Trách nhiệm trong giải quyết kiến nghị của cử tri

14

baokontum.com.vn

14/03/2024 13:24

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổng hợp, giải quyết và giám sát việc giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị cử tri trong thời gian vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 1.020 cuộc tiếp xúc cử tri (TXCT) trước và sau các kỳ họp thường lệ; đã tiếp nhận 645 ý kiến, kiến nghị của cử tri do các tổ đại biểu HĐND tỉnh chuyển đến. Qua rà soát, Thường trực HĐND tỉnh chuyển UBND tỉnh xem xét giải quyết, trả lời 550/645 kiến nghị, chiếm 85,3%; chuyển trả lại các tổ đại biểu HĐND tỉnh để thông tin, giải trình lại với cử tri 95/645 ý kiến, kiến nghị, chiếm 14,7%.

 Qua giám sát của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã thông tin, giải trình 350/550 kiến nghị của cử tri, chiếm 63,6%; xem xét giải quyết, trả lời 135/550 kiến nghị, chiếm 24,5%; đang giải quyết, trả lời 65/550 kiến nghị, chiếm 11,8%. Hầu hết các nội dung giải quyết, trả lời đúng trọng tâm vấn đề cử tri quan tâm, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cân đối các nguồn lực của tỉnh cũng như nguồn lực của các địa phương trong tỉnh.

164617T%E1%BB%95%20%C4%91%E1%BA%A1i%20bi%E1%BB%83u%20H%C4%90ND%20t%E1%BB%89nh%20TXCT%20ph%C6%B0%E1%BB%9Dng%20Quang%20Trung,%20th%C3%A0nh%20ph%E1%BB%91%20Kon%20Tum

Tổ đại biểu HĐND tỉnh TXCT phường Quang Trung, thành phố Kon Tum. Ảnh: TL

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổng hợp, giải quyết và giám sát việc giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị cử tri trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là, Thường trực HĐND tỉnh không tổng hợp, gửi trả lại các tổ đại biểu HĐND tỉnh 95 kiến nghị của cử tri do kiến nghị không rõ nội dung, không thuộc thẩm quyền; có 350/645 kiến nghị, chiếm 54,2% đề nghị UBND tỉnh thông tin, giải trình với cử tri, trong khi các nội dung này đã được cơ quan có thẩm quyền quy định trong các văn bản. Những loại kiến nghị này đã gây khó khăn trong công tác tổng hợp của Thường trực HĐND tỉnh và làm cho UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn mất nhiều thời gian xác minh, thông tin, trả lời.

Mặt khác, ngay sau khi nhận được kiến nghị do Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, các cơ quan chuyên môn xem xét, giải quyết. Nhiều kiến nghị của cử tri chỉ trong thời gian rất ngắn đã được các sở, ngành, địa phương giải quyết và có văn bản báo cáo về UBND tỉnh, nhưng phải đến TXCT trước các kỳ họp thường lệ UBND tỉnh mới có báo cáo chính thức kết quả giải quyết, trả lời, làm mất tính thời sự của vấn đề, nỗ lực giải quyết của UBND tỉnh, của các cấp, các ngành không được ghi nhận kịp thời. Có trường hợp cử tri không thống nhất với báo cáo kết quả giải quyết, tiếp tục kiến nghị thì phải đợi đến kỳ TXCT kế tiếp mới có thể nêu ý kiến.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đối với những kiến nghị của cử tri trong thời gian ngắn đã được giải quyết và có văn bản báo cáo thì UBND tỉnh cần khẩn trương xem xét, tổng hợp gửi Thường trực HĐND tỉnh, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND để có thời gian nghiên cứu, giám sát hoặc chọn hình thức phù hợp thông tin đến cử tri có kiến nghị, nhất là những vấn đề bức xúc, vấn đề “nóng” đang được cử tri và dư luận xã hội đang quan tâm. Việc làm này rất có lợi cho việc “an dân”, kịp thời đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. UBND các cấp cần nghiên cứu, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm truyền đạt nhanh nhất đến cử tri những kiến nghị đã được giải quyết, làm cho cử tri và nhân dân thấy rõ sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của chính quyền các cấp.

164643C%E1%BB%AD%20tri%20ph%C6%B0%E1%BB%9Dng%20Quang%20Trung,%20th%C3%A0nh%20ph%E1%BB%91%20Kon%20Tum%20ki%E1%BA%BFn%20ngh%E1%BB%8B

Cử tri phường Quang Trung, thành phố Kon Tum kiến nghị. Ảnh: T.L

 

Bên cạnh đó, đại biểu HĐND phải dành thời gian và tự giác nghiên cứu các luật, nghị định, thông tư và cả các văn bản của Đảng để khi tuyên truyền, vận động mới hy vọng thuyết phục được cử tri, nhất là những cử tri có học vấn cao, hiểu biết sâu rộng. Nếu đại biểu HĐND làm được như vậy thì kiến nghị thuộc loại thông tin, giải trình với cử tri gửi về thường trực HĐND các cấp sẽ giảm đến mức tối thiểu.

Sát cánh cùng đại biểu HĐND, các cấp chính quyền, các ngành và người chủ trì các hội nghị TXCT là ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng phải dành thời gian nghiên cứu, nắm chắc những nội dung đã được pháp luật quy định, nội dung Nghị quyết của HĐND đã được thông qua để phối hợp và cùng với đại biểu HĐND thông tin, giải thích các ý kiến, kiến nghị của cử tri ngay tại hội nghị TXCT. Có làm được như vậy thì không còn kiến nghị thuộc loại thông tin, giải trình gửi về thường trực HĐND các cấp.

Sau các hội nghị TXCT, việc tổ chức họp tổ đại biểu HĐND là rất cần thiết. Vì khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ đại biểu HĐND với thường trực HĐND, UBND, ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam trong việc phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri sau các hội nghị TXCT sẽ giúp tổ đại biểu HĐND tổng hợp đầy đủ, rõ ràng, chính xác về nội dung và gửi kiến nghị cử tri đến đúng cơ quan có thẩm quyền.

Tài Lương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xay-dung-dang/trach-nhiem-trong-giai-quyet-kien-nghi-cua-cu-tri-38779.html