thanhnien.vn
“Nhớ nhà nhưng tiền đâu mà về”
Người viết tìm đến phòng trọ của Phạm Nguyên Khánh (21 tuổi), trên đường số 4, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân (TP.HCM) sau giờ tan ca. Gặp Khánh đúng lúc chàng trai này đang lúi húi trong bếp nấu ăn, thế nhưng bữa tối cũng chỉ có mì gói và một rổ rau. Khánh kể mỗi ngày tiền ăn chỉ giới hạn ở mức dưới 50.000 đồng, không dám nhiều hơn.
Bữa tối của Khánh chỉ có mì gói
Quê ở xã Phổ Quang, thị trấn Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), Khánh học đến lớp 10 rồi nghỉ ngang vì gia đình không có điều kiện. Sau đó, Khánh vào TP.HCM đi làm, tính đến nay đã được 5 năm, nhưng đã 2 cái tết liên tiếp không về nhà vì không có tiền. Vì không có bằng cấp nên khó xin việc, thời gian đầu Khánh làm tự do, ai thuê gì làm nấy, thu nhập bấp bênh. Sau này đi làm ở công ty lương bổng ổn định hơn nhưng cũng chẳng dư ra được đồng nào.
Khánh kể: “Mỗi ngày mình làm 10 tiếng đồng hồ, 7 giờ sáng đến 18 giờ hơn mới về đến phòng. Nhưng lương mỗi tháng cũng chỉ được 6 – 7 triệu đồng. Sau khi đóng tiền phòng, điện nước, ăn uống 1 tháng cũng mất 3,5 triệu đồng. Đó là đã tiết kiệm hết mức có thể. Tối đi làm về mệt nhưng mình cũng chẳng dám mua hộp cơm ngoài mà ghé chợ mua đồ về tự nấu ăn cho tiết kiệm”.
Ở TP.HCM nhiều năm nay nhưng Khánh không có bạn bè vì nếu cứ gặp gỡ cà phê, tiệc tùng thì lại tốn thêm tiền. Thời gian của chàng trai này chỉ xoay quanh với công việc, tối về ngủ, không chơi bời với ai cũng chẳng màng đến những nhu cầu vui chơi giải trí.
Đã 2 năm liền Khánh không được về quê ăn tết cùng gia đình
Khi được hỏi chi tiêu sinh hoạt mỗi tháng khoảng 3,5 triệu đồng, vậy số tiền còn lại sao không dành dụm về quê? Khánh kể sinh ra trong gia đình có 4 chị em, ba mẹ đã lớn tuổi, các chị đều có gia đình riêng nên là con út trong nhà nhưng giờ đây Khánh phải gánh vác trách nhiệm lo cho ba mẹ.
Mong ước lớn nhất của Khánh bây giờ là có tiền để mua vé về quê ăn tết với ba mẹ. Nếu không đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp chàng trai này lại đón tết thui thủi một mình ở phòng trọ.
Thèm không khí tết quê sau 10 năm xa xứ
Trở về phòng trọ lúc 18 giờ hơn, anh Nguyễn Lương Chung (35 tuổi), ngụ tại đường Lê Trọng Tấn, P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú (TP.HCM) lật đật chuẩn bị để tiếp tục cho công việc buổi tối. Vì tiền lương công nhân không đủ để trang trải cuộc sống nên ngoài 10 tiếng đồng hồ làm việc ở công ty may anh Chung còn nhận lớp dạy kèm vào buổi tối. Do đó, một ngày làm việc của anh kéo dài từ 7 giờ sáng đến gần 21 giờ.
Quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế, anh Chung vào TP.HCM làm việc được 3 năm nay và cũng trong suốt khoảng thời gian đó chưa một lần về quê ăn tết cùng gia đình. “Tôi vào TP.HCM từ năm 2021, tết này là đúng 3 năm chưa về quê. Vé xe ngày tết rất cao, máy bay lại càng không có khả năng để mua. Năm ngoái định về nhưng thấy vé máy bay khứ hồi lên đến 7 triệu đồng nên đành thôi. Chưa kể về quê dịp tết còn nhiều khoản khác phải lo, đâu phải chỉ về tay không. Mà ngặt nỗi công việc 3 năm nay không ổn định lấy đâu ra tiền mà về quê ăn tết”, anh Chung bày tỏ.
Anh Chung cho biết tiền lương làm công nhân một tháng được khoảng 7 triệu đồng, có tháng chưa đến. “Một tháng tiền trọ, điện nước, ăn uống cũng mất 5 – 6 triệu đồng. May là chưa có con cái, nếu không chả biết xoay xở thế nào. Giờ làm tháng nào tiêu hết tháng đó thì tiền đâu mà về quê ăn tết”, anh Chung nói.
Đã 3 năm liền anh Chung không được về quê
Dù tiết kiệm hết mức nhưng cũng chẳng dành dụm được bao nhiêu, anh Chung chỉ tay lên cái tivi rồi nói: “Tivi để vậy chứ không dám xem vì sợ tốn thêm tiền điện. Tôi cũng hạn chế hết mức những cuộc hẹn, nhậu nhẹt, cà phê với bạn bè, đồng nghiệp. Thời buổi khó khăn tiết kiệm chi tiêu hết mức cũng chẳng đâu vào đâu”.
Cũng đã 10 năm ăn tết ở xóm trọ, chị Nguyễn Thị Chuyền, làm việc tại Công ty may Việt Tiến (Q.Tân Bình) canh cánh nỗi nhớ nhà. Đứa con trai học lớp 6 của chị cũng chưa một lần được ăn tết ở quê ba hay mẹ. “Tôi quê ở Huế, chồng là người Quảng Nam, hai vợ chồng vào thành phố làm việc lâu rồi. Tôi làm công nhân ở công ty may còn chồng là lao động tự do. Vì không có điều kiện nên 10 năm rồi 2 vợ chồng chưa được về quê ăn tết”, chị Chuyền nói.
Tết nhìn người ta lần lượt về quê nhiều lúc chị Chuyền tủi thân rơi nước mắt vì nhớ nhà, nhưng không có tiền nên chỉ đành chịu. Mặc dù có thâm niên nhiều năm ở công ty nhưng tiền lương của chị cũng chẳng khá hơn. Chị Chuyền kể một tháng nhận được khoảng 7 – 8 triệu đồng, số tiền đó chỉ đủ đóng tiền trọ, điện nước, ăn uống cho cả nhà và tiền học cho con.
Số tiền dành dụm được phụ thuộc hết vào chồng. Thế nhưng làm công việc tự do nên thu nhập của chồng chị Chuyền cũng chẳng đáng là bao, ai kêu gì làm nấy, có khi còn bị người ta quỵt tiền công. Do đó, đã 10 năm liền vợ chồng chị không có tiền về quê ăn tết.
“Thu nhập như vậy thì sao dám về, lần về quê gần đây nhất của tôi là cách đây 3 năm lúc nhà có đám tang. Còn tết thì không có điều kiện, tiền xe đi lại cho cả nhà 3 người ra vào thôi cũng mất 6 – 7 triệu đồng nên năm nào cũng ở lại đây giữ nhà trọ”, chị Chuyền buồn bã nói.
Năm nay nghe thông tin được hỗ trợ vé xe về quê, chị Chuyền rất mừng. “Tôi thèm cái không khí tết ở quê da diết. Còn ở thành phố mấy ngày tết chỉ quanh quẩn trong phòng trọ rầu thúi ruột. Đặc biệt, niềm vui còn nhân lên gấp bội vì cuối cùng năm nay tôi cũng đã được về dự đám giỗ của ba ngay đúng dịp tết sau 10 năm trời”, chị Chuyền cười nói.
Tôi gặp anh Chung, chị Chuyền và Khánh sau một ngày dài họ làm việc mệt mỏi, thế nhưng khi nhắc đến việc năm nay có thể sẽ được về quê ăn tết ai nấy cũng đều phấn khởi, háo hức. Họ vui vì sau nhiều năm ăn tết xa nhà cuối cùng cũng được đoàn viên bên gia đình. Và bây giờ đây, những người công nhân này đang đếm từng ngày để được lên chuyến xe về quê đón tết cùng gia đình.
Nhằm hỗ trợ cho các công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đoàn tụ cùng gia đình vào ngày tết, Báo Thanh Niên phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân TP.HCM tổ chức chương trình “Chuyến xe mùa xuân – Hy vọng 2024 – Đưa công nhân về quê đón Tết Giáp Thìn” với sự tài trợ chính từ nhãn hàng OMO.
Chương trình trao tặng 1.500 vé xe đưa công nhân, người lao động từ TP.HCM về quê đón tết tại 14 tỉnh: Đăk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa.
Các chuyến xe sẽ khởi hành vào ngày 5.2.2024 (nhằm ngày 26 tháng chạp).
Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/nhieu-nam-lien-thui-thui-don-tet-o-phong-tro-185240117160618838.htm