Hiệu quả từ những lớp truyền dạy văn hóa dân tộc

31

baokontum.com.vn

03/04/2024 06:25

Nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc, thời gian qua, nhiều lớp truyền dạy văn hóa dân tộc đã được tổ chức trên địa bàn huyện Sa Thầy. Những lớp học đã thu hút đông đảo thế hệ trẻ tham gia góp phần khơi dậy tình yêu, niềm tự hào văn hóa truyền thống cho lớp trẻ.

Để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện Sa Thầy, năm 2023, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Sa Thầy đã phối hợp với các địa phương trong huyện tổ chức 5 lớp truyền dạy văn hóa dân tộc cho hơn 200 học viên là thanh thiếu niên DTTS.

Đơn cử như lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, xoang và sử dụng nhạc cụ truyền thống được mở tại xã Sa Sơn thu hút hơn 25 học viên tham gia. Vào tối thứ 7 hàng tuần, trong khuôn viên nhà rông làng Ba Rgốc rất nhộn nhịp, đông vui. Người đến để học, người đến cổ vũ, động viên con em mình. Khi tiếng cồng chiêng, đàn t’rưng hay giọng hát vang lên thì tất cả đều hòa cùng một nhịp, lắc lư theo điệu xoang mời gọi.

163523Nh%E1%BB%AFng%20thanh%20thi%E1%BA%BFu%20ni%C3%AAn%20ch%C4%83m%20ch%C3%BA%20nghe%20v%C3%A0%20nh%C3%ACn%20ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n%20h%C6%B0%E1%BB%9Bng%20d%E1%BA%ABn%20%C4%91an%20l%C3%A1t.%20(%E1%BA%A2nh%20Nay%20S%C4%83t)

Nghệ nhân truyền dạy nghề đan lát. Ảnh: N.S

 

Anh A Hiếu (làng Ba Rgốc) – học viên của lớp vui vẻ nói: “Khi nghe thông tin tổ chức lớp học về văn hóa dân gian tại xã, người dân trong làng, nhất là thanh thiếu niên rất háo hức, vui mừng, vì đây là dịp để mọi người được học văn hóa truyền thống vốn có từ lâu đời. Khi học, các nghệ nhân chỉ dạy chu đáo, nhiệt tình và hiểu tâm lý của học viên nên lớp học rất vui vẻ, không ai nghỉ giữa chừng. Trước đây, tôi không biết đánh cồng chiêng, ở lớp học được nghệ nhân truyền dạy, giờ tôi đã đánh được những điệu chiêng cơ bản trong nghi lễ mừng lúa mới, đón khách hay ngày hội ở làng”.

Trực tiếp đảm nhận việc truyền dạy lớp văn hóa dân gian, nghệ nhân A Sứp – già làng Ba Rgốc chia sẻ: “Nhiều học viên do lần đầu làm quen với cồng chiêng nên còn bỡ ngỡ, mình phải trao đổi trước để học viên nắm kỹ về lý thuyết. Sau đó, chỉ cho các em thực hành đánh chiêng, chỉnh nhịp, hòa âm. Nhiều học viên có năng khiếu thì tiếp thu nhanh, nhớ bài tốt. Không những vậy, học viên còn được hướng dẫn chế tác nhạc cụ truyền thống, cách biểu diễn đàn t’rưng, klông pút”.

Tương tự, lớp truyền dạy nghề truyền thống của dân tộc Gia Rai tại xã Ya Ly được mở vào tháng 11 năm 2023 cũng thu hút hơn 150 học viên tham gia. Nghệ nhân Y Tuổi (ở làng Chứ) truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho hay: “Mỗi người phụ nữ Gia Rai đều có sẵn niềm đam mê dệt thổ cẩm, chỉ cần biết cách khơi đúng nguồn thì chuyện dệt thổ cẩm trở nên đơn giản. Chỉ sau 15 ngày học trên lớp và một tháng tự học ở nhà, hơn 35 học viên của lớp đều hoàn thành một số sản phẩm cho riêng mình. Những người đã biết dệt thì hoàn thành một bộ váy, áo, còn người mới bắt đầu học đã biết dệt ví, dây đeo, túi thổ cẩm. Thời gian tới, tôi và các nghệ nhân trong làng sẽ tiếp tục mở thêm lớp truyền dạy cho thanh thiếu niên và những người mong muốn học dệt thổ cẩm”.

163553Ngh%E1%BB%87%20nh%C3%A2n%20nhi%E1%BB%87t%20t%C3%ACnh%20h%C6%B0%E1%BB%9Bng%20d%E1%BA%ABn%20d%E1%BB%87t%20nh%E1%BB%AFng%20hoa%20v%C4%83n%20truy%E1%BB%81n%20th%E1%BB%91ng%20trong%20th%E1%BB%95%20c%E1%BA%A9m%20Gia%20Rai

Nghệ nhân nhiệt tình hướng dẫn dệt những hoa văn truyền thống trong thổ cẩm của dân tộc Gia Rai. Ảnh: NS

 

Ông A Chuých – cán bộ phụ trách văn hóa – thông tin xã Ya Ly cho biết: “Thông qua lớp học nghề truyền thống không chỉ tạo ra các sản phẩm đẹp mắt, chất lượng có giá trị kinh tế mà còn giúp thế hệ trẻ kế tục nghề truyền thống của cha ông. Trước đây, chỉ người già mới ngồi đan lát, dệt thổ cẩm. Nay, nghề này có thể cho thu nhập nên nhiều người bắt đầu học. Hiện xã hơn 20 người có thu nhập từ nghề truyền thống. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đang quan tâm hỗ trợ, đào tạo nghề cho người dân trong xã nên ai cũng nhiệt tình tham gia, không phân biệt gái, trai. Nghề truyền thống của người Gia Rai cần phải bảo tồn và gìn giữ”.

Theo ông Trần Văn Tiên – Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Sa Thầy, những lớp truyền dạy mở ra nhằm mục đích tạo cơ hội cho người dân, nhất là thế hệ thanh thiếu niên tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc. Qua đó, khơi gợi niềm đam mê và tạo ra các sân chơi lành mạnh giúp người trẻ tiếp nối, lưu giữ di sản văn hóa. Để việc truyền dạy đảm bảo mục đích, hiệu quả, thời gian học không ảnh hưởng đến quá trình lao động, học tập của học viên, Phòng phối hợp với địa phương lên danh sách, bố trí thời gian, địa điểm phù hợp.

“Thành công lớn nhất của những lớp học là thu hút đông đảo người dân đăng ký tham gia, bà con cũng đến động viên, cổ vũ. Sau khi học xong, hầu hết học viên đều đã biết chơi các bài chiêng cơ bản; chế tác một số nhạc cụ truyền thống đơn giản, dệt được hoa văn đặc trưng thổ cẩm; biết đan vài vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Thời gian tới, Phòng tiếp tục mở thêm 4-5 lớp truyền dạy văn hóa dân tộc để góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện”- ông Trần Văn Tiên cho hay.  

Nay Săt


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/hieu-qua-tu-nhung-lop-truyen-day-van-hoa-dan-toc-40071.html