petrotimes.vn
Tin ngân hàng ngày 3/2: Tín dụng tăng nhanh có thể “ẩn” nợ xấu Tin ngân hàng tuần qua: VietinBank tiếp tục giảm lãi suất huy động
BVBank giảm lãi suất cho vay mua nhà
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) áp dụng mức lãi suất cho vay từ 5% một năm, biên độ điều chỉnh lãi suất giữa mức cố định và thả nổi 2% một năm.
Đại diện ngân hàng cho biết lãi suất cho vay đã xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2% một năm. Lãi suất huy động giảm kéo theo lãi suất cho vay giảm xuống mức thấp kỷ lục. Tuy vậy nhu cầu vay mua bất động sản chưa tăng trở lại do thị trường vẫn rơi vào trầm lắng.
Trong bối cảnh đó, BVBank triển khai loạt gói ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối ưu chi phí vay, kịp thời bổ sung nguồn vốn tái cơ cấu hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Với khách cá nhân, nhà băng áp dụng mức lãi từ 5% một năm. Gói áp dụng với khoản vay giải ngân mới, mục đích vay mua, sửa chữa nhà đất để ở, tiêu dùng cá nhân hoặc bổ sung vốn cho sản xuất kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, đầu tư trang thiết bị máy móc. Thời gian áp dụng từ ngày 8/1.
Đi cùng, ngân hàng áp biên độ điều chỉnh lãi suất cho vay giữa mức lãi suất cố định và thả nổi chỉ còn 2% một năm. Cùng với lãi suất ưu đãi, thủ tục vay tại BVBank được rút gọn, thời gian xét duyệt hồ sơ trong 24 giờ.
Chuyên gia BVBank đánh giá, cùng với việc điều chỉnh lãi suất từ các ngân hàng, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa chính thức thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ V vào tháng một sẽ góp phần giúp thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc hơn.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, mỗi ngân hàng đều có tệp khách hàng riêng và có gói tín dụng ưu đãi với từng nhóm khách ưu tiên. Tại BVBank, dịp cuối năm thường, hầu hết khách hàng có xu hướng đi tìm xem nhà với tâm lý “đầu năm mua đất, cuối năm mua nhà”. Vì vậy theo lãnh đạo nhà băng, mức vay ưu đãi sẽ giúp khách hàng dễ quyết định xuống tiền hơn.
VIB dẫn đầu về công nghệ thẻ tín dụng
Với chiến lược dẫn đầu xu thế thẻ tại Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã và đang tiên phong ứng dụng các công nghệ hiện đại hàng đầu vào hệ sinh thái thẻ tín dụng và phát triển thành xu hướng chung, được đa số người dùng ưa chuộng.
Việc đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ kết hợp với độ am hiểu về nhu cầu, sở thích người dùng đã giúp VIB đáp ứng và vượt trên kỳ vọng của khách hàng.
Ghi nhận những đóng góp tích cực của VIB vào sự thay đổi trên diện rộng của công nghệ thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam, cũng như trong khu vực, các tổ chức uy tín quốc tế đã trao tặng Ngân hàng nhiều giải thưởng nổi bật về công nghệ, mới nhất là giải thưởng “Ngân hàng đầu tiên ứng dụng công nghệ Tương tác thực tế ảo (AR) vào Thẻ tín dụng tại Việt Nam” từ VISA và giải thưởng “Đột phá về số hóa thẻ tín dụng” từ Mastercard.
Từ đi đầu về sản phẩm khi lần đầu tiên tích hợp thẻ tín dụng và thẻ thanh toán với dòng thẻ VIB Online Plus 2in1, đến áp dụng Dữ liệu lớn (Big Data) và Trí tuệ nhân tạo (AI) để hoàn toàn thực hiện quy trình phát hành thẻ trong vòng 15-30 phút, hay áp dụng công nghệ thẻ tiên tiến như “thẻ ảo”, “tổng đài ảo” và “chuyên gia tài chính ảo”, VIB đã thành công trong việc tạo nên những trải nghiệm độc đáo, khác biệt và tiện lợi cho người dùng.
Lấy khách hàng làm trọng tâm với mục tiêu mang đến những trải nghiệm chi tiêu không tiền mặt tốt nhất, VIB còn tiên phong ra mắt “thẻ biết nói” qua việc nhúng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) vào mã QR ở mặt sau của thẻ, giúp các giao dịch tài chính vốn khô khan trở nên thú vị và dễ tiếp cận hơn.
Một phó phòng giao dịch ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt hơn chục tỷ đồng
Ngày 3/2, Công an tỉnh Kon Tum cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Văn Tồn (33 tuổi, trú TP Kon Tum) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cơ quan điều tra xác định, năm 2016, Tồn có vay tiền để đầu tư chăn nuôi heo, bò nhưng thua lỗ. Đến năm 2018, Tồn tiếp tục vay tiền để mua nhà tại TP Kon Tum; tuy nhiên do không có nguồn thu nhập khác nên dẫn đến mất khả năng trả nợ.
Đến năm 2022, để có tiền trả các khoản vay trước đó, Tồn (khi đang là Phó Phòng Giao dịch của ngân hàng ) đã đưa ra thông tin gian dối cần tiền để đáo hạn ngân hàng cho khách hàng. Do tin tưởng, 4 người dân đã cho Tồn vay tiền.
Sau khi nhận tiền, Tồn không sử dụng để đáo hạn ngân hàng cho khách hàng mà sử dụng để trả nợ cho người khác và tiêu dùng cá nhân. Theo cơ quan điều tra, tổng số tiền mà Tồn chiếm đoạt của các bị hại là hơn 14 tỷ đồng.
Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
Bên cạnh đó, công an tỉnh Kon Tum thông tin, ai là nạn nhân liên quan đến vụ án liên hệ Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum để trình báo, cung cấp thông tin và được hướng dẫn giải quyết.
Lượng kiều hối đạt kỷ lục 16 tỷ USD trong năm 2023
Theo báo cáo của Công ty Kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-SBR), lượng kiều hối qua Sacombank-SBR đã tăng gần 98% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, ông Nguyễn Mạnh Đông, cũng chia sẻ rằng lượng kiều hối đổ về Việt Nam đã tăng mạnh vào cuối năm 2023 và tiếp tục tăng cao trong thời gian sát Tết Nguyên đán, khi người Việt ở nước ngoài chuyển tiền về quê hương để hỗ trợ gia đình trong dịp lễ lớn nhất trong năm.
Theo ước tính của Vụ trưởng Quản lý ngoại hối, ông Đào Xuân Tuấn, lượng kiều hối chảy về cả nước trong năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. TP. Hồ Chí Minh là địa phương đón nhận lượng kiều hối nhiều nhất, chiếm gần 60% tổng số, với gần 9,5 tỷ USD.
Nguyên nhân chính của sự tăng mạnh này được ông Nguyễn Đức Lệnh của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh giải thích là do sau đợt dịch COVID-19, nền kinh tế thế giới và Việt Nam đều gặp nhiều khó khăn, khiến người Việt ở nước ngoài tăng cường xuất khẩu lao động để hỗ trợ gia đình. Ông cũng nhấn mạnh rằng lượng kiều hối đổ về TP Hồ Chí Minh trong năm qua tăng mạnh nhất trong vòng 10 năm.
Chủ tịch Sacombank-SBR, ông Trần Kim Khoa, cho biết rằng sự gia tăng của lao động Việt Nam đi làm việc và học tập ở nước ngoài cũng đóng góp quan trọng vào sự tăng của kiều hối. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng thông báo rằng hiện có khoảng 6 triệu người Việt đang sinh sống ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 80% ở các nước phát triển.
Ông Nguyễn Đức Lệnh nêu rõ rằng khu vực châu Á đóng góp hơn một nửa lượng kiều hối chảy về TP Hồ Chí Minh, với tăng trưởng đáng kể đối với các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Ông cũng đánh giá vai trò ngày càng quan trọng của khu vực châu Á đối với kiều hối.
/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/
Huy Tùng (T/h)
Nguồn bài viết:
https://petrotimes.vn/tin-ngan-hang-ngay-52-bvbank-giam-lai-suat-cho-vay-mua-nha-705189.html