Những sinh vật “nhảy múa” trong bông cà phê

19

laodong.vnNhững sinh vật “nhảy múa” trong bông cà phêThiếu nữ và bông cà phê. Ảnh: Từ Ân

Tuyết rơi mùa nắng

Mới hôm nào còn kín lá xanh, giờ thì chan hòa hoa trắng. Rẫy đã không còn là rẫy. Thứ hoa gì mà trắng đến rót ruột, tinh khiết đến không thể tinh khiết hơn. Trắng mang dáng hình “tuyết rơi” – tuyết rơi mùa nắng.

Bông cà phê. Ảnh: Nguyễn Hàng TìnhBông cà phê. Ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Và mùi hương thì lừng non, dậy núi, rẫy nương vang vang sắc tuyết. Khắp vườn cùng rẫy tận, sườn cao, xó đồi, đều trong không gian hoa như thế.

Phơi ra, bày ra, tự nhiên, không cần mời gọi ai khen, ai ngắm, ai làm thơ, viết nhạc, và ai mở du ngoạn. Dân nông không vì vẻ đẹp và mùi hương của nó, nhưng ta thì cần điều này.

Trong các tổ nhà, người người đang ăn Tết, mà còn lo ngoài kia, nơi đồi cao đó, rẫy nương kia cây cà phê của mình có bung đều bông không. Bung bông là bung tiền mà, càng đều càng chắc, yên tâm, trúng mùa.

Người châu thổ phù sa hạ nguồn hiểu quy luật cây lúa, người ở đại ngàn Tây Nguyên hiểu quy luật cây cà phê. Không cần thụ hưởng giá trị vô hình là vẻ đẹp, nhưng hoa khỏe là vui bụng rồi.

“Rẫy hoa”, tôi muốn gọi thế. Khái niệm chưa thể cập nhật vào tự điển này chỉ có thể xuất hiện ở đây, miền Thượng này. Mà không phải một rẫy, từ cao nguyên B’lao, lên cao nguyên Di Linh, qua cao nguyên M’Nông, xuyên cao nguyên Đăk Lắk, sang tận cao nguyên J’rai, rồi Kon Tum miền hạ Lào đều khung cảnh vậy, liếp liền vô tận rẫy như thế.

Một miền đất tới năm trăm ngàn ha cà phê, thì có trang trại hoa nào trên thế gian hào phóng và khổng lồ thế đâu. Mùa của tiệc hoa trời. Siêu đại tiệc thị giác. Cái riêng của xứ sở, của miền đất là đây chứ đâu. Đặc sắc và hình thái là đây chứ đâu nữa. Linh hồn mới của cõi xứ.

Đây mới là lễ hội hoa, lễ hội của đất với cao xanh, thuộc về tự nhiên, chứ không phải “Festival hoa” trò chơi thế tục, theo kịch bản, sắp đặt trình diễn, sân khấu hóa và cờ phướn, kèn trống ồn ào, gồng lên khoe khoang ở đâu đó.

Nó đẹp trong mạch chảy của khí trời, gió, nước, thổ nhưỡng, đời sống, đẹp từ bên trong đẹp ra. Làm lung lay các giác quan ta. Buộc phải rộn ràng, thổn thức.

Đi trong các rẫy đồi cà phê đi, mùa này, làm sao không nghe được sự chộn rộn ở từng thớ đất bazan, những dư vị, những mát, những nóng, những ngọt ngào, những êm ái, và thần khí cao nguyên.

Nhìn sâu vào một nhụy bông cà phê

Là con người mà, tôi yêu những gì tự nhiên, trong lòng tôi nó đã là hội hè, lễ lạt. Các hãng du lịch ở đô thành dưới xuôi bỏ quên chất liệu du lịch, tài nguyên, nguồn dinh dưỡng du lịch này rồi.

Cứ để họ du lịch ở thói quen xổi, giả, xôn xao, bình dân. Để cho các rẫy nương, vườn tược cà phê được yên, lặng lẽ, thanh lành, “chỉ là… hoa cà phê”.

Cận cảnh một bông cà phê. Ảnh: Nguyễn Hàng TìnhCận cảnh một bông cà phê. Ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Trên kia vòm trời xanh dương, lãng đãng mây trôi, dưới này rực trắng hoa chen trong lá non. Có gì lộng lẫy hơn thế, trong trời đất. Gió và nắng mùa khô liếm lên những rẫy hoa, liếp liền, trùng trùng.

Ai xa Tây Nguyên mà không nhớ lấp ló dáng dấp của mùa hoa trời, dù lúc gần bên nó, có khi chưa từng nhìn sâu vào một nhụy bông cà phê. Chỉ cần nhớ cái bao trùm kia thôi, thì miền Thượng đã ở trong lòng. Nên đừng có bảo “nó ở tít trên Tây Nguyên”. Miền hoa xa để mà vọng đi, vọng tới, vọng về.

Quá nhiều, tràn đầy, bao la, nên người ta thấy nó “thường”, thành “bình dân”. Chứ thật ra, hình thái chùm bông, và hương lành và ngát lịm như hoa cà phê không có nhiều loài có được đâu.

Chắc thế nhân chỉ nghĩ nó là bông của cây nông nghiệp thôi, rằng để lấy trái chứ không phải lấy sắc, lấy hương, nên như không thừa nhận nó với tư cách “phái đẹp”.

Nhưng mà những loài côn trùng bé nhỏ, như ong, và những người hành nghề đánh mật thì tinh tế, hiểu, bám theo nó. Say trong nó mà lại cứ vẫn thương nhớ miền đất đến hoang hoải.

Ai xem nhẹ, lơ nó, bỏ bê nó, thì để đó cho tôi, tôn thờ. Và chắc, có thêm loài ong kia nữa. Nhưng tôi biết mình thua con ong, vì mình chỉ hút được cái sắc thái của bông cà phê.

“Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đúng ra phải dùng cho hoa cà phê và xứ Tây Nguyên chứ không nên biệt riêng dành cho một thành phố trong nó, bởi từ chín sắc tộc bản địa thì giờ miền Thượng đã gần đủ năm mươi tư sắc tộc cả nước có mặt nơi này.

Vật thế thân, nhưng mà chịu chơi, hào sảng đến âm thầm và không rêu rao như loài hoa này, thì nó cần gì một khẩu từ sáo ngữ của con người chứ.

Tôi biết ơn đắng cay trên mặt rừng, mặt đất, ba đào, thời cuộc, thời đại, thế quyền, người nông phu, cùng thời tiết mùa màng, khí hậu núi non. Thôi thì nó đã làm kín mặt đất trên rừng xưa vật vã, dù xứ sở còn nguyên sinh thì công bằng cùng sinh thái tốt hơn cho muôn loài.

Không thoát kiếp lữ khách xứ rừng thiêng gió dại này, tôi cứ miệt mài ngu ngơ, hành hương về với một thế giới sang trang, còn lại, với loài hoa mà giới lái buôn hoa không biết “gom bán” nó bằng cách nào.

Mọi thứ trong chiếc ba lô cũ như buổi cùng nó vào rừng, tôi lại vào rẫy đồi nương nhờ sắc hoa đây, cứ ở ké trong một căn chòi bất kỳ của nông phu nào đó, thay vì dưới rừng mưa nhiệt đới lá rộng thường xanh mát lịm thuần hậu từng tin thường hằng vĩnh cửu.


Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/van-hoa/nhung-sinh-vat-nhay-mua-trong-bong-ca-phe-1297092.ldo