baokontum.com.vn
Những ngày này cả nước đang hân hoan hướng về ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Trong những ngày mùa thu lịch sử, âm vang ca khúc khải hoàn “Mười chín tháng Tám” lại rộn rã, vang vọng non sông như lời hiệu triệu ngày nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi cả nước nhất tề đứng dậy tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, đưa đất nước thoát khỏi áp bức bóc lột gần 100 năm của thực dân Pháp, xóa bỏ hoàn toàn chế độ phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sáng 19/8/1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
79 năm đã trôi qua nhưng ngày 19/8/1945 lịch sử, vẫn còn sống mãi với nhân dân và non sông Việt Nam, trở thành biểu tượng tinh thần, nguồn sức mạnh to lớn đoàn kết, cổ vũ, động viên toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Cách mạng Tháng Tám đã nêu cao tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có truyền thống lâu đời chiến đấu vì độc lập tự do, quyết không chịu làm nô lệ. Sau 80 năm đấu tranh không ngừng nghỉ chống thực dân Pháp, bước sang năm 1945, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ đứng trước thời cơ lớn. Cuộc đảo chính ngày 9/3/1945 truất quyền của Pháp, chiếm hẳn lấy Đông Dương làm thuộc địa riêng của phát xít Nhật đã tạo ra cơ hội cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi. Trong tình thế ngặt nghèo, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức khôn khéo, linh hoạt đẩy lùi nguy cơ để tạo ra thời cơ thuận lợi.
Ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị là lời hiệu triệu mạnh mẽ đối với dân chúng cùng khẩu hiệu chỉ đạo hành động quyết liệt “phá kho thóc giải quyết nạn đói” cho đồng bào đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh và khởi nghĩa trong nhân dân, tập dượt quần chúng đi từ hình thức đấu tranh thấp đến những hình thức đấu tranh cao, kết hợp đấu tranh kinh tế, chính trị, vũ trang chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.
Từ tháng 3 đến tháng 8/1945, Đảng ta tiếp tục đề ra nhiều chủ trương quan trọng nhằm thúc đẩy cao trào kháng Nhật, cứu nước. Đặc biệt, đầu tháng 5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Cao Bằng về Chiến khu Hoàng Hoa Thám, chọn Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) làm đại bản doanh chỉ đạo phong trào cả nước, chuẩn bị gấp một số công việc cho Tổng khởi nghĩa.
Giữa tháng 8/1945, tình thế cách mạng trực tiếp đã đến. Ngay sau khi nhận được tin Nhật Bản gửi công hàm cho các nước Đồng minh đề nghị mở cuộc đàm phán ngừng bắn, Thường vụ Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh họp vào ngày 12/8/1945, quyết định Tổng khởi nghĩa vũ trang trong cả nước. Ngày 13/8, nhận được tin phát xít Nhật bại trận và sắp đầu hàng Đồng minh, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh lập tức thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, 23 giờ cùng ngày, Uỷ ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số I, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Ngày 14/8, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào, phân tích chính xác tình hình và nhất trí: Đảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành quyền độc lập hoàn toàn.
Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Xác định “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến” Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Lời hiệu triệu của Người cũng chính là lời của núi, sông, lời của trái tim triệu triệu con dân đất Việt. Nhân dân cả nước đã đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18/8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam… Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Kạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu… Ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn – Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre… Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền… Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. Sáng ngày 19/8/1945, nhân dân đồng loạt kéo về Nhà hát lớn Hà Nội để thực hiện cuộc mít tinh lớn chưa từng có trong lịch sử.
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ hơn 80 năm của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên nước Việt nam Dân chủ Công hòa – nhà nước do nhân dân lao động làm chủ. Nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập, dân chủ, Đảng ta từ một Đảng bất hợp pháp trở thành một Đảng nắm chính quyền, đưa dân tộc ta lên hàng các dân tộc tiên phong trên thế giới.
Những ngày này cả nước đang hân hoan hướng về ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Âm vang ca khúc khải hoàn “Mười chín tháng Tám” vẫn rộn rã vang vọng khắp phố phường, ngõ xóm. 79 năm đã đi qua nhưng tinh thần Cách mạng Tháng Tám sẽ còn mãi toả sáng, là nguồn sức mạnh to lớn của thời đại mới, là động lực và chỉ dẫn quan trọng cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
Sau 79 năm, Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị, khẳng định ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Cách mạng Tháng Tám 1945 mãi là niềm tự hào là biểu tượng sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam, đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giữ vững độc lập chủ quyền, xây dựng và phát triển đất nước.
Từ khi giành độc lập 1945, với bản lĩnh kiên cường và truyền thống yêu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã đoàn kết một lòng đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kết thúc bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; tiếp đó là các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc…
Ảnh trái: Ngày 28/8/1945, đoàn Giải phóng quân ở Việt Bắc về duyệt binh ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh phải: Tại Sài Gòn, ngày 25/8, hơn một triệu quần chúng nội thành và ven đô cùng một số tỉnh lân cận tiến hành mít tinh, tuần hành vũ trang khổng lồ, lật đổ chính quyền phát xít Nhật.
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta đã không ngừng nỗ lực, vượt qua bao khó khăn, thách thức vươn lên xây dựng đất nước “ngày một đàng hoàng hơn to đẹp hơn”. Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu, hiệu quả của bạn bè quốc tế, 79 năm qua Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực: Quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng nhanh; từ một nước nghèo, kém phát triển Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra.
Đặc biệt, sau 38 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986 – 2024) “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Chúng ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, đang tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng. Kinh tế tăng trưởng cao và ổn định; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Những thành tựu có ý nghĩa lịch sử này chính là minh chứng cho lời thề độc lập năm 1945 và cũng khẳng định tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất và khát vọng phát triển vươn lên của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.
Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV sắp tới. Trên con đường tiến lên XHCN mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta có thể tự hào bởi chúng ta đã tạo ra được sự chuyển biến rất tích cực, với nhiều dấu ấn nổi bật. Việt Nam vẫn là một điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.
Nhớ về mùa Thu độc lập về tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám, chúng ta không thể nào quên công ơn và máu xương của bao thế hệ cha ông đã đổ xuống để “nở hoa độc lập”. Đây sẽ mãi là hành trang, là nguồn sức mạnh vô song cổ vũ, động viên chúng ta tiếp tục nỗ lực chung tay đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn thử thách thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
Theo ĐCSVN
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/thoi-su-chinh-tri/vang-mai-khuc-ca-khai-hoan!-42456.html