laodong.vnĐánh chiêng tha (dân tộc Brâu, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, 2018). Ảnh: TRẦN TẤN
Cồng chiêng như máu, như tâm hồn
Theo đạo diễn Nguyễn Quang Quyết, bộ phim khẳng định sức mạnh nội sinh của văn hóa. Đó chính là bản sắc là nền tảng phát triển của quốc gia dân tộc: văn hóa nằm trong trái tim, tâm hồn nhân dân. Việc khơi dậy tình yêu của mọi người với bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đồng bào mình hết sức quan trọng. Giới trẻ là đối tượng chúng ta hướng tới để gìn giữ phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa.
Chia sẻ với Lao Động về hành trình những nhà làm phim khoác áo lính gắn bó cùng người dân Tây Nguyên trên con đường bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đạo diễn Nguyễn Quang Quyết cho biết, khi bắt tay vào bất cứ đề tài nào, những nhà làm phim luôn phải đặt tinh thần trách nhiệm, tình yêu với đề tài đó. Ngoài việc tìm tòi để hiểu, nhà làm phim phải tìm ra những hướng đi riêng biệt để tác phẩm của mình mang phong cách riêng, tạo dấu ấn với khán giả.
Với đề tài về cồng chiêng – đề tài không mới, nhiều người đã làm, nên ê kíp phải tìm ra cho mình hướng đi khác. Đoàn làm phim đã lấy tứ: “Muốn khôi phục và phát triển được cồng chiêng thì phải khơi dậy tình yêu của các bạn trẻ”; hình ảnh người lính khi huấn luyện ở các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên là môi trường hoàn hảo để khơi dậy tình yêu của họ với nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.
Đạo diễn Nguyễn Quang Quyết cho hay, thời gian đoàn làm phim thực hiện bộ phim là gần một tháng. Khó khăn lớn nhất của đoàn làm phim chính là việc tìm hiểu văn hóa của người dân Tây Nguyên, am hiểu về âm thanh cồng chiêng. Khi tiếp xúc với các nhân vật phải làm sao để truyền tải được điều mình mong muốn, khai thác được đúng trọng tâm, đúng điểm nhấn của họ với nội dung đề tài mình khai thác.
Đạo diễn Nguyễn Quang Quyết chia sẻ: “Cả ê kíp cùng ăn, ở, đánh cồng chiêng với bà con, với người lính. Qua đó, thấy được, đồng bào rất yêu, say mê cồng chiêng và nó như thấm vào máu họ vậy. Bất cứ ai, không phân biệt già trẻ, nam nữ, độ tuổi, chỉ cần nghe tiếng chiêng, họ đã chú ý và biết chơi rất nhanh. Âm thanh của cồng chiêng với họ trở nên thân thuộc đến lạ thường.
Người dân Tây Nguyên rất thật và phóng khoáng, nhưng có cái tôi hết sức cao, nhất là những người có máu nghệ sĩ. Nếu mình không biết cách khơi gợi và không xuất phát từ sự chân thành của mình với họ cũng như tình yêu với âm thanh cồng chiêng, rất khó để họ bộc bạch hết những suy tư mình mong muốn.
Cụ thể như KaLy – một người trẻ rất nhiệt huyết, tài năng. KaLy có thể quên ăn, quên ngủ vì cồng chiêng. Ngày nào KaLy không nghe được tiếng cồng chiêng, anh thấy khó chịu, bứt rứt trong người. KaLy là người rất nghiêm khắc trong công việc, nghe tiếng chiêng bị sai hay anh dạy cho mọi người, truyền đạt ý của mình tới mọi người mà họ thực hiện không đúng ý, KaLy sẽ bày tỏ quan điểm của mình, yêu cầu mọi người phải làm tốt. Đó cũng là một áp lực với đoàn làm phim.
Tôi thật sự tâm đắc với câu nói: Cồng chiêng như máu, như tâm hồn người dân Tây Nguyên.
Nguời Tây Nguyên yêu và coi cồng chiêng là hơi thở không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của mình. Họ cũng chia sẻ những nỗi buồn khi một bộ phận không nhỏ giới trẻ giờ không mặn mà với âm thanh của cồng chiêng.
Và bày tỏ nỗi buồn khi một thời gian dài cồng chiêng bị chảy máu. Khi tiếp xúc với họ mới thấu hiểu tình yêu họ dành cho cồng chiêng lớn tới nhường nào. Ngay trong mỗi cá nhân, gia đình và buôn làng hay bất cứ đâu, hoàn cảnh môi trường nào, cồng chiêng luôn hiện diện”.
Đạo diễn Nguyễn Quang Quyết trong quá trình làm phim “Thanh âm đại ngàn” ở Tây Nguyên. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sự sáng tạo của tập thể
Vừa là biên kịch, vừa là đạo diễn, đạo diễn Nguyễn Quang Quyết cho rằng, khó khăn của bất cứ tác giả nào khi bắt tay viết một đề tài nào đó luôn là ý tưởng, cách triển khai khung sườn kịch bản.
Đạo diễn Nguyễn Quang Quyết có lợi thế khi anh trực tiếp viết kịch bản. Khi đó, anh là người hiểu hơn ai hết trong kịch bản định nói gì, điểm nhấn ở đâu, những mặt hạn chế nào trong kịch bản văn học còn vướng phải khi ra phim cần khắc phục.
Đạo diễn Nguyễn Quang Quyết cho biết: “Khi viết kịch bản, tôi đã có lựa chọn về hệ thống nhân vật nên khi tiến hành quay gặp rất nhiều thuận lợi, không rơi vào tình trạng có nhân vật hay không. Hợp tác hay không hợp tác. Hơn nữa, khi tôi viết kịch bản và làm đạo diễn luôn, tôi biết nút thắt của kịch bản nằm ở vị trí nào, mình cần khai thác điểm nhấn đó ra sao”.
Bất cứ tác phẩm nào cũng luôn đòi hỏi sự sáng tạo của tập thể; tác phẩm thành công hay không chính là công sức sáng tạo của cả một tập thể. Khi làm việc với quay phim, Nguyễn Quang Quyết muốn truyền tải tình yêu của mình với tác phẩm để họ cảm nhận và yêu cùng mình. Đạo diễn Nguyễn Quang Quyết đã đề nghị quay phim phải có những trăn trở, cùng sáng tạo với mình trong từng khuôn hình, cảnh quay.
“Phải nói 2 quay phim Hà Hải Long và Phạm Quang Dũng đã rất hiểu và rất say mê trong những khuôn hình, trong cả nghệ thuật chiếu sáng. Có nhiều cảnh quay chính 2 quay phim cũng đã trao đổi và gợi ý cho mình rất nhiều để xoay chuyển, bố cục lại nội dung sao cho hấp dẫn không chỉ nội dung và cả ngôn ngữ hình ảnh” – đạo diễn Nguyễn Quang Quyết bày tỏ.
“Thanh âm đại ngàn” được Điện ảnh Quân đội nhân đầu tư dàn dựng công phu, với mong muốn mang đến cho khán giả góc nhìn đa chiều của những nghệ sĩ – chiến sĩ và những tác phẩm mang màu sắc áo lính.
Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/cong-chieng-tay-nguyen-nhu-mau-nhu-tam-hon-1302476.ldo