baokontum.com.vn
Tôi rất ấn tượng với con số 30.000 lượt khách đến Măng Đen chỉ trong vài ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, tính chung cả 9 tháng/2024, Măng Đen đã đón hơn 1 triệu lượt khách, bằng cả năm 2023.
Điều đó cho thấy sức hút của Măng Đen đang ngày càng mạnh đối với du khách. Càng cho thấy Măng Đen đang dần trở thành “ngôi sao sáng” trên bản đồ du lịch cả nước.
Tất nhiên là đâu đó vẫn có những lời phàn nàn về việc hàng hóa, dịch vụ ở Măng Đen tăng giá vào những dịp thu hút khách du lịch, từ ly cà phê, lon nước tăng lực, các món ăn, đến giá phòng khách sạn, homestay; về thái độ ứng xử của người dân, người cung cấp dịch vụ.
Nhưng khách quan mà nói, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan nói chung, huyện Kon Plông nói riêng đã và đang không ngừng cố gắng, không ngừng nỗ lực để “đánh thức” Măng Đen, để vẽ nên diện mạo Măng Đen hiện nay.
Trái tim Măng Đen đang đập những nhịp đập hiện đại, trẻ trung. Du khách đã có thể hài lòng với hạ tầng hiện đại, với nhiều khách sạn, nhà hàng, biệt thự ven đồi; phố đi bộ; homestay và các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới.
Và đặc biệt, Măng Đen vẫn đang nỗ lực gìn giữ bản sắc của mình. Trên hành trình vươn tới tầm vóc lớn của một khu du lịch quốc gia, Măng Đen vẫn là nàng sơn nữ lộng lẫy pha chút hoang dại, với núi và mây, những con đường men theo núi, rừng thông rì rào trong sương sớm.
Quy hoạch chung đến năm 2045 mở không gian phát triển cho Măng Đen. Ảnh: TH
Bên những sườn đồi, vẫn còn những ngôi làng hiền hòa pha chút bí ẩn, với tiếng cồng chiêng, với váy áo thổ cẩm phơi trên bờ rào bay bay trong gió như những đàn bướm.
Cũng vì thế mà Măng Đen mang vẻ đẹp đa diện, có sự pha trộn đầy quyến rũ của những đối lập, định hình nên bản sắc riêng không thể hòa lẫn. Có thể nói, Măng Đen chưa bao giờ làm người ta thôi bất ngờ bởi sự kết hợp hài hòa đến không ngờ của những đối lập, tương phản.
Điều băn khoăn là, trong hơn 10 năm phát triển, tính từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 298/QĐ-TTg ngày 5/2/2013 phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và quy hoạch chung đô thị Kon Plông, huyện Kon Plông, những định hướng quy hoạch đã không đáp ứng được yêu cầu phát triển theo kịp chiến lược phát triển kinh tế – xã hội cấp quốc gia, cấp vùng.
Thực tế cũng cho thấy, tính chất, chức năng, định hướng phát triển của Khu du lịch sinh thái Măng Đen đã bị ảnh hưởng nhiều do các chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.
Như vậy, trong hành trình phát triển mới, Măng Đen cần “thay áo” đủ rộng, đủ lớn cho một “cơ thể” đang phát triển “cường tráng” hơn.
Tin vui là ngày 8/10/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 1128/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen đến năm 2045.
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm diện tích tự nhiên của thị trấn Măng Đen và 05 xã: Măng Bút, Đăk Tăng, Măng Cành, Hiếu và Pờ Ê, huyện Kon Plông, với quy mô diện tích là 90.153ha.
Khu du lịch Măng Đen là khu du lịch nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quốc gia với trọng tâm là các hoạt động kinh tế du lịch khai thác các lợi thế độc đáo về điều kiện khí hậu, cảnh quan tự nhiên và nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương;
Có vai trò, động lực quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ cho tỉnh Kon Tum, khu vực Tây Nguyên và cả nước. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng, ổn định đời sống nhân dân.
Bản sắc văn hóa truyền thống cần được giữ gìn trong quá trình phát triển du lịch Măng Đen. Ảnh: T.H
Ta có thể hình dung một Măng Đen rộng lớn hơn, hiện đại hơn vào năm 2045, với 2 hành lang phát triển (dọc tuyến Quốc lộ 24 và dọc tuyến Tỉnh lộ 676); 3 trung tâm du lịch (trung tâm du lịch chính – thị trấn Măng Đen và đô thị Măng Cành; 2 trung tâm du lịch vệ tinh, tương hỗ phía Bắc – đô thị Măng Bút và xã Đăk Tăng; phía Đông – đô thị Hiếu và Pờ Ê); 4 đô thị (thị trấn Măng Đen và các đô thị Măng Cành, Măng Bút, Hiếu).
Thị trấn Măng Đen là đô thị trung tâm huyện lỵ, có vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế – xã hội, thương mại dịch vụ của huyện Kon Plông. Đến năm 2030, đạt các tiêu chuẩn của đô thị loại IV; năm 2045 đạt tiêu chuẩn của đô thị loại III.
Đô thị Măng Cành, đô thị Măng Bút và đô thị Hiếu là các trung tâm kinh tế – văn hóa, thương mại, dịch vụ du lịch, hỗ trợ phát triển cho thị trấn Măng Đen; đạt tiêu chuẩn đô thị loại V trong giai đoạn 2031-2050.
Trong một cuộc trao đổi, đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được phê duyệt theo Quyết định số 1756/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ) cũng có định hướng phát triển Khu du lịch Măng Đen mang tính quốc gia – quốc tế.
Vì vậy, Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen được phê duyệt tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, phát triển Khu du lịch Măng Đen, đưa Măng Đen trở thành điểm đến hấp dẫn, với các sản phẩm du lịch đặc trưng, khai thác lợi thế cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa truyền thống. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong vùng.
Đây cũng là cơ sở, tiền đề cho việc định hướng phát triển, huy động nguồn lực phát triển vùng du lịch sinh thái Măng Đen trong thời gian tới, hướng đến trở thành trung tâm kinh tế phía Đông Bắc của Kon Tum, giữ vai trò nòng cốt, động lực, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.
Khát vọng lớn đương nhiên thách thức phải cao. Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen đến năm 2045 mở ra cơ hội cũng đặt ra những thách thức.
Hành trình hiện thực hóa các mục tiêu không phải ngày một ngày hai. Nhưng với quyết tâm chính trị cao, chúng ta sẽ biến thách thức thành cơ hội.
Trong đó, cần tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hoá, kết hợp hài hoà phát triển du lịch gắn với nông nghiệp; phát triển hạ tầng xanh, thông minh; kiểm soát tốt nhịp độ phát triển các phân khu.
Thành Hưng
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/mai-nay-mang-den-43934.html