thanhnien.vn
“LỠ HẸN” SUM VẦY CÙNG GIA ĐÌNH…
Như mọi ngày, cứ đến 16 giờ 30, Nguyễn Thành Đô (32 tuổi) lại về phòng trọ sau khi kết thúc ngày làm việc tại công ty. Những ngày làm việc gần tết này với Đô thật khác, không quá mệt mỏi, rảnh rỗi và nhẹ nhàng. Tuy vậy, sự rảnh rỗi này là cả một áp lực nặng nề bên trong, đó là anh bị giảm giờ làm, không được tăng ca như mọi năm khiến thu nhập của Đô ít lại, nhu cầu cho cuộc sống cá nhân bị giảm sút trầm trọng.
Thành Đô cho biết đang là công nhân tại một công ty nằm trong Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Đô sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn thuộc xã Nghĩa Lộ, H.Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Vì cuộc sống cơ cực từ nhỏ nên đến tuổi lao động, Đô cùng chị rời quê vào miền Nam tìm việc để mong sao phụ giúp ba mẹ có cuộc sống tốt hơn. Đô vào tỉnh Bình Dương, rồi TP.HCM đến hiện tại là tỉnh Đồng Nai để làm công nhân.
Thành Đô sau mỗi ngày đi làm về
Đô còn trẻ nhưng là lao động chính của gia đình vì còn phải nuôi ba mẹ ở quê. “Những năm trước cũng khó khăn nhưng đồng lương công nhân không quá chật vật, tôi vẫn có tiền gửi về cho ba mẹ, tiết kiệm được một chút. Nhưng năm nay thì khác, nhiều thứ quá khó. Ngoài đồng lương gần 6 triệu đồng thì không còn gì, hầu như làm bao nhiêu là hết sạch”, Đô bày tỏ và nói phải gửi mỗi tháng 3 triệu đồng về quê, số tiền còn lại để trả phòng trọ, ăn uống, đi lại. Thế là Đô không còn đồng tiết kiệm nào cho riêng mình.
Từ những khó khăn đó, nên gần 3 năm qua Đô chưa dám về quê ăn tết. Hễ mỗi lần tết đến, muốn về quê thì Đô không có tiền mua vé xe. “Và năm nay cũng vậy, tiền vé xe về Nghệ An cũng hơn 3 triệu đồng cho cả hai chiều, chưa kể quà và tiêu vặt. Trong khi tiền lương mỗi tháng chỉ vừa đủ cho cuộc sống chật vật ở đây, không dư đồng nào thì làm sao tôi dám mơ chuyện về quê ăn tết”, Đô chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ với Đô là anh Nguyễn Văn Hội (37 tuổi), cũng đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Tam Phước. Gia đình anh Hội gồm 4 thành viên, vợ và 3 người con đều còn nhỏ. Đứa con út chỉ được vài tháng tuổi. Lương công nhân của 2 vợ chồng mỗi tháng cộng lại vào khoảng 10 triệu đồng, trong khi nuôi 3 đứa con nên cuộc sống của gia đình anh Hội khá khó khăn.
Anh Hội cho biết: “Cực nhất là nuôi 3 đứa con trong tuổi ăn tuổi lớn, tiền ăn uống, học, chỉ đủ cho mỗi tháng. Hai vợ chồng tôi phải thay nhau chăm sóc con. Có khi tôi làm ca sáng thì vợ làm tối hoặc ngược lại. Làm bao nhiêu tiền đều dành hết cho chúng nó. Do vậy 3 năm qua tôi chưa được về quê vào dịp tết để thăm gia đình vì không có tiền”.
Được về quê ăn tết là mong ước của nhiều công nhân hiện nay
Nói rồi anh lại nhớ về ký ức buồn của những mùa tết trước. Hai vợ chồng và các con lủi thủi trong phòng trọ, không dám mua sắm gì. Trước tết, anh chị làm ngoài giờ để có tiền sắm sửa cho con. Anh ráng mua một ít bánh mứt, quần áo mới cho 2 con để gọi là có tết. Bản thân anh và vợ “tạm nhịn” chờ qua tết mới tính. Còn năm nay, bị cắt giờ làm, không tăng ca thì anh không biết tết này sẽ như thế nào.
Do đó, cảm xúc lúc này của anh Hội vui buồn lẫn lộn, bởi gần tết chuyện tiền nong, về quê, sắm sửa dường như quá xa vời. Chưa kể 3 năm không về quê khiến nỗi nhớ nhà, ba mẹ làm anh càng chạnh lòng. Khi hỏi kinh phí về quê, anh ước tính: “Nếu về tới nhà ở tỉnh Quảng Trị thì tiền vé xe khoảng 2 triệu đồng/người, 4 người tầm 8 triệu đồng, gần bằng lương 1 tháng của vợ chồng cộng lại”.
… VÀ NHỮNG NIỀM MONG ƯỚC
Gian truân hơn anh Đô, Hội một chút là trường hợp của chị Nguyễn Thị Thơm (34 tuổi), cũng đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Tam Phước. Chị Thơm quê ở tận Hà Tĩnh, có 2 đứa con và cũng đã chia tay chồng cách đây không lâu. Con trai đầu của Thơm bị bệnh khuyết lồng ngực, được gửi lại quê nhà cho ông bà ngoại chăm sóc. Còn con gái nhỏ được Thơm mang theo vào Đồng Nai hồi đầu năm 2023.
“Tôi cũng từng làm công nhân ở tỉnh Bình Dương, rồi sau đó về quê và không có việc làm mới vào tỉnh Đồng Nai tìm kế sinh nhai. Ngày trở vào tôi chỉ biết ôm con, xách túi, nhờ bạn bè tìm giúp phòng trọ chứ cũng không có việc làm gì. Ai thuê việc vặt gì cũng làm, thiếu thốn quá thì đi nhặt ve chai mỗi ngày để sống. Tôi được nhiều người giúp đỡ, cho thức ăn, đồ đạc, cuộc sống cứ tạm bợ như vậy”, chị Thơm giãi bày.
Chị Thơm cùng con gái với nỗi lo tết đến
May mắn hồi tháng 7.2023, Thơm được nhận vào làm tại một công ty sản xuất gỗ ở khu công nghiệp nên từ đó cuộc sống được gọi là tạm ổn hơn trước. Tuy vậy, không vì thế mà Thơm hết khó khăn trong cuộc sống mỗi ngày. Với đồng lương chỉ 5,2 triệu đồng/tháng, Thơm dành hết vào việc nuôi con. Từ chi trả tiền thuê trọ đến giữ trẻ, ăn, uống, đi lại… cũng đã ngốn hết tiền lương của cô. Bữa cơm mỗi ngày của Thơm hầu như chỉ toàn rau và canh lạt. Chưa kể những lúc con bệnh là thiếu trước hụt sau, cô phải mượn tiền chạy chữa. Cứ thế điệp khúc lãnh lương rồi trả nợ cứ xảy ra thường xuyên với Thơm.
“Vừa rồi mẹ tôi gọi vào hỏi tết này có về nhà không, có về thăm con trai không. Chứ bỏ đi lâu như vậy, mỗi ngày nó trông ngóng làm bà ngoại cũng cảm thấy tội quá. Tôi lại nghẹn ngào nói khó khăn quá chắc con không về được”, Thơm chia sẻ.
Thơm nói rằng cuộc sống mỗi ngày còn quá chật vật thì làm sao dám nghĩ đến chuyện ăn tết hay huống chi về quê. Nhắc đến đây, ánh mắt của Thơm lộ rõ vẻ đượm buồn bởi ở nơi xa xôi kia luôn có con trai, ba mẹ già đang mong ngóng cô trở về từng ngày. Còn nếu ở lại Thơm nghĩ mọi thứ diễn ra như những ngày bình thường. Hai mẹ con cũng sẽ nương tựa nhau cho qua tết này. Chưa kể công ty đã thông báo sẽ cho nghỉ tết tận 1 tháng, kèm không trả lương khiến Thơm cũng không biết phải làm sao. Điều này đồng nghĩa dù ở lại tại phòng trọ thì với Thơm cũng sẽ không có tết.
Nói về ước mong của mình, Thơm bày tỏ: “Thật sự tôi không muốn tết đến. Nhưng dù gì nếu được về quê trong tết này là điều sướng nhất vì không đâu bằng chính ngôi nhà của mình. Tôi muốn được gặp con trai, ba mẹ để chăm sóc và bù đắp sau những ngày tôi không ở nhà. Đó mới chính là tết vui nhất của tôi”.
Những lời nói đó không chỉ của Thơm mà dường như cũng là ước mong chung của anh Hội và Đô. “Tôi cũng mong có tiền để được về quê, sum họp với gia đình trong cái tết này. Chứ tôi không dám có ước mơ nào cao xa hơn với điều thiết thực được về quê ăn tết lúc này”, Thành Đô chia sẻ.
Nhằm hỗ trợ cho các công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đoàn tụ cùng gia đình vào ngày tết, Báo Thanh Niên phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân TP.HCM tổ chức chương trình “Chuyến xe mùa xuân – Hy vọng 2024 – Đưa công nhân về quê đón Tết Giáp Thìn” với sự tài trợ chính từ nhãn hàng OMO. Chương trình trao tặng 1.500 vé xe đưa công nhân, người lao động từ TP.HCM về quê đón tết tại 14 tỉnh: Đăk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Các chuyến xe sẽ khởi hành vào ngày 5.2.2024 (nhằm ngày 26 tháng chạp).
Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/de-duong-ve-tet-khong-xa-tien-dau-ve-que-185240119180840668.htm