Bảo tồn văn hóa cồng chiêng từ thế hệ trẻ

76

baokontum.com.vn

09/05/2024 13:50

Với mong muốn bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc Gia Rai, các nghệ nhân ở thôn K’Bay, xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) đã thành lập đội cồng chiêng trẻ và truyền dạy nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng.

Qua vận động, có khá nhiều em đồng ý tham gia luyện tập. Các nghệ nhân và cộng đồng thôn thống nhất, ban đầu, sẽ hướng dẫn tất cả các em tập luyện, rồi lựa chọn 11 em (từ 12 – 17 tuổi) có năng khiếu để thành lập đội cồng chiêng trẻ của thôn. Thôn chọn cử 2 nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm trực tiếp truyền dạy cho các bạn trẻ.

“Những ngày mới thành lập đội cồng chiêng, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Để tìm được người có năng khiếu về âm nhạc đã khó, thuyết phục được các em tham gia cũng rất nan giải. Có em còn đi học, người lại bận bịu với nương rẫy rồi còn cả sự ngại ngần. Vì vậy, chúng tôi quyết định đến từng nhà có thanh niên vận động tham gia học đánh cồng chiêng” – ông A Đứu, 1 trong 2 người trực tiếp truyền dạy cồng chiêng cho hay.

171647%C4%90%E1%BB%99i%20c%E1%BB%93ng%20chi%C3%AAng%20tr%E1%BA%BB%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20th%C3%A0nh%20l%E1%BA%ADp%20v%E1%BB%9Bi%20l%E1%BB%A9a%20tu%E1%BB%95i%20t%E1%BB%AB%2012%20%E2%80%93%2017%20tu%E1%BB%95i

Đội cồng chiêng trẻ được thành lập với lứa tuổi từ 12 – 17. Ảnh: TT

 

Cũng theo ông A Đứu, dạy cồng chiêng cho lứa tuổi này rất khó, một phần vì các em còn chưa ý thức được việc gìn giữ và bảo tồn, phần vì các em còn ham chơi. Có nhiều em tập được một, hai buổi thấy khó bắt đầu nản. Nên các nghệ nhân phải vừa dạy vừa khích lệ, động viên.

Và rồi, hơn một tháng nay, cứ vào chiều tối thứ Bảy và Chủ nhật, khi mặt trời vừa xuống núi, các bạn trẻ trong thôn lại tụ họp ở khoảng sân trống bên cạnh nhà rông của thôn để học đánh chiêng. Từng em được các nghệ nhân hướng dẫn cách đeo chiêng, cầm nắm, gõ để tạo ra âm thanh, tiết tấu, nhịp điệu phù hợp.

Em A Trịu (học sinh lớp 7) tham gia lớp học cho biết: Em rất thích đánh chiêng nhưng trước đây chỉ được xem mọi người trong làng biểu diễn rồi bắt chước theo. Giờ đây được tham gia lớp học, em được hướng dẫn rất cụ thể. Em sẽ cố gắng tập luyện để cùng các bạn của mình nhanh chóng thành thạo các kỹ năng biểu diễn chiêng để tham gia các ngày hội.

“Qua hơn 1 tháng tập luyện, hầu hết học viên đều nhận biết được tiết tấu, nhịp điệu của những bài cồng chiêng truyền thống. Quan trọng hơn, sau khi cảm nhận được cái hay của văn hóa dân tộc, các em trở nên đam mê, thích thú. Những bài chiêng đánh trong các lễ hội như đâm trâu, mừng lúa mới đã thực sự lôi cuốn được các em. Các em đã không còn bị ép buộc mà tự giác tham gia lớp học với tinh thần hăng hái, tích cực” – ông A Đứu vui mừng cho biết.

A Toa, 17 tuổi, thành viên lớn tuổi nhất của đội cồng chiêng trẻ nói: Em sẽ cố gắng học thuộc các bài biểu diễn, sau này hướng dẫn cho các bạn trong thôn: Em mới theo học được hơn 1 tháng nhưng càng học em càng thấy thích và chưa vắng mặt buổi tập nào. Em rất vui được học hỏi theo các nghệ nhân nghệ thuật đánh chiêng. Trước kia khi chưa được học, em nghĩ đánh chiêng cũng chỉ nghe cho hay thôi nhưng càng học em lại càng bị lôi cuốn bởi sự đa dạng trong tiết tấu, phong phú giai điệu của nó.

171619Ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20Gia%20Rai%20%C4%91%C3%A1nh%20c%E1%BB%93ng%20chi%C3%AAng%20trong%20c%C3%A1c%20h%E1%BB%99i%20thi%20(1)

Người Gia Rai đánh cồng chiêng trong các hội thi. Ảnh: T.T

 

Dồn tâm huyết cho đội cồng chiêng trẻ, các nghệ nhân thôn K’Bay còn sáng tác một bài hát cùng bài chiêng mới kể về truyền thuyết chàng trai mang trong mình sức mạnh thần thánh giải cứu cô gái thoát khỏi xiềng xích nô lệ và bảo vệ cô gái khỏi áp bức với giai điệu vừa như giục giã, vừa như trao gửi tâm tình.

Cùng đó, trong 4 bộ chiêng được lưu giữ, cộng đồng thôn dành riêng 1 bộ 14 chiêng để đội cồng chiêng trẻ tập luyện. Đồng thời, đề xuất các cấp chính quyền tạo điều kiện cấp thêm 1 bộ chiêng và trang phục cho đội.

Giờ đây, những giai điệu cồng chiêng rộn rã ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình và tình yêu quê hương, đất nước thường xuyên vang lên ở làng K’Bay làm phong phú và đẹp thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây. Sự tận tâm của các nghệ nhân, sự nỗ lực của các bạn trẻ ở K’Bay là một tín hiệu đáng mừng trong việc gìn giữ, nối truyền các giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào Gia Rai nói riêng, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung.      

Thanh Tú


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/bao-ton-van-hoa-cong-chieng-tu-the-he-tre-40663.html