệm thành phần của mỏ nước khoáng này để đưa vào khai thác bài bản và khoa học. Kết quả phân tích từ các đơn vị uy tín trong và ngoài nước chỉ ra những tác dụng tuyệt vời của loại nước khoáng nơi đây trong việc chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ chữa bệnh đặc biệt là da liễu và xương khớp, răng miệng… “Việc khai thác tốt nguồn tài nguyên này một cách đa dạng và kết hợp sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương”, TS Lượng nhấn mạnh.
Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/tay-nguyen-bo-quen-mo-vang-nuoc-khoang-nuoc-nong-185240112153110781.htm