vnexpress.net
Một trong những vật dụng đầu tiên chị Huỳnh Tuyết Hương mang theo trong hành trình chống lại bệnh ung thư vú là đôi giày chạy.
Những ngày đầu năm 2024, khoa điều trị của bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM xuất hiện một bệnh nhân kỳ lạ. Một người phụ nữ với cái đầu trọc thường gặp ở những bệnh nhân thực hiện hóa trị chống ung thư và đôi mắt kính của dân văn phòng. Mỗi ngày, cô chạy bộ dọc hành lang bệnh viện, giống như thói quen của bản thân trước khi mắc bệnh. Có người cho rằng cô bị khùng vì lạc quan thái quá trước nghịch cảnh, nhưng cũng rất nhiều người tỏ ra thích thú.
Hương tiếp tục tập luyện chạy bộ cùng chồng ở Gia Lai sau khi phát hiện mắc ung thư vú. Ảnh: NVCC
Người phụ nữ đó là Huỳnh Tuyết Hương, sinh năm 1978 ở Bình Thuận nhưng đang sống và làm việc ở Gia Lai. Hương là runner quen mặt với cộng đồng chạy bộ Gia Lai. Tháng 12/2023, trong một lần khám sức khỏe định kỳ, cô được thông báo mắc ung thư vú. Đó là cú sốc với runner 46 tuổi và gia đình, bởi chị thường xuyên tập luyện thể thao từ thời thanh niên và theo đuổi lối sống lành mạnh.
“Tôi và người thân đều rất sốc khi biết tin mình bị ung thư. Vì tôi chơi thể thao điều độ, buổi sáng chạy bộ và buổi chiều, sau giờ làm việc thì tập yoga. Đó là thói quen được duy trì từ thời trẻ đến giờ. Tôi còn chơi các môn như bơi lội, đạp xe… Nói chung, không có ngày nào tôi không hoạt động thể thao. Tuy nhiên, sau khi trao đổi với bác sĩ, tôi biết nguyên nhân gây ra bệnh liên quan đến vấn đề y học. Nhiều VĐV trên thế giới cũng bị ung thư đó thôi. Khi hiểu được, tôi không cảm thấy cuộc đời bất công với mình nữa. Từ đó, tôi chấp nhận và đối diện với tinh thần lạc quan. Đó là cách tốt nhất để vượt qua khó khăn này, không chỉ với mình mà còn người thân xung quanh”, Hương chia sẻ.
Ban đầu, nghĩ đến việc bản thân không thể hoàn thành kế hoạch dang dở với chạy bộ, runner này có phần đau xót. Năm nay, Hương đã lên kế hoạch lần đầu tham dự Dalat Ultra Trail giữa tháng 3, nội dung 75km. Đây sẽ là giải chạy địa hình đầu tiên cô tham dự và là niềm ao ước từ lâu của runner 46 tuổi.
Ngoài ra, Hương cũng muốn chinh phục sub4 marathon sau nhiều lần tiệm cận. Cô muốn trở thành một trong hơn 4000 người Việt Nam chạm cột mốc này và đặt mục tiêu làm điều đó ở giải vô địch quốc gia 2024 tại Phú Yên cuối tháng Ba. Hiện, thành tích tốt nhất của Hương ở cự ly full marathon là 4 giờ 2 phút, còn cự ly half marathon là 1 giờ 53 phút. Cô cũng lên kế hoạch tham dự giải Stop and Run Marathon ở quê nhà Bình Thuận. Năm ngoái, Hương về thứ ba cự ly marathon nữ ở giải đấu này và muốn trở lại vào ngày 19/5 để hội ngộ với những đồng run thân thiết.
“Tôi thốt lên với bác sĩ là: ‘Trời ơi, em còn nhiều giải chưa kịp chạy lắm, còn nhiều mục tiêu cho năm 2024. Bây giờ phải làm sao?’ Bác sĩ nói là phải tập trung cho điều trị chứ biết sao giờ. Tuy nhiên, sau khi lấy lại bình tĩnh, tôi điều chỉnh lại kế hoạch. Tôi không từ bỏ đam mê, mà sẽ chạy bộ với cường độ nhẹ hơn, phù hợp hơn với thể trạng hiện tại”, Hương nói.
Nghĩ là làm, Hương nhờ em trai mang vào bệnh viện đôi giày chạy của cô và tập luyện trong khuôn viên của khoa điều trị mỗi ngày. Ban đầu, có người dè bỉu: “Runner mà cũng mắc ung thư à?”. Nhưng dần dà, hành động của cô truyền cảm hứng cho nhiều người. Một số bệnh nhân khác bắt đầu đi bộ, chạy nhẹ cùng cô. Hương cảm thấy vui vì có thêm những người bạn mới, và khiến cho thời gian nằm viện của cô vui vẻ hơn.
Bệnh nhân ung thư chạy bộ trong bệnh viện
Hương chạy bộ trong hành lang bệnh viện Chợ Rẫy.
Runner sinh năm 1978 cũng điều chỉnh mục tiêu của cô ở các giải chạy chứ không bỏ cuộc. Cô điện thoại cho ban tổ chức giải vô địch quốc gia, xin đổi cự ly từ 42km xuống 21km và dự định sẽ chạy với chiếc nơ màu hồng trên đầu để truyền tải thông điệp chạy bộ chống ung thư. Ngày ra viện, cô nhờ người thân mang vào một bộ đồ thể thao để mặc lúc chia tay mọi người.
“Sau phẫu thuật, quá trình tập luyện của tôi gián đoạn một thời gian vì vết mổ khá đau. Sau đó, tôi tập trung trị liệu vết thương rồi xuất viện. Bây giờ, sức khỏe tôi cũng đã ổn định đôi chút, dù vẫn phải truyền hóa chất định kỳ. Tôi nghĩ nền tảng thể lực tốt nhờ thường xuyên rèn luyện thể thao giúp bản thân hồi phục nhanh hơn”, cô chia sẻ.
Hương cho rằng chạy bộ không chỉ giúp củng cố sức khỏe mà còn giúp cô có thêm tự tin và tinh thần dám đương đầu trước khó khăn. Sau khi biết bản thân phải hóa trị, runner 46 tuổi đã tự cạo đầu, thay vì trải qua nỗi sợ rụng tóc hàng ngày. Chứng kiến tinh thần đó của cô, con trai đang học ở TP HCM cũng cạo đầu theo để ủng hộ mẹ.
Hương tham dự cự ly 21km tại giải VnExpress Marathon Sparkling Quy Nhơn 2023. Ảnh: VM
Sự ủng hộ từ cộng đồng chạy bộ cũng là nguồn động viên to lớn với Hương trong hành trình chống ung thư. “Đồng run” là những người đầu tiên khiến cô thoải mái chia sẻ về nghịch cảnh của bản thân. Cô khuyên các bệnh nhân ung thư khác hãy tham dự cộng đồng chạy bộ hoặc chơi bất kỳ môn thể thao nào khác để được lan tỏa tinh thần sống tích cực, qua đó có thêm động lực vượt qua bệnh tật.
Có lần, ba ngày sau khi vào thuốc, vì quá nhớ cộng đồng chạy bộ, Hương tự bắt xe đến tham dự một sự kiện giao lưu giữa CLB Gia Lai Marathon và các runner Kon Tum. Tại đây, tuy cơ thể còn mệt và yếu do mới truyền hóa chất, cô gắng gượng chạy 5km cùng mọi người. Sau khi hoàn thành, Hương cảm thấy sảng khoái và có thêm sinh lực để tin tưởng vào con đường phía trước.
“Môn chạy bộ có cái hay là giúp mọi người kết nối cộng đồng dễ dàng hơn, chủ động hơn về mặt thời gian. Lời khuyên của tôi đến các bệnh nhân ung thư là hãy xỏ giày chạy. Ban đầu có thể là những bước đi bộ nhẹ nhàng thôi. Sau đó, mọi người có thể tăng dần cự ly lên 500m, một kilomet và nhiều hơn, tùy thể trạng cho phép”, cô nói.
Quỳnh Chi
Nguồn bài viết:
https://vnexpress.net/chay-bo-trong-benh-vien-de-them-nghi-luc-chong-ung-thu-4722629.html