Đề xuất trừ điểm GPLX, tài xế sẽ được hưởng lợi?

52

thanhnien.vn

Bộ Công an đang lấy ý kiến các cơ quan, hiệp hội về dự thảo báo cáo giải trình một số nội dung mới trong dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Bộ này đề xuất đưa quy định về điểm và trừ điểm GPLX vào dự thảo luật, nhằm góp phần quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho đến quá trình chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

Đề xuất trừ điểm GPLX, tài xế sẽ được hưởng lợi?- Ảnh 1.

Đề xuất trừ điểm GPLX được nhiều ý kiến ủng hộ, vì góp phần nâng cao ý thức người tham gia giao thông

Tài xế vi phạm được hưởng lợi?

Theo Bộ Công an, một trong những tác động tích cực mà biện pháp trừ điểm GPLX mang lại đó là quyền lợi của người điều khiển phương tiện khi vi phạm pháp luật về giao thông.

Hiện nay, khi xử phạt, cơ quan chức năng sẽ tước GPLX có thời hạn, đồng nghĩa tài xế không được phép điều khiển phương tiện, từ đó tác động đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân.

Ngược lại, nếu quy định điểm GPLX, trường hợp vi phạm nhưng GPLX vẫn còn điểm, tài xế tiếp tục được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông (sau 1 năm kể từ lần trừ điểm gần nhất mà GPLX còn điểm thì được phục hồi 12 điểm), các hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sẽ ít bị ảnh hưởng.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vừa qua, cho ý kiến về dự thảo luật Trật tư, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) ủng hộ quy định về điểm GPLX.

Nữ đại biểu cho rằng, quy định này sẽ đánh trực tiếp vào ý thức của người điều khiển phương tiện, và đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tùy vào hành vi vi phạm, tài xế sẽ bị trừ số điểm nhất định. Vi phạm nhiều lần thì tài xế sẽ bị trừ nhiều lần, trừ đến khi bị tước GPLX và phải học lại.

Như vậy, tài xế buộc phải tự ý thức về số điểm trên GPLX của mình, hạn chế tối đa khả năng vi phạm để bị trừ điểm.

Đại biểu Phước cũng nhận định, điểm của GPLX còn có thể được sử dụng như mục tiêu, tiêu chí để các nhà tuyển dụng sử dụng khi tuyển lao động là lái xe cho mình.

Đề xuất trừ điểm GPLX, tài xế sẽ được hưởng lợi?- Ảnh 2.

Với quy định trừ điểm GPLX, tài xế vi phạm vẫn có thể tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông nếu GPLX còn điểm

Cần quy định rõ ràng, chặt chẽ

Ủng hộ đề xuất của Bộ Công an, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng với việc trừ điểm GPLX, tài xế sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm hơn, thường xuyên theo dõi thông tin trên cơ sở dữ liệu, luôn chú ý và chấp hành nghiêm chỉnh luật khi điều khiển xe trên đường, để không bị trừ hoặc trừ hết điểm.

Cạnh đó, quy định về điểm GPLX sẽ giúp cơ quan quản lý giám sát, theo dõi, đánh giá được việc chấp hành pháp luật của tài xế. Doanh nghiệp, cơ quan cũng quản lý được và xem xét ký hợp đồng lao động, giám sát việc tài xế chấp hành các quy định trong suốt quá trình làm việc.

Dưới góc độ thụ hưởng chính sách, anh Nguyễn Viết Long (trú tại Hà Nội) cũng hoan nghênh đề xuất của Bộ Công an. Bởi lẽ, nếu áp dụng biện pháp trừ điểm GPLX, người điều khiển phương tiện vẫn có thể tiếp tục tham gia giao thông thay vì bị “truất quyền” như bấy lâu nay. Như vậy là nhân văn hơn.

Tuy nhiên, anh Long cho rằng cần có quy định chi tiết về mức độ vi phạm như thế nào thì bị trừ, số điểm trừ cho từng lỗi; các lỗi nhỏ, đơn giản thì không nên trừ; các lỗi bị trừ điểm phải rõ ràng để CSGT và người dân đều thông suốt, tránh cãi cọ khi phát sinh vi phạm…

Lo ngại việc trừ điểm GPLX sẽ phát sinh tình trạng “cưa đôi” giữa người vi phạm và CSGT, anh Long lưu ý cần có khung pháp lý chặt chẽ để ngăn chặn mối lo này.

Không phát sinh tiêu cực

Bộ Công an cho hay, Chính phủ sẽ ban hành quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục, thực hiện trừ điểm, phục hồi GPLX.

Thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm sẽ bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người vi phạm, theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về sát hạch, cấp GPLX; hệ thống cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính.

Khi có quyết định xử phạt (đối với hành vi vi phạm có quy định trừ điểm), tài xế sẽ nhận được thông báo của cơ quan xử phạt về việc GPLX bị trừ điểm.

Hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ tự động trừ điểm (không có sự tiếp xúc giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm, nên sẽ không phát sinh tiêu cực, không trùng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính) hoặc sau 1 năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu còn điểm hệ thống sẽ tự động phục hồi điểm cho tài xế.


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/de-xuat-tru-diem-gplx-tai-xe-se-duoc-huong-loi-185240222101243619.htm