baokontum.com.vn
Những năm qua, UBND huyện Sa Thầy quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương của huyện triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân trên địa bàn. Qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và đời sống tinh thần của nhân dân, đóng góp vào thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Bám sát các mục tiêu, định hướng trong phát triển văn hóa con người, thời gian qua, huyện Sa Thầy quan tâm tranh thủ các nguồn kinh phí, nhất là từ chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các chương trình phát triển KTXH vùng DTTS&MN để đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ từ huyện đến cơ sở. Từ đó, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao trên địa bàn, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Hiện tại, ở cấp huyện, huyện Sa Thầy có 1 trung tâm văn hoá cộng đồng, 1 sân vận động, 1 nhà thi đấu đa năng, 1 bể bơi. Đối với cấp xã, có 9 nhà văn hoá, 11 sân thể thao. Cấp thôn có 33 nhà văn hoá, hội trường thôn; 38 nhà rông; 65 khu thể thao thôn; 70 sân cầu lông, bóng chuyền.
Bên cạnh đó, 100% các thôn, làng đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn huyện (như Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Rơ Măm) đã có nhà rông. Trong đó có 20 nhà rông truyền thống (mái nhà rông lợp tranh) như tại các làng Chốt, Kleng, KĐừ (thị trấn Sa Thầy); Nhơn Bình (xã Sa Nhơn); Gia Xiêng, Rờ Kơi, Đăk Đe (xã Rờ Kơi); Kđin, Xộp, Le (xã Mô Rai); Đăk Tân (xã Sa Nghĩa); Ka Bầy, Lung Leng (xã Sa Bình); Trang, Lung (xã Ya Xiêr); Chứ, Chờ (xã Ya Ly); Điệp Lốk (xã Ya Tăng); Đăk Wớp Yốp, Kơ Tol (xã Hơ Moong).
Huyện Sa Thầy ưu tiên dành quỹ đất để quy hoạch các khu vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao cho người dân. Ảnh: HT
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG về văn hóa, chương trình phát triển văn hóa cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, huyện Sa Thầy quan tâm hỗ trợ hiệu quả trang thiết bị văn hóa, thông tin cho các địa phương. Đến nay, cơ bản các nhà văn hoá xã, nhà văn hoá thôn, làng đã được hỗ trợ trang thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao của địa phương, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Đến nay, việc tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, sinh hoạt cộng đồng tại các thiết chế văn hoá từ huyện đến cơ sở được duy trì thường xuyên. Trong đó, ở cấp huyện bình quân 7-8 lần/năm; ở cấp xã, thôn bình quân 3- 4 lần/năm; có khoảng 25% thời gian sử dụng để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em.
Các thiết chế văn hóa cơ sở góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao đời sống tinh thần của người dân, đóng góp thiết thực vào các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nâng cao đời sống văn hóa của người dân.
Xã Rờ Kơi là một trong những địa phương được quan tâm đầu tư, phát huy tốt hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở. Toàn xã có 6 thôn, làng đều có nhà văn hóa, sân bóng chuyền để người dân tập luyện thể dục thể thao; có 3 nhà rông văn hóa mang đặc trưng văn hóa truyền thống (tranh, tre, nứa). Xã Rờ Kơi cũng đã dành quỹ đất để bố trí thêm 2 sân thể thao cộng đồng khác để phục vụ hiệu quả các hoạt động giải trí, vui chơi các bộ môn thể thao khác.
Bà con DTTS trên địa bàn huyện Sa Thầy sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dưới mái nhà rông truyền thống. Ảnh: H.T
Ông Nguyễn Duy Lơ – Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Đăk Tang (xã Rờ Kơi) cho biết: Từ năm 2017, được Nhà nước đầu tư hơn 700 triệu đồng, bà con trong thôn đã góp công sức xây dựng nhà văn hóa với diện tích 400m2, bố trí 250m2 để làm sân bóng chuyền và dành quỹ đất để xây dựng một số tiện ích khác. Từ khi đưa vào sử dụng, nhà văn hóa đã phát huy hiệu quả, không chỉ là nơi hội họp mà còn là nơi vui chơi, sinh hoạt, giải trí của người dân trong thôn, tạo sự gắn kết cộng đồng hiệu quả.
Bà Y Chít- Phó Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết: Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước về xây dựng, quản lý, sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở, hàng năm xã Rờ Kơi lên kế hoạch, tiến hành họp xét chọn, lấy ý kiến người dân trong các nội dung sửa chữa, xây mới đối với từng hạng mục. Được sự ủng hộ của người dân nên việc sửa chữa, xây mới các thiết chế văn hóa thể thao diễn ra thuận lợi, hiệu quả, phục vụ thiết thực nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Sa Thầy còn gặp một số khó khăn nhất định như: việc quy hoạch quỹ đất cho thiết chế văn hóa, thể thao còn những vướng mắc, khó khăn, diện tích quy hoạch có nơi chưa đảm bảo tiêu chuẩn quy định, vị trí không thuận lợi. Bên cạnh đó, vì nguồn kinh phí hạn hẹp nên nhiều hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thôn chưa được đầu tư đồng bộ, hạn chế về công năng sử dụng, thiếu không gian và diện tích xây dựng, chưa đáp ứng tiêu chuẩn quy định.
Thời gian tới, huyện Sa Thầy tiếp tục tập trung nguồn lực từ các chương trình MTQG, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN để xây dựng, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã và cấp thôn, làng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong toàn dân, xã hội về ý thức xây dựng đời sống văn hóa, cộng đồng; huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để phát huy vai trò của người dân, từng bước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn.
Hoàng Thanh
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/sa-thay-quan-tam-xay-dung-thiet-che-van-hoa-the-thao-co-so-43853.html